Thân là hoàng đế phong kiến, nắm trong tay mọi quyền lực trong thiên hạ thì tính khí của họ tự nhiên sẽ kỳ quái hơn người thường rất nhiều. Cận thần chỉ cần nói sai một câu hoặc làm sai một việc nhỏ cũng đều có thể gây ra đại họa.
Lịch sử đã ghi nhận có vô số người bị trừng phạt nặng nề vì làm hoàng đế nổi giận, ngay cả hoàng tử hay thái tử cũng không có quyền miễn trừ, đành phải chấp nhận hình phạt.
Trong giao tiếp hàng ngày, nếu thiếu chừng mực một chút thì cùng lắm cũng chỉ là mất đi một người bạn, nhưng nếu hành xử sai một ly trước mặt hoàng đế, có thể người đó sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Vì thế mà có rất nhiều đại thần đều cảm thấy run rẩy khi phải đối mặt với hoàng đế.
Bàn về cách ứng xử trước mặt vua, không thể không nhắc đến những câu chuyện giữa vua Càn Long và Lưu Dung thời nhà Thanh.
Lưu Dung được biết đến là một người tài năng, xử lý chính sự một cách chỉn chu và rất nhanh nhạy khi đối mặt với các tình huống nhiều nguy cơ.
Theo giả sử ghi chép, có lần nhân việc Lưu Dung lập được công lớn vạch tội Quốc Thái. Hòa Thân thách thức Lưu Dung có dám bắt lỗi cả Càn Long hay không? Nếu không dám thì phải vái ông ta 3 vái, Lưu Dung nhận lời.
Lúc vào triều, Lưu Dung đứng ra tâu: Thần có một bản tấu, muốn kể tội một người có quyền thế mà phạm tội đi đào trộm phần mộ của người khác. Chính là Hoàng thượng.
Cả triều đình nghe Lưu Dung nói mà lạnh toát người, không ngờ việc tưởng đùa thành thật. Càn Long quả nhiên nổi giận, mắng Lưu Dung sao to gan dám vu cáo cho mình.
Lúc này Lưu Dung bình tĩnh đáp: Hoàng thượng không nhớ, mấy năm trước cung Càn Thanh tu sửa cần gỗ gấp. Hoàng thượng phải hạ lệnh dỡ lăng của viên tướng nhà Minh ra lấy gỗ. Đó chẳng phải là tội đào trộm mộ sao?. Chuyện này hạ thần tự tay đi làm, sợ khó thoát tội nên xin Hoàng thượng chịu phạt cùng.
Nghe vậy Càn Long đổi giận thành vui, hỏi Lưu Dung vì sao lại đem chuyện cũ ra nói lại. Lưu Dung bèn kể việc Hòa Thân thách thức mình ra kể tội hoàng thượng. Càn Long thấy Hòa Thân dám lôi cả mình ra để cá cược, liền nổi giận bắt Hoà Thân phải lạy Lưu Dung đủ 3 lạy mới được tha tội.
Thời xưa, các quan trong triều không chỉ được kiểm nghiệm tài năng của bản thân mà quan trọng hơn là khả năng ứng phó với hoàng đế, thậm chí đôi lúc khả năng này còn quan trọng hơn tài năng cá nhân rất nhiều.
Vì thế mà có rất nhiều người vừa không có tài lại không có đức nhưng dựa vào thói xu nịnh hoàng đế mà trở thành trọng thần của đất nước.
Tuy nhiên với Lưu Dung, ông không chỉ thực hiện tốt chức trách của mình mà còn rất nhanh nhạy trong việc giao tiếp với hoàng đế, xứng đáng là nguyên lão của hai triều đại.
Năm đó, khi vừa vào Kinh thành đảm nhiệm chức Ngự sử, có một lần Lưu Dung đã vào cung yết kiến Càn Long bàn chuyện quốc sự.
Sau khi mọi việc xong xuôi, Càn Long nhìn vào bộ dạng xa lạ của một vị quan mới nhậm chức tại kinh thành như Lưu Dung và hỏi tên tuổi ông.
Lưu Dung thành thật trả lời tất cả, sau khi nghe Lưu Dung trả lời về tuổi đời của mình, Càn Long liền hỏi thêm: "Vậy ngươi cầm tinh con gì (thuộc con giáp gì)?". Lưu Dung nghĩ một chốc rồi trả lời: "Dạ thưa, thần cầm tinh con lừa ạ".
Sau khi nghe đáp án của Lưu Dung, Càn Long vô cùng ngạc nhiên: "Trong 12 con giáp đâu có con lừa, ngươi có biết nói dối trẫm là phạm tội khi quân không?".
Lưu Dung nghe xong không những không kinh hãi mà còn quỳ xuống và điềm đạm giải thích với Càn Long: "Thần được biết Hoàng thượng cầm tinh con ngựa, vậy thần đương nhiên không dám ngồi ngang hàng (cùng cầm tinh con ngựa) với Hoàng thượng, vì vậy thần chỉ có thể cầm tinh con lừa thôi ạ". (Lưu Dung thực chất cầm tinh con ngựa).
Càn Long lập tức bị câu trả lời khéo léo của Lưu Dung làm cho cười không ngớt, liền cảm thấy người này quả là có một tư duy nhạy bén khác người. Sau đó, liền thăng quan 3 cấp cho Lưu Dung và để cho Lưu Dung giữ chức, làm việc trong cung.