Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Nguyễn Văn Thái, Phó Trưởng Khoa Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay: "Tôi ủng hộ và mong đợi tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Việt Nam bởi nó có nhiều ưu điểm nổi trội như nguồn điện sạch, có công suất lớn, ổn định, giá cạnh tranh và là xu hướng phát triển ở các nước tiên tiến".
PGS Nguyễn Văn Thái tâm sự thêm: "Bản thân tôi là người được đào tạo Kỹ thuật Hệ thống Hạt nhân và từng tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân từ năm 2008 của Đại học Bách khoa Hà Nội, quan điểm của tôi cần phải sớm triển khai dự án điện hạt nhân trước nhu cầu lớn về nguồn điện trong tương lai và đảm bảo cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050".
PGS.TS Nguyễn Văn Thái giới thiệu với PV báo Dân Việt mô hình bình sinh hơi và mô hình thùng lò phản ứng hạt nhân (do đối tác Nhật Bản tặng). Ảnh: Tào Nga
Chung quan điểm, TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng bộ môn Vật lý hạt nhân, khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ: "Tôi thấy việc khởi động lại dự án điện hạt nhân hoàn toàn đúng đắn bởi xu hướng của thế giới là chuyển sang điện sạch, trong đó có điện hạt nhân và điện hạt nhân có vai trò làm điện nền rất quan trọng. Hiện điện than thì khó khăn do các sản phẩm sản xuất ra mà sử dụng điện than sẽ bị đánh thuế cao khi xuất khẩu nên khó cạnh tranh, thủy điện đã hết khả năng, điện gió, điện mặt trời dù tiềm năng nhưng phụ thuộc thời tiết và chúng ta chưa làm chủ được công nghệ lưu trữ năng lượng với giá thành thấp. Chỉ có điện hạt nhân mới cung cấp nguồn điện nền ổn định, bền vững. Đây là nguồn điện sạch, công suất lớn, hoạt động cả ngày đêm, không phụ thuộc thời tiết và không phát thải CO2 gây ô nhiễm môi trường. Nếu bây giờ chúng ta xây dựng xong điện hạt nhân thì 50 năm sau mới phải lo thay thế nhiên liệu".
Cũng theo TS Nghĩa, có thể dư luận lo ngại việc ô nhiễm phóng xạ khi chứng kiến 2 vụ lớn là sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine (trước đây thuộc Liên Xô) năm 1986 , hay sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản vào năm 2011. Tuy nhiên các sự cố này xấy ra là vì đó là thế hệ lò phản ứng công nghệ cũ. Hiện nay, xây dựng nhà máy điện hạt nhân với những cải tiến của thế hệ lò mới rất an toàn, với nhiều hệ thống bảo vệ nên gần như không thể có có các sự cố mất an toàn được. Vì vậy các nước tiên tiến đang quay lại sử dụng nguồn điện này để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu, bảo vệ ngôi nhà chung duy nhất của chúng ta đó là Trái đất. Chúng ta cần thực hiện sớm, nhanh và quyết liệt nếu cứ kéo dài sẽ không hiệu quả.
Trước đó, ngày 25/11/2009, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2016.
Đến nay, sau 8 năm kể từ ngày có quyết định dừng dự án điện hạt nhân, PGS Nguyễn Văn Thái cho biết: Tôi vẫn còn nhớ như in lúc Quốc hội "bấm nút" và đưa ra lý do điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án.
"Thầy trò chúng tôi ai cũng tiếc vì đây là dự án lớn. Chúng tôi đã rất nghiêm túc và mất nhiều công sức xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo với sự hỗ trợ hiệu quả từ các đối tác thân thiết như Nhật Bản, Pháp, chưa kể nguồn nhân lực đã được cử đi đào tạo ở Nga, Nhật Bản hàng trăm người", thầy Thái trầm ngâm.
"Song song với điện hạt nhân, chúng ta cần quan tâm đến đề án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai và mong muốn thêm của giới khoa học hạt nhân là xây dựng Trung tâm máy gia tốc để phục vụ nghiên cứu. Bởi vì ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân còn cho cả y tế, nông nghiệp, công nghiệp… chứ không chỉ riêng điện hạt nhân", TS Nguyễn Thế Nghĩa cho hay.
PGS Thái chia sẻ thêm, các bạn sinh viên khi đó nghe tin dừng dự án điện hạt nhân cảm thấy rất lo lắng, bất an về cơ hội việc làm.
Các thầy cô và nhà trường một mặt động viên các bạn sinh viên, đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo, chuyển định hướng các lĩnh vực ứng dụng liên quan đến kỹ thuật hạt nhân để tạo cơ hội nghề nghiệp.
"Chúng tôi không quên khích lệ các bạn tin tưởng chờ đợi và luôn sẵn sàng đóng góp khi điện hạt nhân quay trở lại trong tương lai", PGS Thái nhớ lại.
TS. Nguyễn Thế Nghĩa cũng bày tỏ: "Tôi thấy khá tiếc khi Quốc hội đã quyết định dừng lại dự án này năm 2016. Giá như hồi đó vẫn tiếp tục nhưng với tiến độ chậm lại, làm cẩn thận hơn và đặc biệt vẫn tiếp tục chương trình đào tạo nhân lực, thì Việt Nam đã có đội ngũ nhân lực tương đối tốt hơn bây giờ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của điện hạt nhân. Theo chỉ đạo của Bộ GDĐT hồi đó, chúng tôi đã mất nhiều năm tham khảo khung chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới để xây dựng chương trình đào tạo nhân lực phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam… tất cả những tài liệu của chương trình đó hiện tại vẫn lưu trên máy tính. Tuy nhiên, bây giờ quay lại vẫn chưa muộn vì nhu cầu điện của nước ta rất cấp bách, và các chương trình đào tạo thì cần phải cập nhật lại".
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, trước đây là Đại học Tổng hợp Hà Nội, là trường có truyền thống đào tạo Vật lý hạt nhân và nghiên cứu cơ bản, từ năm 1956. Hiện nay trường có thêm ngành Công nghệ và Kỹ thuật hạt nhân. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm tại các cơ sở như: Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, các bệnh viện có khoa Y học hạt nhân như bệnh viện K, 108, ung bướu, trung tâm chiếu xạ Hà Nội…
Theo TS Nghĩa: "Mỗi năm trường đào tạo khoảng 20 đến 30 sinh viên. Nếu dự án điện hạt nhân quay lại, nhà trường sẽ có kế hoạch đào tạo nhiều hơn tùy theo yêu cầu. Do vậy, nếu Chính phủ có chủ trương điện hạt nhân thì cần sớm đầu tư xây dựng chương trình đào tạo nhân lực và cần thực hiện tốt hơn, đặc biệt nên trao quyền chủ động cho các trường để đầu tư đào tạo dài hạn và chuyên sâu.
TS. Nguyễn Thế Nghĩa giới thiệu máy gia tốc Pelletron phục vụ nghiên cứu và đào tạo vật lý hạt nhân mà Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là trường duy nhất ở Việt Nam sở hữu. Ảnh: Tào Nga
Hiện nay có Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Đại học Đà Nẵng là những trường có nền tảng đào tạo về nhân lực phục vụ cho điện hạt nhân. Nếu chương trình điện hạt nhân chính thức quay lại, thì cần đầu tư sớm cho các trường này các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại, đồng bộ, đạt đẳng cấp quốc tế cho sinh viên học tập, thực hành và nghiên cứu. Ngoài ra cần trang bị các phòng thí nghiệm chuyên sâu cho các nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân để nâng cao năng lực nghiên cứu. Do mỗi trường có một thế mạnh riêng, vì vậy việc đầu tư, giao nhiệm vụ phải phù hợp để phát huy sở trường của mỗi trường và tránh trùng lặp.
Hiện tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là trường duy nhất ở Việt Nam có máy gia tốc Pelletron do Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư và đã phục vụ tốt cho nghiên cứu và đào tạo, đây cũng là một thế mạnh của Nhà trường trong thời gian qua".
Với vai trò là đơn vị đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân, theo PGS Nguyễn Văn Thái, sắp tới nếu dự án điện hạt nhân khởi động lại sẽ có nhiều thuận lợi. Các chương trình đào tạo nguồn nhân lực (được hỗ trợ từ các nước như Nga, Nhật Bản), cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia… hoàn toàn có thể đáp ứng được ngay khi chương trình điện hạt nhân có nhu cầu.
Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo lĩnh vực Kỹ thuật Hạt nhân (hiện thuộc khoa Vật lý kỹ thuật) từ năm 1970, mặc dù chương trình phát triển điện hạt nhân đã tạm dừng từ 2016, cho đến nay nhà trường vẫn duy trì tuyển sinh khoảng 30 - 40 sinh viên mỗi năm với định hướng nghề nghiệp trong các lĩnh vực ứng dụng thực tiễn như công nghiệp, y tế. Tuy nhiên, năng lực thực tế của nhà trường có thể đào tạo nhiều hơn thế.
Chương trình đào tạo Kỹ thuật Hạt nhân hiện tại vẫn duy trì mô đun năng lượng hạt nhân thu gọn và sẵn sàng mở rộng khi có nhu cầu. Trong đề án đào tạo nguồn nhân lực do Bộ GDĐT xây dựng trước đây, nhà trường được giao kế hoạch tuyển sinh hơn 100 chỉ tiêu mỗi năm, liên tục trong 5 năm nhằm phục vụ kế hoạch phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Do vậy, bên cạnh đội ngũ sẵn có từ trước, tùy vào nhu cầu khi dự án tái khởi động mà nhà trường sẽ có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực mới.
Ngoài ra, với điện hạt nhân là lĩnh vực kỹ thuật đa ngành, Đại học Bách Khoa Hà Nội có lợi thế lớn khi có nhiều đơn vị đào tạo nhiều ngành kỹ thuật liên quan trực tiếp đến công nghệ nhà máy điện hạt nhân như cơ khí, vật liệu, nhiệt, điện, điều khiển tự động, hóa học… cùng tham gia. Nhà trường còn có 3 đối tác lớn từ Nhật Bản là Hitachi, Toshiba, Mitsubishi thông qua công ty JINED vẫn luôn đồng hành cung cấp đội ngũ chuyên gia, tài liệu, học bổng từ năm 2006 đến nay.
"Ngay sau khi nghe tin khởi động dự án điện hạt nhân, nhiều cựu sinh viên từng được cử đi học ở Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các cựu sinh viên theo học chương trình đào tạo Kỹ thuật Hạt nhân tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhắn tin cho tôi bảo: "Thầy ơi, em có cơ hội không, em vẫn chờ đây ạ". Do vậy, tôi tin rằng, khi Chính phủ cần thì ngay lập tức có thể kêu gọi và thu hút được một số lượng nhân lực nhất định sẵn sàng làm việc, tham gia dự án", PGS Thái nói.
Chia sẻ về mức thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hạt nhân, PGS Thái cho hay: "Thông thường chúng ta đánh giá công việc sau khi tốt nghiệp sau 5-10 năm. Có thể khi ra trường bạn nhận mức lương 5-10 triệu đồng/tháng nhưng sau đó sẽ cao hơn nhiều tùy vào cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực nghề nghiệp của bạn. Tôi tin rằng, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hạt nhân luôn có mức thu nhập tương xứng với năng lực và công việc".