Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần sớm nghiên cứu, khởi động điện hạt nhân
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần sớm nghiên cứu, khởi động điện hạt nhân
Nguyễn Tuyền
Chủ nhật, ngày 27/10/2024 06:30 AM (GMT+7)
“Họ bảo tôi dùng “điện sạch” - điện tái tạo mà hàng của chúng ta lại dùng “điện bẩn” - điện than, phát thải để áp thuế, hạn ngạch, thì làm sao bình đẳng được. Điện sạch là "cuộc chơi" của thế giới, mình không thể đứng ngoài”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Dự phiên họp tại tổ của Quốc hội ngày 26/10 về Dự án Luật Điện lực (Sửa đổi), Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra hàng loạt vấn đề thực tiễn đối với ngành điện như nguy cơ thiếu điện thường trực do kinh tế phát triển, định hướng phát triển điện sạch, giảm phát thải về 0 và đặc biệt là kế hoạch phát triển điện hạt nhân.
Tại phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề “Vì sao lại phải có Luật Điện lực (sửa đổi) và đưa ra lấy ý kiến Quốc hội lần họp này, Ông khẳng định: “Yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng năng lượng là một trong những vấn đề dẫn dắt, trụ cột, là một trong những điểm đột phá”.
Thách thức thiếu điện thường trực, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện nay chúng ta đang đứng trước thách thức thiếu điện trầm trọng. Vừa qua có một số nhà đầu tư đã nghiên cứu và dự tính, nếu Việt Nam phát triển như thế này thì độ vài năm nữa thiếu điện mà không xử lý được thì sẽ không đầu tư vào Việt Nam.
“Đầu tư vào đây không cấp điện thì dừng sản xuất à? Người ta tính toán hết chứ. Người ta muốn đầu tư phải xem sản lượng điện đến thế nào? Vài năm nữa tiêu thụ điện ra sao? Nguồn năng lượng thế nào, đủ cung ứng hay không?”, Tổng Bí thư phân tích.
Theo Tổng Bí thư, vừa qua có một số đối tác thăm dò, đã nghiên cứu, cuối cùng họ rút vì lo ngại thiếu điện.
Vấn đề thứ hai đặt ra là điện sạch, Việt Nam đã cam kết năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0. Chính vì vậy, cần phải có điện sạch, để cạnh tranh. Các nước có những biện pháp để phòng vệ, đưa vấn đề sử dụng điện sạch để làm hàng rào, quy chuẩn môi trường và đặt hạn ngạch (quota) cho hàng nhập khẩu.
“Họ bảo tôi dùng “điện sạch” - điện tái tạo mà hàng của chúng ta lại dùng “điện bẩn” - điện than, phát thải để áp thuế, hạn ngạch, thì làm sao bình đẳng được. điện sạch là "cuộc chơi" của thế giới, mình không thể đứng ngoài được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, vừa qua điện mạch 3 cũng điều tiết điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc để cân đối. Miền Bắc không sản xuất được đủ điện thì miền Trung sẽ trở thành trung tâm điện năng.
“Hôm trước tôi đi vào trong Quảng Trị thấy rất tiềm năng về phát triển điện sạch, điện gió, điện ngoài khơi. Các đồng chí báo cáo tính toán khoảng 10.000 MW/năm, khoảng 10.000 tỷ đồng thu nhập từ năng lượng này. Chưa kể là mua từ Lào sang, Lào sản xuất được điện thì bán sang đây, đi vào đường Quảng Bình, Quảng Trị là gần nhất, thuận lợi nhất. Truyền tải điện mạch 3 đến Quảng Bình rồi, nối thêm sang Quảng Trị nữa ra Hưng Yên thì các tỉnh phía Bắc đủ điện cho phát triển”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cần khôi phục lại điện hạt nhân để đảm bảo đủ điện
Nhắc lại chủ trương mới của Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Bây giờ là mục tiêu phát triển, điện sạch cũng cân đối tất cả các nguồn. Điện gió có thuận lợi, điện mặt trời có mặt thuận lợi, có mặt khó khăn… thì làm gì để mục tiêu năm 2045 đủ điện được? Phải phát triển điện hạt nhân, thế giới người ta cũng đang làm như thế”.
Theo Tổng Bí thư, “trước đây ta có chủ trương rồi nhưng vì lý do này kia chúng ta tạm dừng lại. Nhưng vừa rồi Hội nghị Trung ương 10 nhất trí khởi động lại, phải có chủ trương nghiên cứu về vấn đề này để xin ý kiến Quốc hội”.
“Có chủ trương thì ít nhất 5-10 năm nữa may ra mới lại có nhà máy điện hạt nhân. Còn nếu mà không có nữa thì đến năm 2045 không kịp”, Tổng Bí thư nêu.
Theo Tổng Bí thư, để giải quyết “tất cả những vấn đề bất cập của ngành điện, Luật điện lực (sửa đổi) phải định hướng, phải cụ thể hóa những chủ trương của Đảng. Phải đưa pháp lý làm sao để đảm bảo được yêu cầu đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia phát triển, điều tiết, quy hoạch thế nào, Quy hoạch điện VIII, điện IX như thế nào, phải đảm bảo được nguồn điện sạch.
Tổng Bí thư khẳng định, nếu làm tốt vấn đề nguồn điện và quy hoạch, Việt Nam có thể công bố với thế giới năm nay sản lượng điện bao nhiêu, từ nguồn nào…
“Người ta nhìn thấy ngay, thấy minh bạch, người ta thấy thì các nhà đầu tư yên tâm vào. Đấy là cái cấp bách của Luật điện lực (sửa đổi) phải đảm bảo được các yêu cầu như thế”, Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư hoan nghênh Chính phủ và các bộ ngành đối với vấn đề đưa điện hạt nhân nghiên cứu trở lại: “Rất hoan nghênh các cơ quan vào cuộc ngay, khi Trung ương có ý kiến về chủ trương điện hạt nhân thì trong Luật điện lực sửa đổi xuất hiện ngay”.
Tổng Bí thư khẳng định: “Phải tính làm sao để đủ điện, công suất như thế nào, bố trí ở đâu, công nghệ gì? Đây mới là chủ trương, tất cả những việc đó phải bàn, phải tính đến để làm sao chúng ta phải rất chủ động”. Đồng thời, Tổng Bí thư chỉ đạo: “Định hướng thế này rồi chờ đến mấy năm nữa khảo sát, giải phóng mặt bằng, đi tìm công nghệ, đi tìm vốn nữa, trong khi 2045 đến nơi rồi, không chờ đợi được. Thời gian không cho phép, chúng ta phải làm những việc đó, đòi hỏi phải rất nhanh, rất đồng bộ".
Tổng Bí thư cũng cho rằng nếu chờ đợi để hoàn chỉnh được hết, học tập hết kinh nghiệm nước ngoài thì rất khó. Chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện hoàn chỉnh nhưng với tầm nhìn để đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu như vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.