Dân Việt

Thái Bình phát triển HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Bình Minh 26/11/2024 05:27 GMT+7
Phát triển HTX nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nhằm tổ chức lại sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững phù hợp với định hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM ở Thái Bình.

Đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững, các hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. 

Thái Bình: Phát triển HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Tập trung tích tụ ruộng đất, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu thu hoạch, làm đất...

Ngoài ra, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn như: bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, du lịch sinh thái, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, nước sạch và nhiều dịch vụ khác với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng.

Theo số liệu từ Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 12 năm 2022, cả nước có 19.431 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 67% tổng số hợp tác xã trong các lĩnh vực, thu hút gần 3,8 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nông dân. 

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tính đến 30/6/2024 có 445 hợp tác xã; trong đó có 352 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 80%), 85 hợp tác xã tín dụng, 29 hợp tác xã CN – TTCN, vận tải, xây dựng, thương mại dịch vụ và lĩnh vực khác. Với tổng số 414.425 hộ thành viên, 6.752 lao động, bình quân 19 lao động/hợp tác xã chủ yếu trong các tổ đội dịch vụ thủy nông, cung ứng vật tư nông nghiệp, dự kiến năm 2024, doanh thu bình quân của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt 1,68 tỷ đồng, lãi ước đạt 93 triệu đồng.

315 hợp tác xã tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã 2012 và 36 hợp tác xã thành lập mới của tỉnh Thái Bình đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các dịch vụ được mở rộng cả về số lượng và quy mô với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu sản xuất, giúp bình ổn giá cả khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, trong tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, các hợp tác xã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn; đồng thời vận động thành viên tích cực dồn điền đổi thửa, chỉnh trang ruộng đồng, đào đắp bờ vùng bờ thửa, củng cố giao thông, thuỷ lợi nội đồng... 

Thái Bình: Phát triển HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Các hợp tác xã nông nghiệp vận động thành công xã viên tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Từ đó, thành viên hợp tác xã có điều kiện tham gia đóng góp vào quy hoạch, xây dựng hệ thống kênh mương, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các hợp tác xã nông nghiệp đã cùng với chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương, góp phần tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thành viên và người lao động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Hoạt động của các hợp tác xã còn góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội. Thành viên của các hợp tác xã không chỉ hợp tác thụ hưởng lợi ích kinh tế mà còn thụ hưởng các chính sách phát triển văn hóa - xã hội trong cộng đồng, được tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội, giúp cho các thành viên cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, gắn kết, giữ gìn an ninh trật tự và sự ổn định ở nông thôn.

Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duỵệt tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020, tỉnh Thái Bình đã bố trí vốn xây dựng kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi, đường giao thông nội đồng cho 35 vùng sản xuất của 35 hợp tác xã thuộc 7 huyện với tổng kinh phí 248 tỷ đồng, trong đó tính riêng năm 2024 hỗ trợ 37.150 triệu đồng xây dựng kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi, đường giao thông nội đồng cho 13 vùng sản xuất của 13 hợp tác xã. Hỗ trợ thí điểm mô hình xây dựng Trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện tại xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ 13.500 triệu đồng.

 Hỗ trợ 02 mô hình của Hợp tác xã Bình Định và Hợp tác xã Điệp Nông tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP (hỗ trợ xây dựng hồ sơ OCOP, tư vấn xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu thương hiệu, hỗ trợ bao bì, nhãn mác ...) cho 56 sản phẩm của 48 hợp tác xã. 

Thái Bình: Phát triển HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Mô hình ao bán nổi của thành viên Hợp tác xã Bình Định, huyện Kiến Xương cho năng suất, giá trị, thu nhập cao.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý hợp tác xã là Giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán, các tổ đội dịch vụ nông nghiệp... với khoảng 750 học viên nâng cao kiến thức chuyên môn về phát triển các loại hình dịch vụ sản xuất kinh doanh và xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị trong hợp tác xã nông nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt đơn vị thành viên nâng cao nghiệp vụ quản trị hợp tác xã, công tác kiểm soát, công tác kế toán; tập huấn về chuyển đổi số cho 370 học viên; bồi dưỡng về hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị cho 170 học viên....

Nhận định về hoạt động hệ thống hợp tác xã nông nghiệp trên toàn quốc, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Chính phủ cho rằng, các hợp tác xã nông nghiệp chưa phát huy tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hiệu quả chưa cao. 

Chính phủ cũng nhận định, nguyên nhân chính là do còn nhiều hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhỏ, trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là năng lực của người đứng đầu còn hạn chế; vai trò kết nối giữa hộ nông dân với doanh nghiệp thông qua liên kết chưa cao; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, hạn chế và phân tán trong triển khai chính sách; thiếu các chương trình hành động, kế hoạch và các giải pháp cụ thể, nhất là ở cấp cơ sở.

Từng bước khắc phục tình trạng chung trên, Thái Bình định hướng phát triển mạnh mẽ, đa dạng hợp tác xã nông nghiệp về quy mô và lĩnh vực hoạt động, tích cực triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới; chú trọng phát triển hợp tác xã theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, các hợp tác xã ở các vùng, địa phương có các sản phẩm lợi thế canh tranh để thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã; xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh đảm bảo lợi ích hợp pháp của thành viên. 

Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025 thành lập mới 10 hợp tác xã nông nghiệp trở lên, doanh thu bình quân của 01 hợp tác xã đạt 4.025 triệu đồng và lợi nhuận bình quân một hợp tác xã đạt 435 triệu đồng, tương đương ước thực hiện năm 2024.

CHUYÊN MỤC "THÁI BÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI"