Không chỉ tràn lan trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới mà ngay cả các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, đâu đâu cũng thấy hàng Trung Quốc giá siêu rẻ. Về mặt bằng giá, hàng Trung Quốc đang rẻ hơn so với hàng sản xuất trong nước từ 20 - 30%, thậm chí, các sản phẩm may mặc giá rẻ hơn đến một nửa. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước lo lắng.
Tại chợ An Đông, quận 5 - một trong những chợ sỉ quần áo lớn nhất TP.HCM, tình hình mua bán hẩm hiu.
Chị Nguyễn Thái Trang - tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông, đồng thời có xưởng may riêng, cho biết rất đau đầu trước quần áo "made in China" tràn lan. Không chỉ người tiêu dùng mà chính những nhà sản xuất như chị Trang cũng cảm thấy khó tin trước giá bán của quần áo Trung Quốc.
Theo chị Trang, một bộ quần áo nữ do chính cơ sở chị thiết kế và sản xuất, giá thành thấp nhất phải 150.000 đồng, bán ra trên 200.000 đồng thì mới có lời. Nhưng, quần áo Trung Quốc chỉ từ 120.000 đồng. Điều này nếu tồn tại lâu dài sẽ sớm đè bẹp hàng Việt và các cơ sở, doanh nghiệp may mặc trong nước.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony, một doanh nghiệp có tiếng trong ngành may mặc cũng bày tỏ lo lắng trước làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ hiện nay.
Theo ông, nếu nhà nước không có những chính sách kịp thời can thiệp theo hướng bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, nhiều khả năng doanh nghiệp Việt sẽ khó có thể đứng được trong cơn “sóng dữ” này.
Các doanh nghiệp trong ngành hàng đồ gia dụng cũng cùng chung nỗi lo khi hàng Trung Quốc đang lấn lướt trong cuộc chiến “giá rẻ xuống đáy”. Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM, thẳng thắn cho biết các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc khuyến mãi 60 - 90% là nỗi lo lớn đối với nhà sản xuất trong nước.
“Đây không chỉ là cuộc sàng lọc mà có nguy cơ triệt tiêu nhà sản xuất nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam. Cùng một nguyên liệu, cùng chủng loại sản phẩm, các doanh nghiệp Việt không thể sản xuất được sản phẩm có giá thành rẻ, chi phí giao nhận thấp như hàng hóa Trung Quốc trên sàn này”, ông Quốc Anh nói.
Theo nhiều doanh nghiệp, cuộc chiến về giá hiện nay giữa doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới là một cuộc chiến không cân sức. Bởi trong khi doanh nghiệp Việt đang “còng lưng” gánh một loạt quy định thì các doanh nghiệp Trung Quốc lại dễ dàng đưa hàng vào Việt Nam.
Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM Nguyễn Quốc Anh, nhận định những nền tảng như Taobao, Temu và Shein bán hàng vào Việt Nam không phải nộp thuế và hưởng lợi từ hệ thống logistics do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất cao, khiến họ không thể cạnh tranh một cách hiệu quả. Nguyên liệu sản xuất như cao su, hóa chất, nhựa... nhập về cảng đã phải chịu thuế VAT.
Ngay cả doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm, cứ tưởng ít bị ảnh hưởng trong cuộc chiến này nhưng nhiều doanh nghiệp đều đang sản xuất trong lo âu.
Theo bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, dù ngành hàng lương thực thực phẩm chưa đến mức cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng lo ngại. Đầu năm đến nay, lượng hàng hóa xuất khẩu của Bình Tây tăng 35% nhưng thị trường nội địa giảm 20%. Điều này cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp đang bị lấn lướt ngay trên sân nhà mình.
Đáng chú ý, nguyên phụ liệu đầu vào của ngành chế biến, nhất là bao bì, nếu sử dụng nguyên liệu Trung Quốc, có thể giúp doanh nghiệp giảm về chi phí. Tuy nhiên, việc này lại đẩy các doanh nghiệp bao bì trong nước vào bế tắc.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM không giấu nỗi lo trước tình hình hàng Trung Quốc tràn lan hiện nay. “Đây là báo động đỏ đối với tất cả doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Lên mạng mua hàng Trung Quốc từ 3 - 5 ngày là giao, thậm chí chỉ 2 ngày. Cái gì cũng rẻ hơn mình hết nhưng nguồn gốc, xuất xứ thì mình đâu có biết được. Họ cạnh tranh kiểu này thì mình chỉ có chết thôi”, bà Chi thẳng thắn nêu quan điểm.
(Còn nữa): Lo hàng Trung Quốc triệt tiêu hàng Việt - Bài 3: Cần gấp biện pháp mạnh tay từ nhà nước