Dân Việt

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ

Tuyết Nhung - Trần Hậu 30/10/2024 19:48 GMT+7
Ngày 29/10, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang).

Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án.

Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2024 được triển khai tại 5 xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Châu, Hòa Khương và Hòa Tiến thuộc huyện Hòa Vang.

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại xã Hòa Châu. Ảnh: T.N.

Dự án bao gồm 5 mô hình: Lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, Nuôi sâu canxi và Nuôi trùn quế.

Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án cho biết: "Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" được tổ chức tại xã Hòa Châu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về hiệu quả của việc xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường; vận động hội viên nông dân áp dụng, duy trì và mở rộng thực hiện các kỹ thuật xử lý rác thải mà Dự án đang tuyên truyền".

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án chủ trì Hội thảo. Ảnh: T.N.

Tại Hội thảo, các cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Châu đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện để các giảng viên Dự án giải đáp, hỗ trợ, hướng đến duy trì và nhân rộng tính hiệu quả thực tế của các mô hình.

Ông Huỳnh Tấn Ánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu cho hay: "Cùng với việc triển khai vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện 5 giải pháp kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, Hội Nông dân xã Hòa Châu duy trì đều đặn hoạt động sinh hoạt tổ nhóm mỗi tháng, thu hút sự tham gia tích cực của 30 hội viên nông dân.

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ- Ảnh 3.

Ông Huỳnh Tấn Ánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của hội viên nông dân khi thực hiện Dự án. Ảnh: T.N.

Mỗi buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí cởi mở và chia sẻ, tạo cơ hội cho các hội viên trao đổi kinh nghiệm thực tế trong việc áp dụng các mô hình xử lý rác thải và chăn nuôi sinh học. Qua đó, không chỉ giúp hội viên nông dân giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình mà còn gắn kết cộng đồng, thúc đẩy sự chia sẻ và hợp tác giữa các hộ dân trong thôn, tạo nên sự thành công bền vững cho các hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường".

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ- Ảnh 4.

Ông Phùng Văn Mai – Hội viên nông dân thôn Tây An chia sẻ những hiệu quả tích cực của mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Ảnh: T.N.

Từ khi tham gia Dự án, nông dân xã Hòa Châu biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi; ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, phụ phẩm cây trồng ngay tại ruộng; nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế để tạo nguồn thức ăn mới cho vật nuôi và nguồn phân bón hữu cơ giá trị; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp gà lớn nhanh, khỏe, ít bị nhiễm bệnh và không gây ô nhiễm môi trường....

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ- Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương chia sẻ kinh nghiệm nuôi sâu canxi làm thức ăn cho vật nuôi, phân sâu canxi làm phân bón cho cây trồng, góp phần giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.... Ảnh: T.N.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã đã thực hiện hiệu quả mô hình phân loại và xử lý rác thải tại các hộ kinh doanh, giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường, giảm chi phí xử lý rác, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường xung quanh, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường cho tương lai.

Ông Phùng Văn Mai – Hội viên nông dân thôn Tây An chia sẻ: "Nhờ ứng dụng mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng mà gia đình tôi tiết kiệm được 2/3 chi phí sản xuất, giảm lượng rác thải và hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch – một vấn đề gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Từ hiệu quả tích cực đó, tôi đã chia sẻ mô hình này với bà con xung quanh để áp dụng kỹ thuật ủ phân bón hữu cơ vào trồng hành hương, ớt, rau sạch.

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ- Ảnh 6.

Nhiều mô hình xử lý rác thải hữu cơ đang được hội viên nông dân xã Hòa Châu nhân rộng, giúp bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm trong bối cảnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Ảnh: T.N.

Tuy nhiên, một trong những quan ngại lớn nhất của nông dân chúng tôi hiện nay là thời gian ủ phân kéo dài từ 30-60 ngày (tùy theo nguyên liệu và điều kiện thời tiết). Điều này có thể gây khó khăn cho những hộ có quy mô sản xuất lớn, khi cần lượng phân bón ngay lập tức cho cây trồng mà không thể chờ đợi. Đồng thời sau vụ hè thu thời tiết thường mưa lớn và ngập lụt, nên việc ủ phân để bảo quản thời gian dài sẽ khó khăn hơn".

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ- Ảnh 7.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Hòa Châu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hội Nông dân xã Hòa Châu đã đạt được khi tham gia Dự án. Ảnh: T.N.

Chăn nuôi đàn gà 150 con và trồng rau, cây cảnh, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (thôn Dương Sơn) cho biết, mỗi tháng bà phải chi gần 1 triệu đồng để mua thức ăn cho gà, nhưng từ khi thực hiện mô hình nuôi sâu canxi thì bà giảm được chi phí đầu vào. Sâu canxi được dùng làm thức ăn cho vật nuôi, phân sâu canxi được bón cho vườn rau, cây cảnh, mang lại những sản phẩm xanh tươi, sạch và an toàn, góp phần giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, bà Hương và nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đang nỗ lực khắc phục những khó khăn về thời tiết, phòng bệnh, địa điểm nuôi để mở rộng mô hình nuôi sâu canxi, hướng đến phát triển bền vững.

Nông dân Đà Nẵng chia sẻ khó khăn khi xử lý rác thải hữu cơ- Ảnh 8.

Hội Nông dân xã Hòa Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình Dự án, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong xử lý rác thải hữu cơ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Ảnh: T.N.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hội Nông dân xã Hòa Châu đã đạt được khi tham gia Dự án, đại diện lãnh đạo UBND xã Hòa Châu chia sẻ: "Tôi mong rằng trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Hòa Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tiếp cận và áp dụng các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường, thúc đẩy thay đổi hành vi, thói quen xử lý rác thải của người dân trên địa bàn để góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời cải thiện thu nhập...".