Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ sáu, ngày 25/10/2024 09:11 AM (GMT+7)
Ngày 24/10, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại xã Hòa Liên.
Bình luận 0

Đồng chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng và ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết: "Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" được tổ chức tại xã Hòa Liên nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về hiệu quả của việc xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường; vận động hội viên nông dân áp dụng, duy trì và mở rộng thực hiện các kỹ thuật xử lý rác thải mà Dự án đang tuyên truyền".

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng và ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: T.N.

Dự án bao gồm 5 mô hình: Lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế.

Qua đó, vận động nông dân áp dụng các phương pháp chuyển hóa chất thải hữu cơ nhằm góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp cấp ủy và chính quyền địa phương hiểu rõ hơn về Dự án để có các chính sách ủng hộ và nhân rộng Dự án trong thời gian tới.

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.N.

Tại Hội thảo, các cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Liên đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện để các giảng viên Dự án giải đáp, hỗ trợ, hướng đến duy trì và nhân rộng tính hiệu quả thực tế của các mô hình.

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Ái – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho hay: "Được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Hội Nông dân thành phố và Ban Quản lý dự án thành phố trong thực hiện Dự án trên địa bàn 5 xã, đến nay đã có gần 500 hộ dân triển khai thực hiện 5 giải pháp của Dự án. Các hộ tham gia Dự án đều rất phấn khởi, các mô hình nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế đơn giản, thuận lợi cho áp dụng ở hộ gia đình làm nông nghiệp, ngày càng có nhiều hội viên đến học tập mô hình để ứng dụng thực tiễn.

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 4.

Bà Lê Thị Anh Đào – Chánh văn phòng Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, cán bộ điều phối Dự án chia sẻ Kế hoạch thực hiện Dự án từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2024. Ảnh: T.N.

Phụ phẩm và rác thải để thực hiện mô hình đều có trong sản xuất chăn nuôi và trong sinh hoạt, dễ làm không quá tốn kém, chi phí thấp như mô hình nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế, nuôi gà trên đệm lót sinh học.... Từ đó giúp người dân tiết kiệm được một phần chi phí trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập và nâng cao ý thức của người dân trong xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.

Thời gian đến, Hội Nông dân huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình ở các xã thuộc Dự án và triển khai tại 6 xã còn lại, phấn đấu duy trì hiệu quả các mô hình trong tổ chức Hội Nông dân".

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Ái – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho biết hiện nay tại 5 xã thuộc Dự án đã có gần 500 hộ dân triển khai thực hiện các mô hình. Ảnh: T.N.

Theo ông Trần Quang Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, từ khi tham gia Dự án cho đến nay, người nông dân trên địa bàn xã có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi; ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, phụ phẩm cây trồng ngay tại ruộng; nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế bằng phân lợn (heo), phân trâu, bò, gà, thức ăn thừa... tạo nguồn thức ăn mới cho vật nuôi và nguồn phân bón hữu cơ giá trị; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp giảm công dọn chuồng, không gây ô nhiễm môi trường, gà lớn nhanh, khỏe, ít bị nhiễm bệnh.

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 6.

Ông Trần Quang Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của các hộ dân khi tham gia Dự án tuyên truyền, xử lý rác thải. Ảnh: T.N.

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 7.

Sắp tới, Hội Nông dân xã Hòa Liên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ và các mô hình gắn với môi trường tại các địa phương đang triển khai, giúp các hội viên, nông dân tìm hiểu và nhân rộng mô hình. Qua đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong xử lý chất thải hữu cơ theo hướng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.

Chăn nuôi đàn gà khoảng 30 con và trồng hơn 100 chậu hoa, cây cảnh, nông dân Trần Bê chia sẻ: "Trước đây, tôi phải chi 20 triệu đồng để mua giá thể, phân bón, nhưng từ khi tham gia mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng thì tôi tiết kiệm được khoản chi phí này. Thay vào đó là tôi sử dụng phân bón hữu cơ được ủ từ lá chuối, rơm rạ và cỏ bị bỏ đi trên những cánh đồng.

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 8.

Các hộ dân tham gia Dự án chia sẻ những khó khăn để các giảng viên Dự án giải đáp. Ảnh: T.N.

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 9.

Nhờ đó, tôi giảm được chi phí sản xuất; vườn hoa, cây cảnh phát triển xanh tốt hơn, hạn chế sâu bệnh, nhất là bệnh tuyến trùng ở rễ hầu như giảm trên 80%, cỏ dại trong giá thể cũng rất ít; giúp môi trường thêm xanh – sạch – đẹp. Vì vậy, tôi mong muốn mọi người cùng nhau thực hiện mô hình này, thứ nhất là tăng năng suất kinh tế sau là giảm tỷ lệ rác thải, góp phần chung tay bảo vệ môi trường".

Hội Nông dân Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải cho nông dân tại xã Hòa Liên- Ảnh 10.

Bà Ngô Thị Thu Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng, giảng viên Dự án đề ra những giải pháp để triển khai hiệu quả các nội dung của Dự án trong thực tế tại xã Hòa Liên. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng nhận định: "Sau gần 2 năm thực hiện Dự án, Hội Nông dân xã Hòa Liên là đơn vị thực hiện rất tốt các mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường, thúc đẩy thay đổi hành vi, thói quen xử lý rác thải của người dân trên địa bàn xã để góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí trong sản xuất chăn nuôi. Tôi mong rằng với những hiệu quả tích cực đó, cán bộ và hội viên nông dân xã Hòa Liên sẽ tiếp tục phát huy, nhân rộng những mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, lan tỏa rộng trong xã hội để người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem