Dân Việt

Thuế thuốc lá và câu chuyện chuyển đổi cây trồng: Góc nhìn từ người nông dân

PV 30/10/2024 16:25 GMT+7
Nông dân tại những vùng đất cao nguyên đang sống nhờ vào việc trồng và thu hoạch lá thuốc trong những năm qua có thể sẽ phải lao đao nếu thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá tăng sốc vì họ khó có thể chuyển đổi cây trồng hoặc nghề nghiệp kiếm sinh nhai khác trong ngày một ngày hai.

Ý kiến lo ngại trên được ghi nhận từ các bên liên quan trong bối cảnh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ họp Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Họ mong đợi Quốc hội và Chính phủ sẽ lắng nghe và cân nhắc khi sửa đổi luật thuế.

Thuế thuốc lá và câu chuyện chuyển đổi cây trồng: Góc nhìn từ người nông dân - Ảnh 1.

Những tác động của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt TTĐB thuốc lá cũng được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và chuyên gia đề cập trong các bài viết và chương trình tọa đàm gần đây. Việc tăng thuế TTĐB đột ngột sẽ dẫn đến giảm mạnh về nhu cầu thuốc lá hợp pháp do người dùng sẽ chuyển sang sử dụng các loại thuốc lá bất hợp pháp giá rẻ, đồng nghĩa với đầu ra của cây thuốc lá cũng sẽ giảm mạnh và bất ngờ, gây bất lợi rất lớn cho các địa phương có vùng trồng nguyên liệu và các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp cũng như các bên liên quan trong chuỗi phân phối và cung ứng.

Người nông dân vùng nguyên liệu thoát nghèo

Theo các con số thống kê, ngành thuốc lá hợp pháp tạo ra khoảng 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, bao gồm khoảng 10.000 nhân viên nhà sản xuất, 8.000 nhân viên nhà phân phối, 110.000 đến 120.000 nông dân trồng thuốc lá và khoảng 1 triệu điểm bán lẻ tại Việt Nam. Đối với ngân sách nhà nước, ngành cũng đóng góp 26 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.

Bên cạnh đó, thống kê trên cả nước hiện có khoảng 14.000 héc-ta gieo trồng cây thuốc lá, tập trung ở nhiều tỉnh thành như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Đắk Lắk…giúp các địa phương này cải thiện về mặt kinh tế - xã hội.

Câu chuyện của nông dân ở huyện Krong Bong, Đắk Lắk là một minh chứng rõ nét. Từ chỉ có mức thu nhập đủ ăn, nay người nông dân đã có thu nhập ổn định sau vài năm tham gia vào vùng trồng nguyên liệu cho nhà máy thuốc lá.

Thuế thuốc lá và câu chuyện chuyển đổi cây trồng: Góc nhìn từ người nông dân - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Mai - nông dân vùng trồng tại huyện Krong Bong chia sẻ về nguồn thu nhập chính của gia đình mình.

Chị Nguyễn Thị Mai (Thôn 1, xã Khuê Ngọc Liền, huyện Krong Bong, tỉnh Đắk Lăk) chia sẻ: "Vùng chúng tôi đang ở thường xuyên xảy ra lũ lụt, nên lúc trước chúng tôi trồng đủ loại cây chỉ đủ ăn qua ngày. Từ khi trồng cây thuốc lá 2 vụ trong năm đã giúp giải quyết được công ăn việc làm cho cả hai vợ chồng tôi, đặc biệt trong những mùa rảnh rỗi. Công ty sẽ đầu tư hết cho chúng tôi về vật tư phân bón, giống, thuốc trừ sâu và kể cả chi phí vốn, vợ chồng tôi chỉ cần có đất và công lao động là tham gia trồng được cây thuốc lá rồi, mang lại thu nhập rất ổn định. Năm nay, vợ chồng tôi trồng 1,5 ha, sau khi trừ hết chi phí công cán, lãi ròng được khoảng 140 triệu đồng trên 1,5 ha."

Còn tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây khi được các nhà đầu tư thu mua giá cả ổn định trong các năm vừa qua. "Như trong niên vụ 2023-2024, giá thu mua từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhiều người dân khác tại địa phương cũng có thêm công ăn việc làm khi tham gia các công đoạn phân loại và ép kiện cũng như các nguồn thu nhập phụ trợ kèm theo", ông Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từng chia sẻ tại một hội thảo.

Thuế thuốc lá và câu chuyện chuyển đổi cây trồng: Góc nhìn từ người nông dân - Ảnh 3.

Cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây khi được các nhà đầu tư thu mua giá cả ổn định trong các năm vừa qua.

Theo ông Trường, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất đã được người dân quan tâm đầu tư. Diện tích đất kém chất lượng được khai thác đưa vào sản xuất cây thuốc lá có hiệu quả hơn.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong ngành thuốc lá cũng là một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, đảm bảo vấn đề đầu ra bền vững cho người nông dân ở vùng trồng. 

"Chúng tôi kí hợp đồng với các hộ nông dân ngay từ đầu vụ, sẽ đầu tư hết cho các hộ, từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến dây tưới nhỏ giọt, máy tưới, dầu tưới và tiền mặt, gần như là công ty đầu tư toàn bộ cho mùa vụ. Bà con chỉ cần có đất và công trồng. Về đầu ra, chúng tôi cũng cam kết giá mua ngay từ đầu nên mang lại thu nhập rất tốt cho bà con. Cây thuốc lá rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng đất này nên cho năng suất cao, không phải là cây xóa đói giảm nghèo mà là làm giàu cho bà con nông dân ngay trên địa bàn huyện Krong Bong", ông Vũ Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty đầu tư sản xuất Phúc Thịnh cho hay.

Không dễ chuyển đổi

Trước Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) hiện nay, việc tăng thuế đột ngột sẽ dẫn đến giá bán sản phẩm hợp pháp tăng lên nhiều lần khiến sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm sút mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn nông dân vùng trồng nguyên liệu. "Ta thấy rõ các tác động của việc tăng thuế đột ngột và không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tác động chính sách. Đối với ngành, 18 đơn vị trong hiệp hội sẽ phải thực hiện cơ cấu lại, đặc biệt là tác động rộng đến lực lượng bà con nông dân đang trồng cây thuốc lá ở các vùng biên giới", ông Nguyễn Nam Giang, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nêu cụ thể hơn tăng thuế thuốc lá thì sẽ ảnh hưởng đến người trồng thuốc lá. "Hàng ngàn người đang hưởng lợi từ việc trồng lá thuốc lá, họ có cuộc sống bền vững. Họ sẽ phải nghĩ đến chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì. Đây là một điều rất khó và mất một thời gian để hình thành lại hệ thống thu mua."

Việc tìm kiếm và chuyển đổi sang loại cây trồng khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi hoặc vùng trung du để thay thế cây thuốc lá và mang lại sinh kế ổn định cho người nông dân vùng trồng nguyên liệu là không hề đơn giản vì thời tiết diễn biến phức tạp, trong khi đó cây thuốc lá có thể sinh trưởng tốt và mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

"Hiện nay chưa có cây trồng nào mang lại hiệu quả và lợi ích cho người dân như vậy, qua khảo sát và báo cáo của đơn vị tín dụng trên địa bàn thì hằng năm tỉ lệ người dân vùng thuốc lá này sau mùa thu hoạch gửi tiền gửi ngân hàng tăng rất cao", ông Trường khẳng định.

Có thể nói, với mức tăng của Bộ Tài chính, giá bán sản phẩm hợp pháp sau tăng thuế sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030, thuốc lá lậu tăng phi mã, sản lượng thuốc lá hợp pháp sụt giảm nghiêm trọng, các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu sẽ phải thực hiện hoạt động cơ cấu lại, thậm chí đối mặt với rủi ro thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa do sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh.

Điều này sẽ tác động sâu rộng không chỉ hiệu quả sử dụng vốn và tài sản đầu tư, mà còn khiến vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, việc làm và thu nhập của người nông dân tại vùng trồng nguyên liệu cũng như người lao động tại các địa phương đặt cơ sở sản xuất và các nhà bán phân phối, nhà bán lẻ.

Bên cạnh đó, từ những phân tích và ý kiến nêu trên cho thấy, thay vì tăng cao và đột ngột như các phương án đang đề xuất, Việt Nam cần cân nhắc lộ trình tăng thuế để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm thiểu cơ hội cho buôn lậu thuốc lá tăng mạnh khiến số thu ngân sách và tỷ lệ giảm sử dụng thuốc lá không như kỳ vọng.

Hiện nay, mức thuế TTĐB đang áp dụng cho mặt hàng thuốc lá là 75%. Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đề xuất 2 phương án: giữ nguyên tỷ lệ thuế suất hiện hành 75%, và cộng 2.000 đồng/bao cho phương án 1, và 5.000 đồng/bao cho phương án 2, sau đó tiếp tục tăng hàng năm, hướng đến mục tiêu tăng thuế tuyệt đối tới 10.000 đồng/bao vào năm 2030.