Dân Việt

Đáng báo động phá rừng ở Đắk Lắk: Mang chó đi cảnh giới, cho trẻ em bơm thuốc độc, khoan đục thân cây

Phương Ngọc 31/10/2024 05:22 GMT+7
Tình trạng phá rừng trái pháp luật tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp. Đối tượng mang theo chó nghiệp vụ để cảnh giới, thậm chí cho trẻ em bơm thuốc, khoan cây nhằm "hạ độc" cây rừng.

Nhiều thủ đoạn phá rừng tinh vi

Ngày 30/10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã có báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng 9 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 859 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 19 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Mang chó đi cảnh giới, cho trẻ em bơm thuốc độc, khoan cây để phá rừng - Ảnh 1.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các ngành chức năng. 

Trong đó, hành vi phá rừng trái pháp luật 681 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 190,807 ha; khai thác rừng trái pháp luật 22 vụ; săn bắt động vật rừng trái pháp luật 2 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 72 vụ; mua, bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật 59 vụ… Lực lượng chức năng đã xử lý, tịch thu 173 phương tiện, tịch thu 240m3 gỗ các loại; tiền thu sau xử lý là hơn 1,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho hay tình trạng phá rừng trái pháp luật tại các huyện Krông Bông, Buôn Đôn, M'Đrắk, Cư Mgar, Ea Kar,... diễn biến phức tạp và trở thành các "điểm nóng".

Đáng nói, quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Theo đó, nhiều đối tượng mang theo chó vào rừng để cảnh giới. Tại địa bàn huyện M'đrắk, một số đối tượng còn cho trẻ em vào rừng bơm thuốc vào cây, khoan cây nhằm "hạ độc" cây rừng. Thực trạng này khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Gần 128.000 ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm

Không chỉ vậy, theo thông tin từ cơ quan chức năng, thời gian qua, tình trạng người dân chặt phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp, làm nhà ở, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép vẫn còn diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại địa bàn các huyện Ea H'Leo, Ea Súp, Cư M'gar, Krông Nông, Ea Kar... Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 127.784,9 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn, chiếm; việc thu hồi diện tích đất này gặp nhiều khó khăn.

Mang chó đi cảnh giới, cho trẻ em bơm thuốc độc, khoan cây để phá rừng - Ảnh 2.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 128.000 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn, chiếm.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp do công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều hạn chế. Tại một số địa phương, công tác chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó công tác kiểm tra, xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường bị lấn, chiếm chưa được quan tâm đúng mức, chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa cụ thể, sát sao, nhiều địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Bên cạnh đó, tình trạng đất lâm nghiệp do nhà nước quản lý và của các doanh nghiệp được nhà nước giao, cho thuê bị lấn, chiếm trong thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Người dân canh tác, sản xuất, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất lấn, chiếm gây nhiều áp lực, khó khăn cho chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp...

Trước tình hình trên, ngày 24/10, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch xử lý thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn.

Những trường hợp đất bị thu hồi bao gồm: Diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền giao cho các cộng đồng dân cư nhưng bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng. Đất bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng trái pháp luật đối với diện tích UBND tỉnh giao, cho thuê tại các dự án nông lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV, HTV lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia.

Đối với các trường hợp lấn, chiếm đất lâm nghiệp nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm thì cấp xã thông báo công khai về địa điểm, tài sản trên đất (loại cây trồng, công trình trên đất) bị lấn, chiếm lên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, các điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi tập trung dân cư.

Sau 30 ngày, nếu không có tổ chức, cá nhân đến nhận là chủ thể vi phạm thì cơ quan chức năng làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính thuộc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm theo quy định...

Việc thu hồi đất lấn, chiếm được thực hiện từ quý I/2025, hoàn thành vào quý IV/2026.