Theo Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, tháng 9 vừa qua, Yên Bái và một số tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3. Theo đó, nhiều diện tích đất canh tác, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng ngập lụt, bồi đắp (cát, đá, sỏi). Để cải tạo, phục hồi đất canh tác phải mất rất nhiều công sức, kinh phí, trong khi chính sách hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh của Nhà nước chỉ hỗ trợ được cho người dân được "một phần nhỏ".
Do đó, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ có những chính sách đặc thù (như chính sách khai hoang) để hỗ trợ người dân cải tạo, phục hồi sản xuất.
Liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, trong quá trình triển khai Dự án 1: “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, tỉnh Yên Bái đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề quỹ đất sạch để giao đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Hiện tại, quỹ đất này còn thiếu, không tập trung, manh mún và cách xa nơi ở của người dân, gây khó khăn trong việc bố trí đất phù hợp với phong tục, tập quán sinh sống của đồng bào.
Việc thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất giữa các hộ dân cũng gặp trở ngại do diện tích đất nhỏ lẻ, dưới hạn mức cho phép tách thửa, khiến quá trình thực hiện Dự án bị kéo dài. Đối với các trường hợp tách thửa từ việc nhận thừa kế, tặng cho đất, tỉnh Yên Bái gặp nhiều vướng mắc do diện tích đất quá nhỏ, không đủ điều kiện tách thửa theo quy định hiện hành. Ngoài ra, diện tích đất trả lại từ các nông, lâm trường quốc doanh cho địa phương quản lý chủ yếu có nguồn gốc từ đất rừng tự nhiên, diện tích nhỏ lẻ và không tập trung, gây khó khăn trong việc giao đất cho các hộ dân thiếu đất sản xuất.
Trước thực tế đó, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương quyền quyết định trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương, nhằm linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu thực tế và nâng cao hiệu quả giải ngân; Đề xuất bổ sung quy định về chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đất lúa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa.