Dân Việt

Bầu cử Mỹ 2024 có ý nghĩa gì với Nga? ông Putin chờ đợi ông Trump hay bà Harris?

Quang Minh (theo AP, NW) 31/10/2024 11:01 GMT+7
Câu trả lời của Tổng thống Nga Putin cho một câu hỏi về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào hồi tháng 9 đã trở thành chủ đề suy đoán về việc ứng cử viên tổng thống Mỹ nào sẽ được tổng thống Nga thấy hấp dẫn nhất.
Bầu cử Mỹ 2024 có ý nghĩa gì với Nga? Putin chợ đợi ông Trump hay bà Harris?  - Ảnh 1.

Quan hệ Nga-Mỹ sẽ ra sao sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 này? Ảnh ET

Câu hỏi đưa ra cho ông Vladimir Putin hồi tháng 9 về cuộc bầu cử Mỹ đã khiến tổng thống Nga mỉm cười và nhướn mày. Khi được hỏi liệu ông thích ông Donald Trump hay bà Kamala Harris, ông Putin đã khiến người nghe phải bất ngờ với câu trả lời đùa cợt kèm theo một lời chế giễu nhẹ nhàng về Tổng thống Joe Biden.

"Sự lựa chọn 'yêu thích' của chúng tôi, nếu có thể nói như vậy, là tổng thống hiện tại, ông Biden", ông nói với khán giả tại một diễn đàn kinh tế ở cảng Vladivostok thuộc Viễn Đông.

"Nhưng ông ấy đã bị loại khỏi cuộc đua, và ông ấy khuyến nghị tất cả những người ủng hộ mình ủng hộ bà Harris. Vâng, chúng tôi sẽ làm như vậy — chúng tôi sẽ ủng hộ bà ấy", ông nói và cho rằng "giọng cười thả ga và dễ lây" của bà Harris cho thấy "bà đang ổn".

Các nhà phân tích cho rằng hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay không bên nào hứa hẹn nhiều về việc cải thiện mối quan hệ đã chạm mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh với Nga.

Bà Harris, phó tổng thống hiện tại, đã có lập trường cứng rắn với Nga, trong khi ông Trump, cựu tổng thống, được biết đến với sự ngưỡng mộ dành cho ông Putin. Tuy nhiên, tại cuộc họp vào tháng 9, ông Putin đã phàn nàn rằng khi ông Trump còn tại nhiệm, đã có "quá nhiều hạn chế và chế tài đối với Nga mà không có tổng thống nào từng đưa ra trước ông ấy".

Ông Timothy Colton thuộc Học viện Harvard về Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực cho biết ban lãnh đạo Điện Kremlin "nói chung tin rằng sẽ không có điều gì tốt đẹp xảy ra trong cuộc bầu cử, theo quan điểm của Nga".

Nhưng ông nói thêm rằng nhìn chung, ông Trump "có lẽ là lựa chọn của họ; ông ấy được biết đến nhiều hơn".

 Viện trợ Ukraine và quan hệ Nga

Kết quả bầu cử Mỹ  thể ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của Mỹ  đối với Ukraine. Bà Harris được cho là có khả năng tiếp tục sự hỗ trợ quân sự và tài chính sâu rộng của ông Biden cho Ukraine, trong khi công khai ủng hộ Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ngược lại, ông Trump lại ca ngợi mối quan hệ cá nhân của mình với ông Putin, tuyên bố ông có thể đảm bảo lệnh ngừng bắn "trong vòng 24 giờ". Việc ông Trump miễn cưỡng nêu chi tiết kế hoạch đã làm dấy lên suy đoán rằng ông có thể nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga như một phần của chiến lược đàm phán tiềm năng.

Trong cuộc tranh luận gần đây, ông Trump đã tránh nêu trực tiếp lập trường của mình về chiến thắng của Ukraine, trong khi bà Harris bảo vệ những nỗ lực được phương Tây hậu thuẫn nhằm bảo vệ Kiev. 

Trong cuộc tranh luận với bà Harris, ông Trump đã hai lần từ chối trả lời trực tiếp liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến hay không, trong khi bà Harris ca ngợi sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev và thúc giục điều này tiếp tục.

"Nếu không, ông Putin sẽ ngồi ở Kiev và để mắt đến phần còn lại của châu Âu. Bắt đầu từ Ba Lan", bà Harris nói.

Người đồng hành tranh cử của ông Trump là Thượng nghị sĩ JD Vance đã đề cập đến các đề nghị có thể gợi ý về suy nghĩ của Trump: để Ukraine phi quân sự hóa lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng và đồng ý trung lập vĩnh viễn. Những điều khoản đó sẽ là điều đáng nguyền rủa đối với Kyiv, nhưng ông Trump đã tỏ ra không mấy thông cảm với Ukraine, nói rằng ông Zelenskyy "không bao giờ nên để cuộc chiến đó bắt đầu".

Bà Harris chưa nêu rõ lập trường của bà sẽ khác với ông Biden như thế nào. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 59,5 tỷ đô la vũ khí và viện trợ kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2022. Trước đây, bà đã nói rằng sẽ là ngu ngốc nếu mạo hiểm với các liên minh toàn cầu mà Mỹ đã thiết lập.

Một chiến thắng của bà Harris "có khả năng hứa hẹn sự hỗ trợ liên tục của Mỹ miễn là chính quyền có thể duy trì được sự ủng hộ của quốc hội", Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết trong một bài bình luận, mặc dù họ nói bà có thể tìm cách chấm dứt cuộc chiến tích cực hơn ông Biden. Sự thù địch ngày càng tăng của quốc hội đối với các khoản viện trợ khổng lồ cho Ukraine có thể cản trở hoặc định hình lại chiến lược của bà.

Về NATO, ông Trump từ lâu đã gây sức ép buộc các đồng minh tăng chi tiêu quân sự, đặt câu hỏi về nghĩa vụ của Mỹ theo điều khoản phòng thủ chung của NATO. Tuy nhiên, bà Harris đã nhấn mạnh cam kết "sắt thép" đối với NATO, mặc dù lập trường của bà về tư cách thành viên tiềm năng của Ukraine vẫn chưa rõ ràng.

 Kiểm soát vũ khí bất ổn  

Ông Putin đã nhiều lần vung thanh kiếm hạt nhân khi ông tìm cách ngăn chặn phương Tây hỗ trợ Ukraine.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân còn lại cuối cùng giữa Moscow và Washington, New START, sẽ hết hạn vào năm 2026, một năm sau khi tân chính quyền ở Mỹ nhậm chức, và triển vọng của hiệp ước đang gặp khó khăn.

Ông Biden đã nhanh chóng gia hạn hiệp ước sau khi nhậm chức, và bà Harris có thể được kỳ vọng sẽ tiếp bước sự ủng hộ đó đối với hiệp ước hạn chế số lượng bệ phóng phi đạn hạt nhân xuyên lục địa.

Nga đã đình chỉ tham gia vào năm 2023 — mặc dù không rút lui — và Mỹ đã trả đũa bằng các biện pháp bao gồm dừng chia sẻ thông tin về vị trí và tình trạng của phi đạn.

Ông Trump, mặc dù đã cảnh báo về mối đe dọa của "việc hạt nhân tăng nhiệt", đã thực hiện các bước khi còn đương nhiệm để phá bỏ chế độ kiểm soát vũ khí, bao gồm cả việc rút khỏi Hiệp ước INF về vũ khí hạt nhân tầm trung — hiệp ước cấm các phi đạn hạt nhân và thông thường trên mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km. Khi còn đương nhiệm, ông Trump đã kêu gọi một hiệp ước hạt nhân mới bao gồm cả Nga và Trung Quốc.