Sáng 31/10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và triển khai các giải pháp quan trọng cho thời gian còn lại của năm 2024. Tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7-7,5%, với trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đây một trong những yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu này.
"Vấn đề giải ngân đầu tư công đã được bàn thảo rất nhiều. Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp xuống từng dự án và nghe khó khăn, vướng mắc của các đơn vị. Từng chủ đầu tư, quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đưa ra giải pháp cụ thể, có quyết tâm, có lộ trình nhưng tỷ lệ giải ngân chưa đạt như mong muốn", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Báo cáo tại buổi họp, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết TP.HCM hiện đã giải ngân hơn 17.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 21,8% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn mục tiêu 29% đề ra hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch hoặc gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Sở KH&ĐT lý giải, các thay đổi pháp lý, đặc biệt là Luật Đất đai và Luật Đấu thầu, khiến nhiều dự án phải điều chỉnh hồ sơ mời thầu và chi phí bồi thường. Các dự án trọng điểm như Rạch Xuyên Tâm, Bờ Bắc Kênh Đôi, với tổng vốn 32.000 tỷ đồng hiện gặp khó khăn trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho biết TP.HCM đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho 176 dự án trong năm 2024. Ông cũng thông tin, một số dự án phải tạm dừng để chờ Luật Đất đai mới có hiệu lực. Sau khi luật mới được áp dụng, các dự án này sẽ được tiếp tục triển khai với tổng vốn 32.000 tỷ đồng, dự kiến đạt tỷ lệ giải ngân 96% theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, nhiều dự án cần xin ý kiến từ các cơ quan Trung ương hoặc điều chỉnh quy hoạch như dự án chống ngập do triều cường và biến đổi khí hậu, tuyến metro số 1, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Tại buổi họp, Sở KH&ĐT đã đưa ra các giải pháp vận dụng quy định pháp luật để thực hiện song song nhiều thủ tục như điều chỉnh quy hoạch, cấp giấy phép môi trường và phê duyệt dự án. Để tránh tình trạng chậm trễ, các chủ đầu tư chậm giải ngân sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Đồng thời, Sở KH&ĐT đề xuất UBND TP.HCM tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ các dự án có vốn đầu tư lớn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân. "Các dự án khởi công mới cần bám sát tiến độ giải quyết thủ tục về môi trường, phê duyệt dự án, và đảm bảo cập nhật tiến độ hằng ngày", ông Phạm Trung Kiên nhấn mạnh.