LTS: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, khái niệm "tín dụng xanh" đang thu hút sự quan tâm chưa từng có. Khi tìm kiếm trên Google, số kết quả cho "tài chính xanh" và "tín dụng xanh" còn vượt xa cả những chủ đề nóng như "suy thoái kinh tế" hay "Ukraine".
Thực tế, phát triển kinh tế xanh đang trở thành xu thế chung trên toàn cầu, khi các quốc gia đều tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường – xã hội, hướng đến một nền kinh tế bền vững cho thế hệ mai sau. Trong bối cảnh này, ngành ngân hàng – được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế – giữ vai trò cốt lõi trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tín dụng xanh của ngân hàng tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án, chương trình và cơ sở hạ tầng nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần huy động thêm khoảng 144 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ thách thức, đòi hỏi sự góp sức của ngành ngân hàng trong việc tạo nguồn lực và khuyến khích dòng vốn tín dụng vào các hoạt động thân thiện với môi trường.
Với mong muốn giúp độc giả hiểu rõ hơn về vai trò của nguồn vốn xanh của ngân hàng trong công cuộc “xanh hóa” nền kinh tế, báo điện tử Dân Việt khởi đăng loạt bài: "Tín dụng xanh - động lực cho phát triển bền vững" nhằm cung cấp những góc nhìn chuyên sâu, những câu chuyện thực tiễn và đánh giá của chuyên gia về cách tín dụng xanh đang góp phần xây dựng một tương lai bền vững, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn cầu, khẳng định tầm quan trọng của từng bước đi xanh cho những thế hệ mai sau.
Tại vùng đất Sen hồng Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Artex khởi đầu với một tầm nhìn đầy tham vọng: Đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Với hơn 20 năm không ngừng nỗ lực, Artex Đồng Tháp đã gặt hái thành công đáng nể, đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ thủ công mỹ nghệ toàn cầu. Hiện tại, doanh thu xuất khẩu hàng năm của công ty đạt con số ấn tượng, khoảng 6 triệu USD, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng thành công mà doanh nghiệp này đã xây dựng.
Không chỉ hướng đến lợi nhuận, Artex Đồng Tháp còn tạo ra giá trị xã hội lớn khi biến cây lục bình – vốn bị coi là "vô giá trị" – thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp, góp phần bảo vệ môi trường và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Theo ông Vũ Thế Mạnh, Phó Tổng Giám đốc công ty, trước đây, cây lục bình mọc tràn lan, gây cản trở giao thông đường thủy. Với tầm nhìn sáng tạo, Artex Đồng Tháp đã biến những cọng lục bình mềm mại thành nguyên liệu quý giá để tạo ra giỏ, thảm, túi xách, và đồ nội thất. Những sản phẩm mang đậm nét văn hóa vùng sông nước này đã thành công chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Pháp.
Đằng sau mỗi thành công là một chuỗi thách thức lớn mà Artex Đồng Tháp phải vượt qua. Để đưa sản phẩm từ lục bình "xuất ngoại", công ty đã phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe từ đối tác nước ngoài.
"Chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng khi đầu tư vào nhà máy, đảm bảo rằng hệ thống sản xuất đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và đặc biệt là yêu cầu về môi trường, xã hội. Nhờ sự hỗ trợ từ vốn của ngân hàng, Artex Đồng Tháp đã đầu tư vào các công nghệ hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và giữ vững uy tín trên thị trường quốc tế", ông Mạnh chia sẻ.
Một minh chứng rõ ràng cho tác động tích cực của Artex Đồng Tháp là câu chuyện của chị Đặng Thị Lý, công nhân tại công ty. Trước đây, chị Lý phải chật vật với các công việc bấp bênh và thu nhập ít ỏi. Nhưng khi được đào tạo đan lục bình, cuộc sống của chị dần thay đổi. “Mỗi sản phẩm tôi làm ra không chỉ là một nguồn thu nhập mà còn là niềm tự hào, là nền tảng vững chắc giúp tôi lo cho con cái ăn học", chị Lý chia sẻ.
Đặc biệt, cơ hội hợp tác với IKEA - tập đoàn bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới, tạo ra dấu ấn lớn cho Artex Đồng Tháp, được coi như sự “thừa nhận” từ bạn hàng quốc tế về chất lượng và giá trị sản phẩm của công ty nói riêng và của Việt Nam nói chung.
“Trong hành trình đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị để hợp tác với các tập đoàn lớn như IKEA, ngân hàng Agribank không chỉ hỗ trợ vốn ưu đãi mà còn giúp công ty lên kế hoạch tài chính, triển khai chiến lược phát triển bền vững,” đại diện công ty cho biết.
Không chỉ riêng Artex Đồng Tháp, nguồn vốn tín dụng xanh còn mang đến những câu chuyện thành công đáng tự hào trong nông nghiệp. Điển hình như anh Nguyễn Xuân Ri, một nông dân từ Thừa Thiên Huế, có kế hoạch phát triển nông nghiệp xanh, sạch theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Sau khi thẩm định dự án với các tiêu chí phù hợp, ngân hàng đã quyết định "rót" vốn xanh cho gia đình anh Ri chuyển đổi từ trồng sầu riêng truyền thống sang giống sầu riêng Monthong Thái Lan, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, đồng thời đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước và các giải pháp sinh học thay thế hóa chất.
"Việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm và phân bón hữu cơ giúp cây phát triển mạnh, đồng thời bảo vệ đất đai và hệ sinh thái,” anh Ri tự hào chia sẻ. Sự chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn giúp trang trại được cấp mã vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho nông sản sạch Việt Nam.
Ghé thăm Tuyên Quang vào giữa thu, chúng tôi cảm nhận sức sống của nông sản nơi đây nhờ bàn tay chăm chỉ, ý chí quyết tâm của người nông dân và sự hỗ trợ từ vốn tín dụng của ngân hàng.
Nguyễn Việt Lâm - một chàng trai trẻ tại Tuyên Quang đã đầu tư vào mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Hệ thống nhà màng hiện đại cùng thiết bị tưới tiêu tự động đã giúp anh kiểm soát tốt lượng nước, tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu lãng phí, bảo vệ môi trường. Toàn bộ chế độ dinh dưỡng chăm sóc cho cây trồng được quản lý bằng hệ thống tự động hoàn toàn. Cây dưa lưới được trồng trên xơ dừa ứng dụng công nghệ thủy canh Isarel, được kiểm soát nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bằng hệ thống tự động. Nhờ đó, sản phẩm dưa lưới của anh luôn đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và được thị trường đánh giá cao, mang về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
"Nhờ vốn ngân hàng, tôi có điều kiện phát triển mô hình nông nghiệp bền vững, còn tạo môi trường sống xanh cho cộng đồng", anh Lâm chia sẻ. Anh cũng tích cực hỗ trợ bà con áp dụng kỹ thuật tiên tiến, cùng nhau phát triển sản xuất bền vững.
Ngành gỗ Việt Nam là một minh chứng sống động cho tầm quan trọng của dòng vốn xanh trong việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. FSC – tiêu chuẩn giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ. Đây cũng là thị trường có sản phẩm gỗ Việt chiếm tới gần 40% tổng giá trị nhập khẩu, tương đương khoảng 12 tỷ USD mỗi năm. Để theo đuổi FSC - "tấm vé thông hành" của đồ gỗ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp phải nhờ đến "bà đỡ" ngân hàng.
Tại Thanh Hóa, Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng đã đầu tư vào quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn FSC, từ khâu trồng rừng đến chế biến sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc công ty, chia sẻ: "Chứng chỉ FSC không chỉ giúp sản phẩm của chúng tôi có giá trị cao hơn mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là Nga và EU".
Để đạt tiêu chuẩn FSC cho hàng nghìn hecta rừng, doanh nghiệp phải đầu tư thêm từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi ha, một con số không nhỏ. Nhờ dòng vốn xanh từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp đã có thể mở rộng quy mô và đạt được chứng chỉ này. Ngân hàng không chỉ cung cấp vốn mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp trong lập kế hoạch tài chính, giúp sử dụng vốn hiệu quả.
Ông Thi Văn Tân, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank chi nhánh Nam Thanh Hóa cho biết, ngân hàng cho vay với lãi suất rất ưu đãi với dự án trung dài hạn, năm đầu chỉ 6%/năm. Đối với các doanh nghiệp liên quan đến tín dụng xanh, xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp ngân hàng đang cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất vay thông thường tới 2,4%/năm.
Bà Nguyễn Thị Thanh nay tự tin "khoe" với đối tác quốc tế về chứng chỉ FSC mà doanh nghiệp đã đạt được, mở ra cánh cửa xuất khẩu rộng lớn hơn. Bà cũng kỳ vọng rằng, thời gian tới xuất khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản sẽ có những bước bứt phá mới.
Qua những câu chuyện thành công của Artex Đồng Tháp, của anh Nguyễn Xuân Ri, của Công ty Lâm Thanh Hưng và hàng nghìn doanh nghiệp, nông dân khác, chúng ta có thể thấy rõ dòng vốn xanh từ các ngân hàng không chỉ là một công cụ tài chính mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Trong tương lai, với sự hỗ trợ của các chính sách, sự tham gia tích cực của các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp, tín dụng xanh sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Còn nữa...
Tín dụng xanh là các khoản cho vay hoặc tài trợ tài chính do ngân hàng và các tổ chức tín dụng cung cấp nhằm hỗ trợ các dự án hoặc hoạt động kinh doanh có lợi cho môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến khí hậu và góp phần vào phát triển bền vững. Đây là một công cụ tài chính được thiết kế để thúc đẩy các dự án xanh như năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, nông nghiệp bền vững, giảm phát thải carbon và tiết kiệm tài nguyên,...
Các dự án hoặc doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn tín dụng xanh thường nhận được những ưu đãi về lãi suất hoặc điều kiện vay từ ngân hàng, nhằm khuyến khích họ phát triển và áp dụng những giải pháp thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực về bảo vệ môi trường, tín dụng xanh đã trở thành xu hướng quan trọng, giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận vốn mà còn góp phần vào phát triển kinh tế bền vững hơn.