Dân Việt

Tổng cục Thi hành án dân sự lo ngại có chấp hành viên cố tình vi phạm như nhận tiền hối lộ

Bách Thuận 01/11/2024 09:05 GMT+7
Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) lo ngại việc chấp hành viên "bỏ qua", không tuân thủ quy trình, vi phạm pháp luật hoặc tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ, có trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí có trường hợp cố tình vi phạm.

Thông tin từ Tổng cục Thi hành án dân sự, trong thời gian qua, đơn vị này đã có nhiều biện pháp, giải pháp để chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm, lãng phí (tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm...) đã đạt được những kết quả quan trọng trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì tổ chức, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự tại một số địa phương còn hạn chế; tình hình kỷ cương kỷ luật đã được chấn chỉnh tăng cường nhưng vẫn còn một số chấp hành viên thực hiện chưa đúng, sai quy định của pháp luật.

"Đáng lo ngại nhất là việc "bỏ qua", không tuân thủ quy trình, vi phạm pháp luật hoặc tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ, có trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí có trường hợp cố tình vi phạm (nhận tiền hối lộ, sai phạm trong thẩm định giá, bán đấu giá...) bị xem xét trách nhiệm hình sự" – Tổng cục Thi hành án dân sự nêu.

Để tiếp tục chủ động phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động thi hành án dân sự, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có một số yêu cầu quan trọng với các đơn vị liên quan.

Tổng cục Thi hành án lo ngại có Chấp hành viên cố tình vi phạm như nhận tiền hối lộ - Ảnh 1.

Tổng cục Thi hành án dân sự lo ngại việc chấp hành viên cố tình vi phạm pháp luật như nhận hối lộ, sai phạm trong thẩm định giá, bán đấu giá. Trong ảnh là Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao  bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Bi - nguyên chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang về tội "Tham ô tài sản". Ảnh: BĐT Chính phủ

Theo đó, thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương (cục trưởng, chi cục trưởng) tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đây của Tổng cục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sai phạm. Kiểm soát chặt chẽ quy trình tổ chức thi hành án của chấp hành viên, nhất là ở khâu lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và thanh toán tiền thi hành án. Tuyệt đối không được lơ là, kiểm soát chặt, kiên quyết không để xảy ra sai phạm trong quá trình thẩm định, bán đấu giá tài sản thi hành án.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ đạo chấp hành viên phải giám sát chặt chẽ các vụ việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản do mình phụ trách. Phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá. Theo dõi, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lợi dụng việc bán đấu giá tài sản thi hành án để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc hành vi khác vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì tùy từng mức độ kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì kiên quyết chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định.

Lãnh đạo cục, chi cục thi hành án dân sự bao che hoặc buông lỏng quản lý thì Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Cùng với đó chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm soát chặt các khoản thu, chi thi hành án, tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng lơ là trong kiểm soát, khe hở trong quy định, quản lý để chấp hành viên thu, nộp không đúng, không đủ vào cơ quan, mà sử dụng vào mục đích riêng, trái quy định của pháp luật.

Tổng cục Thi hành án lo ngại có Chấp hành viên cố tình vi phạm như nhận tiền hối lộ - Ảnh 2.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái yêu cầu hạn chế tối đa việc giao cho chấp hành viên tự thu tiền trực tiếp từ đương sự. Ảnh: Bộ Tư pháp

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nghiêm cấm công chức, người lao động trong cơ quan thi hành án dân sự môi giới, tác động, cản trở hoặc có các hành vi khác trái pháp luật liên quan đến thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án hoặc gây khó khăn, cản trở việc thi hành án (tuyệt đối không được nhận bất cứ khoản tiền nào không có trong quy định quy trình thẩm định giá, bán đấu giá).

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành lập các đoàn kiểm tra công vụ, kiểm tra đột xuất và tăng cường chỉ đạo việc thực hiện đúng quy định đối với việc thực hiện việc thi hành án ở các chi cục, các phòng chuyên môn thuộc cục, nhất là ở khâu lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và thanh toán tiền thi hành án (kiểm tra tất cả các chấp hành viên của cục).

Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự tăng cường kiểm tra khâu lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản của chấp hành viên (kiểm tra tất cả các chấp hành viên của chi cục).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu các nội dung trên cần thực hiện thường xuyên.

Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cần chỉ đạo chấp hành viên, các bộ phận chức năng dành thời gian hợp lý để từ nay đến hết năm 2024 tổ chức tự kiểm tra toàn bộ các hồ sơ thi hành án đã thi hành xong, bảo đảm các hồ sơ đưa vào lưu trữ phải chặt chẽ, đúng quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh việc tự kiểm tra, có biện pháp chỉ đạo phù hợp đối với các vụ việc thi hành án có điều kiện thi hành (nhất là các vụ việc có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong). Trường hợp cố tình để vụ việc thi hành án bị chậm chễ, kéo dài thì xử lý nghiêm.

"Thủ trưởng, kế toán cơ quan thi hành án dân sự quản lý chặt chẽ việc sử dụng, quyết toán biên lai giấy (nhất là tờ biên lai chấp hành viên giao cho người nộp tiền thi hành án). Hạn chế tối đa việc giao cho chấp hành viên tự thu tiền trực tiếp từ đương sự. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải quản lý chặt nội dung này" – Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu.

Đối với các trường hợp vụ việc thi hành án có khiếu nại, tố cáo (nhất là liên quan đến thẩm định giá, bán đấu giá, thanh toán tiền), phải tập chỉ đạo kiểm tra, giải quyết triệt để tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Trường hợp phát hiện tiêu cực, tham nhũng, sai phạm thì phải có biện pháp để xử lý nghiêm.

Với thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự (Vụ Nghiêp vụ 1, Vụ Nghiệp vụ 2, Vụ Nghiệp vụ 3, Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và các đơn vị khác), Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu chủ động nắm bắt địa bàn, kịp thời tham mưu lãnh đạo Tổng cục hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra đối với các địa phương có dấu hiệu bất thường về kết quả công tác, nhất là các chỉ tiêu về việc và tiền để kịp thời tham mưu lãnh đạo Tổng cục xử lý nghiêm theo quy định.

Mặt khác, nắm bắt kịp thời các địa bàn lớn, nhiều vụ việc trọng điểm, phức tạp, các vụ việc phải cưỡng chế dễ phát sinh điểm nóng cần tham mưu kịp thời cho đồng chí lãnh đạo Tổng cục phụ trách địa bàn, lĩnh vực có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hoặc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự để lãnh đạo, chỉ đạo.

Vừa qua Tổng cục Thi hành án dân sự nhận được Kiến nghị số 66/VKSTC-C1(P8) của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao về việc khắc phục và phòng ngừa vi phạm, tội phạm xảy ra trong công tác thi hành án dân sự.

Theo đó, kiến nghị đã chỉ ra những vi phạm của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình bán đấu giá tài sản, thuê bảo quản tài sản và đã bị cơ quan điều tra khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và phòng ngừa vi phạm, tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm một số nội dung.

Thứ nhất, quán triệt, chỉ đạo chấp hành viên, phòng chuyên môn và chi cục thi hành án dân sự trực thuộc thực hiện nghiêm Luật Thi hành án dân sự, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án trong quá trình bán đấu giá tài sản, nhất là đối với tài sản có tính chất đặc thù như: Tàu bay, tàu biển…

Thực hiện nghiêm các văn bản chấn chỉnh công tác đấu giá tài sản của Tổng cục Thi hành án dân sự; thực hiện đầy đủ việc thông báo, chấm điểm, lựa chọn, ký hợp đồng dịch vụ và giám sát tổ chức đấu giá tài sản trong quá trình bán đấu giá. Đồng thời, thường xuyên rà soát, thông báo danh sách các công ty, đơn vị đấu giá (bao gồm việc thay đổi tên công ty, người đại diện theo pháp luật) có hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá trên Cổng thông tin điện tử để các cơ quan thi hành án dân sự có cơ sở lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, khi thuê, giao bảo quản tài sản thi hành án, chấp hành viên phải lựa chọn cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện bảo quản tài sản, đồng thời khảo sát trên thực tế tại địa bàn để thống nhất mức thù lao và chi phí cho phù hợp.

Thứ hai, tích cực, thường xuyên thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong thi hành án dân sự, nhất là trong việc bán đấu giá tài sản để thi hành án.

Thứ ba, rà soát, tổng hợp và báo cáo về thực trạng áp dụng, những khó khăn, vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật về thi hành án dân sự, về đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản để thi hành án.