Vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào khẩu phần thức ăn của lợn tinh bột từ lá chè xanh. Việc ứng dụng này đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt trên nhiều đàn lợn.
Theo nhiều nghiên cứu đã được công bố, chè xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm: Polyphenol, polysacarit, saponin, các vitamin và khoáng chất. Tác dụng của chè xanh đối với chăn nuôi lợn thịt ở các tỷ lệ khác nhau sẽ có những tác động khác nhau đến khả năng sinh trưởng, chất lượng thịt.
Đặc biệt là Polyphenol trong chè xanh có thể làm giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể xuống (mỡ bụng, mỡ lưng, mỡ phủ tạng) và làm giảm độ dày trung bình của mỡ lưng.
Polyphenol có thể làm giảm sự tích lũy cholesterol trong cơ thể, vì cholesterol gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và của người tiêu dùng. Ngoài ra, bột lá chè xanh có thể cải thiện màu sắc của thịt lợn, một trong những chỉ tiêu đánh giá phẩm chất thịt lợn.
Việc bổ sung bột lá chè xanh vào khẩu phần ăn của lợn thịt có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ axit amin thiết yếu trong cơ của lợn, cơ có chất lượng tốt tỷ lệ này có thể đạt đến 40%.
Đề tài nghiên cứu "Nuôi lợn lấy thịt bằng thức ăn tự nhiên có bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên" là đề tài nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên được triển khai thực hiện từ tháng 12/2023 tại một số địa phương trong tỉnh.
Để thực hiện đề tài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã triển khai mô hình thí nghiệm trên lợn đen bản địa tại hộ chăn nuôi của gia đình ông Dương Văn Hải và lợn ngoại thương phẩm tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Liễu (xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức, TP.Thái Nguyên) với tổng số 72 con lợn.
Sau 9 tháng triển khai, qua đánh giá kết quả bước đầu cho thấy đàn lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh giúp tăng khả năng miễn dịch, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa, tăng chất lượng thịt lợn.
Từ những kết quả đó, mới đây, UBND huyện Đại Từ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thử nghiệm mô hình nuôi lợn lấy thịt bằng thức ăn tự nhiên có bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên tại 2 gia đình thuộc xã Tân Linh. Đó là các hộ gia đình ông Trần Đức Minh (xóm 4, xã Tân Linh, huyện Đại Từ); ông Hứa Văn Mạnh (xóm 6, xã Tân Linh, huyện Đại Từ). Mỗi hộ sẽ nuôi thử nghiệm 50 con lợn thịt trong thời gian 6 tháng.
Các gia đình tham gia thử nghiệm mô hình đã được hướng dẫn kỹ thuật, cách phối, trộn thức tự nhiên, trong đó, bột lá chè xanh Thái Nguyên chiếm tỷ lệ 3%, còn lại là cám gạo, cám ngô, đậu tương, khoáng chất, vitamin tổng hợp, các thành phần dinh dưỡng khác được ủ men vi sinh… Bột chè xanh được sản xuất từ lá chè sấy khô, rồi nghiền nhỏ, sau đó được bổ sung vào nguyên liệu ủ thức ăn tự nhiên chăn nuôi lợn.
Gia đình ông Đặng Văn Ngữ - Giám đốc HTX Chăn nuôi xanh (Tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn TP.Sông Công chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng, không sử dụng thuốc kháng sinh, vậy nên ông đã có ý tưởng phải làm cách nào đó để giảm hàm lượng kháng sinh trong thực phẩm khi đưa ra thị trường.
Chính vì lý do đó, ông Ngữ đã đưa ra một quyết định táo bạo đó là sẽ không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để tăng sức đề kháng cho lợn. Sau 4 năm đến nay ông Ngữ đã thành công với cách làm sáng tạo này.
Cùng với đó, mới đây Phòng Kinh tế thành phố Sông Công đã phối hợp cùng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức triển khai mô hình điểm nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên tại trang trại chăn nuôi của gia đình ông Ngữ. Mô hình thí nghiệm được thực hiện trên đàn lợn 29 con. Trong đó, thức ăn cho lợn đều là thực phẩm tự nhiên gồm: cám gạo, cám ngô, đậu tương, vitamin tổng hợp… ủ men vi sinh kết hợp với bột chè xanh (tỷ lệ 3%).
Theo ông Ngữ, khi thành phố triển khai mô hình này gia đình ông rất đồng tình ủng hộ. Mặc dù mới đưa vào thử nghiệm được gần một tháng nhưng ông cũng nhận thấy một số hiệu quả mang lại, trong đó lợn khoẻ mạnh, hệ thống đường tiêu hoá tốt hơn.
Không những vậy, việc sử dụng bột trà xanh bổ sung vào nguồn thức ăn của lợn còn giúp tiêu thụ chè cho bà con địa phương, vì Sông Công là nơi sẵn có vùng nguyên liệu chè xanh này.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Quảng Bá – Trưởng phòng Kinh tế TP.Sông Công cho biết: Khi được tiếp cận đề án chăn nuôi lợn bằng bột trà xanh của Sở Khoa học và Công nghệ kết hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, qua quá trình gia đình được tập huấn và đi tham quan mô hình trực tiếp, phòng Kinh tế đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, phường thống kê những hộ gia đình có đủ điều kiện tham gia chương trình này.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Sông Công có 12 hộ đăng ký tham gia mô hình. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế thì chỉ có một hộ gia đình đủ điều kiện tham gia mô hình này là gia đình ông Ngữ.
"Về nội dung này, chúng tôi đã mời Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cùng cán bộ chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ về tập huấn trực tiếp tại hộ gia đình, để hộ chăn nuôi nắm chắc quy trình phối trộn thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn mới thử nghiệm. Theo đánh giá bước đầu, gia đình chủ hộ và các phòng ban đã có sự phối hợp tích cực. Mặc dù vậy cũng cần phải có sự theo dõi trong một quá trình mới có thể đánh giá mức độ hiệu quả cụ thể, từ đó sẽ xác định việc nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố", ông Bá thông tin.
Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp TP.Sông Công, mô hình này được nhân rộng sẽ là một trong những tiền đề để nâng cao giá trị thịt lợn, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, đồng thời sẽ làm gia tăng giá trị cây chè, góp phần xây dựng thương hiệu thịt lợn trà xanh - một đặc sản mới ở Thái Nguyên.