Sáng 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).
Về phòng cháy, ông Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn. Nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải có yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy cao hơn so với nhà ở thông thường.
Tại báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, đã chỉ đạo tách 1 điều về phòng cháy với nhà ở thành 2 điều. Gồm 1 điều về phòng cháy với nhà ở và 1 điều về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Theo dự luật, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy của nhà ở riêng lẻ, còn phải bảo đảm các điều kiện như có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC, CNCH. Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.
Trường hợp nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thì không được bố trí phòng để ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh. Loại nhà này còn phải có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc; khu vực sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.
Với chung cư, nhà cao tầng, nhà cho thuê trọ, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là những đối tượng thuộc diện cơ sở quản lý về PCCC sẽ phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại dự thảo luật.
Thảo luận tại hội trường về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nhiều cơ sở không đáp ứng được được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động hoặc là chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm.
Do đó, đại biểu đề nghị cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra PCCC hằng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở; bổ sung các điều khoản là các cơ sở kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống PCCC.
Đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng, bởi đây là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Đáng chú ý, nhiều chung cư được xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng đã bị hư hỏng hoặc phải sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, CNCH không còn đảm bảo.
Với lý lẽ trên, đại biểu cho rằng cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe PCCC, CNCH chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
Từ thực tế thời gian qua xuất hiện khá nhiều vụ cháy xảy ra liên quan đến nhóm nguyên nhân chập điện và hàn xì, liên quan đến các quán karaoke và vũ trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, những nội dung liên quan đến các nhóm này cần được rà soát chặt chẽ để đảm bảo ngăn ngừa cháy nổ.
Đại biểu Thành cũng nhận thấy, các vụ cháy hiện thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, với trang thiết bị chữa cháy hiện nay thì rất khó tiếp cận để chữa cháy. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy.
"Bởi thực tế hiện nay, chúng ta đang chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy. Trong khi đó, chúng ta chưa tiếp cận được nguồn nước của các gia đình từ trên xuống để xử lý cho vấn đề chữa cháy để linh hoạt và kịp thời", đại biểu nêu quan điểm.
Liên quan đến phòng cháy đối với nhà ở, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, các nhà ở chung cư hiện nay nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Đồng thời, cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý cho kịp thời.