Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Nêu ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, cử tri bày tỏ bức xúc khi chất lượng khám BHYT không được đảm bảo, đôi khi thiếu thuốc cấp phát cho người bệnh khám Bảo hiểm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, có quá nhiều bất cập và phức tạp khi đi khám, chữa bệnh BHYT như phải chờ đợi, quá tải bệnh viện, chất lượng thuốc... khiến người bệnh BHYT rất mệt mỏi.
Qua quá trình tìm hiểu, đại biểu thấy rằng, trong hoạt động của BHYT có quy trình thẩm định, phân định mức phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khám chữa bệnh BHYT "nhiêu khê, khó khăn khiến cử tri bức xúc".
"Người dân đã bỏ tiền tham gia BHYT nhưng chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu", ông Hạ thẳng thắn nhận xét.
Đại biểu Hạ mong muốn, khi sửa đổi luật này, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cụ thể, các cơ quan liên quan phải làm rõ tổng thu BHYT/năm là bao nhiêu tiền, phân định mức thế nào, số dư hàng năm bao nhiêu.
Ông cũng đề nghị, Chính phủ tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều thành phần y tế khác tiếp tục được tham gia vào thị trường BHYT để tạo sự cạnh tranh, người dân có cơ hội lựa chọn.
Ông Hạ dẫn ví dụ, học sinh đi học buộc phải mua thẻ BHYT, trong khi người cha, mẹ làm cho công ty nước ngoài đã được mua bảo hiểm riêng. Tuy nhiên, theo quy định, trẻ vẫn phải mua song song 2 loại bảo hiểm, đây là bất cập. Đại biểu đề nghị có khâu đột phá để nâng cao chất lượng BHYT.
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho rằng dự luật có bổ sung quy định thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có.
Theo ông Cường, trước khi trình dự thảo luật, ngày 18/10, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư 22 về thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Tuy nhiên qua nghiên cứu, ông Cường nhận định thông tư 22 không giải quyết được vướng mắc về thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế khi bệnh nhân phải mua ở ngoài.
Đại biểu đoàn Đà Nẵng phân tích thông tư quy định thuốc được thanh toán phải thuộc danh mục ban hành theo Thông tư 26 năm 2019 của Bộ Y tế.
Theo danh mục này, có 443 lượt hoạt chất, trong khi số lượt hoạt chất được quỹ BHYT thanh toán hiện hơn 1.000 lượt, chưa tính có hơn 500 loại dược liệu, thuốc cổ truyền được thanh toán.
"Nhu cầu sử dụng thuốc hiếm rất thấp so với các loại thuốc thông thường, nên quy định như Thông tư 22 sẽ không giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc hay đảm bảo quyền lợi tối đa của người tham gia BHYT", ông Cường phân tích.
Cũng theo đại biểu Đà Nẵng, trong Thông tư 22 còn quy định thiết bị y tế được thanh toán là thiết bị y tế loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân, thiết bị y tế thuộc danh mục thiết bị y tế do bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được mua, bán như các hàng hóa thông thường.
Quy định như vậy sẽ chỉ giải quyết thanh toán cho bệnh nhân bệnh nặng đặc thù như đặt stent, phẫu thuật, bắt vít... Trong khi thực tế có những thiết bị y tế loại A, B thường xuyên được sử dụng cần thiết như găng tay, dây chuyền dịch... lại không được thanh toán.
"Bên cạnh đó về điều kiện, thủ tục hồ sơ thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực hiện. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định trong dự luật theo hướng phải thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài do cơ sở khám chữa bệnh không có để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm", ông Cường kiến nghị.
Phát biểu tranh luận về giám định BHYT, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, đề xuất có hội đồng giám định chuyên môn là ý tưởng hay nhưng hiện nay không thể thực hiện được. Theo đại biểu, khối lượng công việc liên quan tới giám định rất lớn nên không đủ bác sĩ chuyên môn tham gia hội đồng.
Đại biểu cũng cho rằng phải nhìn thẳng vào nguyên nhân tại sao có nhiều bất cập, vướng mắc tranh cãi trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đó là chưa có văn bản quy phạm pháp luật để quy định khoản 6 Điều 2 về giám định BHYT.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định Bộ Y tế ban hành quy định tiêu chí, nội dung đánh giá sự hợp lý của dịch vụ y tế cung cấp cho người tham gia BHYT để làm cơ sở giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.