Dân Việt

Cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và câu chuyện quan chức phải “cậy nhờ” doanh nghiệp xin vốn

Gia Bình 02/11/2024 09:46 GMT+7
Từng là quan chức đứng đầu một tỉnh, cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và cấp dưới không thể tìm nguồn kinh phí mua sắm thiết bị cho 6 bệnh viện vừa xây nên đã “nhờ” doanh nghiệp tư nhân xin vốn để mua sắm và đổi lại, phải cho họ trúng thầu.

Tại phiên tòa vụ cựu Bí thư Bắc Ninh và các bị cáo, có lời trình bày rất đáng chú ý của ông Nguyễn Nhân Chiến: "Công ty AIC rất mạnh, có công với tỉnh nên khó từ chối". Đó là lý giải vì sao lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng thầu cung cấp thiết bị bệnh viện tuyến huyện.

Vụ án liên quan đến ông Nguyễn Nhân Chiến bắt đầu năm 2013, khi 6 bệnh viện tuyến huyện xây xong nhưng không còn tiền mua sắm trang bị nên chưa thể hoạt động. Ông Lã Tiên Phong, Chủ tịch Công ty Sông Hồng (đã qua đời), liền tới gặp những người phụ trách, nói có thể xin vốn từ Trung ương cho Bắc Ninh nhưng đổi lại, phải để họ trúng thầu cung cấp thiết bị cho cả 6 bệnh viện.

Cựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến và câu chuyện quan chức phải “cậy nhờ” doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cựu Bí thư Bắc Ninh cho rằng AIC rất mạnh nên khó từ chối đề nghị của Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Ông Nguyễn Nhân Chiến khai khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh và không quen biết người từ Công ty Sông Hồng. Khi cấp dưới là Nguyễn Hạnh Chung, Giám đốc Sở Y tế và Trần Văn Tuynh, Giám đốc Ban quản lý xây dựng công trình y tế, đưa người của Sông Hồng lên gặp, đề cập vấn đề, ông đồng ý.

Sau đó, Công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng liên hệ lãnh đạo Bắc Ninh, trùng nội dung sẽ giúp tỉnh xin vốn Trung ương cho 6 bệnh viện huyện nhưng đổi lại, AIC phải được trúng thầu. Cựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến "cơ bản đồng ý về chủ trương" với đề nghị của bà Nhàn.

Ông Chiến - người nhiều năm là lãnh đạo một tỉnh công nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhận xét rằng rất khó từ chối bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vì: "Công ty AIC rất mạnh về quyền lực và ảnh hưởng chính trị, cũng có công lao với không chỉ Bắc Ninh mà còn nhiều địa phương khác".

Thực tế, AIC và Sông Hồng sau đó mỗi bên trúng 3 gói thầu tại 3 bệnh viện tại Bắc Ninh nhưng cơ quan tố tụng không làm rõ việc 2 doanh nghiệp này có thực sự "xin vốn Trung ương" cho tỉnh hay không.

Giải thích việc chia mỗi bên trúng 3 gói thầu, cựu Bí thư Bắc Ninh khai: "Có thể do anh Tuynh (bị cáo Trần Văn Tuynh) ngại va chạm vì chị Nhàn có nhiều đóng góp với tỉnh nên anh ấy chia đôi, mỗi công ty một nửa các gói thầu".

Cựu Bí thư Nguyễn Nhân Chiến và câu chuyện quan chức phải “cậy nhờ” doanh nghiệp - Ảnh 2.

Có lời khai thể hiện bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giúp "xin vốn Trung ương" cho các dự án tại Bắc Ninh, Đồng Nai.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, khai giúp các công ty AIC và Sông Hồng trúng thầu vì họ đều giúp xin vốn Trung ương cho các dự án của tỉnh. Việc giúp đỡ nhau như vậy là "thông lệ ở tỉnh từ năm 2006".

Chủ tọa hỏi, thông lệ này có văn bản nào không? Ông Quỳnh đáp không có văn bản nhưng bản thân ông biết từ trước khi lên lãnh đạo và tuân thủ theo. Thời điểm năm 2013, ông Quỳnh đang là Phó chủ tịch UBND, phụ trách lĩnh vực y tế nhưng không tìm được nguồn tiền mua sắm thiết bị khám chữa bệnh nên đồng ý lập tức khi có doanh nghiệp đề cập giúp "xin vốn Trung ương".

Cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, bị cáo Nguyễn Hạnh Chung cũng khai, tạo điều kiện cho Công ty Sông Hồng và AIC trúng thầu vì 2 doanh nghiệp này giúp xin vốn Trung ương cho 6 dự án mua sắm thiết bị tại 6 bệnh viện huyện của Bắc Ninh.

Trước đó, sau khi xây dựng cơ bản xong, Bắc Ninh "rất thiếu vốn" nên cả 6 bệnh viện chưa có thiết bị, chưa thể hoạt động. Ông Chung thừa nhận có sai phạm nhưng do muốn hoàn thành, đưa bệnh viện vào hoạt động chứ không như các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 hiện nay, xây xong "chỉ có cái vỏ".

Trong phần tuyên án chiều 1/11, TAND tỉnh Bắc Ninh xác định các cựu lãnh đạo, cán bộ trong tỉnh đã câu kết, tạo điều kiện cho Công ty AIC và Công ty Sông Hồng trúng thầu sai quy định tại 6 bệnh viện, gây thiệt hại hơn 48 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp này sau đó chi tiền hối lộ, gồm bị cáo Chiến nhận 4 tỷ đồng, Nguyễn Tử Quỳnh nhận 2 tỷ đồng; Trần Văn Tuynh giữ 3,2 tỷ đồng và Nguyễn Hạnh Chung nhận 600 triệu đồng. Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn nhiều lần tặng quà cho Nguyễn Nhân Chiến, tổng số 10 tỷ đồng; cho Nguyễn Tử Quỳnh tổng số 8,1 tỷ đồng trong giai đoạn trước năm 2020.

Ngoài yếu tố vụ lợi, Hội đồng xét xử cho rằng nhóm lãnh đạo Bắc Ninh phạm tội cũng một phần vì nóng vội, muốn 6 bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh sớm có trang thiết bị, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Đây được xem là một tình tiết giảm nhẹ.

Mức án sơ thẩm của các bị cáo:

Nhóm 4 người bị truy tố về tội "Nhận hối lộ":

Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, 54 tháng tù;

Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, 36 tháng tù;

Nguyễn Hạnh Chung, cựu Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, 24 tháng tù;

Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh, 42 tháng tù;

Bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ":

Bị cáo Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, 26 tháng tù;

Bị truy tố tội "Đưa hối lộ":

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (đang bỏ trốn), 13 năm tù; tổng hợp 3 bản khác bằng 30 năm tù.

Nhóm 7 người bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng":

Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty AIC (đang bỏ trốn), 10 năm, tổng hợp bản án trước bằng 17 năm tù;

Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng, 24 tháng tù;

Nguyễn Đằng An, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý, 30 tháng tù, tổng hợp bản án lừa đảo trong vụ khác bằng 22 năm 6 tháng tù;

Nguyễn Kim Huân, cựu Phó phòng Kế hoạch Ban Quản lý, 18 tháng tù;

Nguyễn Viết Toản, nhân viên Công ty AIC, 24 tháng tù;

Nguyễn Đăng Linh, cựu nhân viên Công ty AIC, 18 tháng tù;

Đặng Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTC VALUE, 24 tháng tù, tổng hợp án trong vụ khác bằng 7 năm 6 tháng tù.