Phát tán hàng trăm ngàn tin nhắn lừa đảo, đối tượng dùng trạm BTS giả bị khởi tố

PV Thứ sáu, ngày 01/11/2024 21:48 PM (GMT+7)
Trần Văn Út được trả mức lương 50 triệu đồng/tháng để sử dụng thiết bị chèn sóng của nhà mạng, phát tin nhắn quảng cáo SMS đến nhiều số điện thoại mà không mất phí nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng.
Bình luận 0

Ngày 1/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông, Hà Nội, cung cấp thông tin ban đầu về vụ án Xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.

Theo nhà chức trách, khoảng 22h ngày 30/10, Công an quận Hà Đông nhận tin báo từ tổ công tác liên ngành thuộc Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, và Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) về việc phát hiện một ô tô Toyota Innova màu bạc, BKS 30A-607.48, tại khu vực ngã tư Văn Phú, quận Hà Đông, nghi sử dụng thiết bị trạm BTS giả để phát sóng, gửi tin nhắn đến các thiết bị di động của người dân.

Phát tán hàng trăm ngàn tin nhắn lừa đảo, đối tượng dùng trạm BTS giả bị khởi tố- Ảnh 1.

Đối tượng Trần Văn Út. Ảnh: CACC.

Qua kiểm tra, cảnh sát xác định đối tượng liên quan là Trần Văn Út (SN 1990, trú tại xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Cảnh sát xác định, năm 2022, Trần Văn Út từng sang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, làm công nhân gia công đồ điện tử. Tại đây, anh ta quen một phụ nữ Việt Nam (chưa xác định danh tính) có chồng là người địa phương. Sau khoảng hai tháng làm việc, Út trở về nước.

Phát tán hàng trăm ngàn tin nhắn lừa đảo, đối tượng dùng trạm BTS giả bị khởi tố- Ảnh 2.

Tang vật bị cảnh sát thu giữ. Ảnh: CACC.

Giữa tháng 10/2024, Út nhận được tin nhắn qua Telegram từ một người tự xưng là người Trung Quốc, đề nghị thuê Út với mức lương 50 triệu đồng/tháng. Công việc là sử dụng thiết bị chèn sóng của nhà mạng để phát tin nhắn quảng cáo SMS đến nhiều số điện thoại mà không mất phí và Út đồng ý.

Ngày 20/10, Út gặp người này tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông và nhận thiết bị gồm một bộ phát sóng màu đen, máy tính xách tay, nguồn điện, hộp ăng-ten và 30 triệu đồng.

Sau đó, Út thuê xe Toyota Innova làm phương tiện di chuyển và thực hiện hành vi vi phạm. Người đàn ông Trung Quốc đã cùng Út lắp đặt thiết bị vào xe và hướng dẫn vận hành để phát tán tin nhắn. Nội dung tin nhắn giả danh hệ thống cảnh báo khóa tài khoản, yêu cầu người nhận đăng nhập theo đường link không xác thực, mang tên "Telegram".

Phát tán hàng trăm ngàn tin nhắn lừa đảo, đối tượng dùng trạm BTS giả bị khởi tố- Ảnh 3.

Tin nhắn lừa đảo nếu người dân nhận được tin nhắn này mà truy cập vào trang web, lập tức bị thu thập, đánh cắp dữ liệu cá nhân. Ảnh: CACC.

Sau khi quen với thao tác, Út tự lái xe chở thiết bị đi khắp nội thành Hà Nội để phát tán tin nhắn. Đến 22h ngày 30/10, khi Út thực hiện hành vi tại khu vực ngã tư Văn Phú - Hà Đông, lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra và bắt giữ.

Theo điều tra, từ ngày 20/10 đến khi bị bắt, Trần Văn Út đã xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông của Mobifone và Viettel, phát tán tin nhắn đến 389.494 thiết bị nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.

Ngày 31/10, Cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông đã tạm giữ hình sự Trần Văn Út để điều tra hành vi "Xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông" theo Điều 289 Bộ luật Hình sự

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem