Chính quyền thành phố Seoul cùng nhiều địa phương khác tại Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và sinh con bằng các chương trình mai mối, nhưng kết quả vẫn chưa khả quan. Ngày 23/11, chính quyền thành phố Seoul sẽ tổ chức một sự kiện hẹn hò với sự tham gia của 100 nam nữ độc thân tại đảo nổi Sebitseom trên sông Hàn. Chương trình bao gồm chuyến tham quan sông Hàn bằng du thuyền, các trò chơi giải trí và workshop về tâm lý hẹn hò cùng các buổi trò chuyện 1-1. Những cặp đôi ghép thành công tại sự kiện sẽ được tặng vé hẹn hò trị giá lên đến 10 triệu won.
Theo nghị sĩ Lee Yeon-hee của đảng Dân chủ Hàn Quốc, ít nhất 30 chính quyền địa phương đã tổ chức tổng cộng 34 sự kiện mai mối trong năm nay, với mục tiêu giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp. Tuy nhiên, các sáng kiến này thường kéo dài 1-2 ngày với hình thức gặp gỡ nhóm, bao gồm tham quan địa điểm du lịch, dự tiệc rượu và tham gia lớp học nấu ăn. Dù có những trường hợp cặp đôi kết hôn sau các sự kiện, nhưng số liệu cho thấy tính hiệu quả rất thấp: trong ba năm qua, 4.060 người đã tham gia nhưng chỉ có 24 người kết hôn. Điều này khiến bà Lee kêu gọi chính quyền cần chấm dứt những biện pháp thiếu hiệu quả này.
Một số địa phương đã tạm dừng các dự án mai mối do gặp khó khăn trong việc thu hút phụ nữ tham gia. Các khu vực như huyện Jincheon, thành phố Seogwipo, huyện Haman, huyện Gapyeong và thành phố Tongyeong đều báo cáo tình trạng mất cân bằng giới tính và số lượng ứng viên nữ thấp. Để khắc phục, một số thành phố đã yêu cầu công chức nữ tham gia sự kiện. Tại một sự kiện năm 2022 ở Haenam, chỉ có 1 trong số 15 phụ nữ là người tự nguyện tham gia, số còn lại là nhân viên y tế công cộng.
Dữ liệu cho thấy, nhiều phụ nữ trẻ đã rời bỏ các vùng nông thôn để tìm kiếm cơ hội việc làm và cuộc sống tốt hơn tại các khu đô thị. Từ năm 2015 đến 2020, số lượng phụ nữ từ 20 đến 34 tuổi di cư từ khu vực đông nam đến vùng đô thị Seoul đã tăng từ 4.819 lên 12.816. Tỷ lệ nam giới trên một phụ nữ ở độ tuổi 20 tại các tỉnh như Bắc Gyeongsang và Ulsan đều trên mức 1,3, cho thấy sự mất cân bằng nghiêm trọng. Kết quả khảo sát nhận thức về hôn nhân năm 2023 do Korea Research thực hiện cũng chỉ ra rằng chỉ 18% phụ nữ từ 18 đến 29 tuổi thấy việc mai mối là cần thiết, so với 51% nam giới.
Những thách thức trên cho thấy, việc tổ chức các chương trình mai mối không thể là giải pháp duy nhất để nâng cao tỷ lệ sinh và kết hôn. Chính quyền cần tìm cách cải thiện cơ hội sống và làm việc cho phụ nữ tại các vùng nông thôn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển bền vững trong xã hội.