LỜI TÒA SOẠN
Ngày 29/7/2014, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định tiến hành điều tra ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương, nguyên Bộ trưởng Công an, với tội danh "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Theo các nguồn tin, đây là một quyết định hết sức khó khăn và có những ảnh hưởng to lớn về sau này đối với chính trường Trung Quốc. Chu Vĩnh Khang đã trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên bị "ngã ngựa" ở nước này kể từ năm 1989, phá vỡ thông lệ bất thành văn là "pháp luật chừa Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị", và điều này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vụ án Chu Vĩnh Khang thực sự là một cơn chấn động lớn hơn nhiều so với sự kiện cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Bạc Hi Lai "ngã ngựa" trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18). Ông này sau đó bị tuyên án tù chung thân vì tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về vụ án này, từ số báo này, Báo Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc một phần nội dung được lược trích từ nhiều nguồn tài liệu, trong đó có cuốn "Vụ án Chu Vĩnh Khang".
Xin trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi.
Bài 1: Con đường quan lộ của Chu Vĩnh Khang
Cũng giống như xuất thân gia đình, thời kỳ thanh thiếu niên của Chu Vĩnh Khang cũng khá bí ẩn, ít được giới thiệu rộng rãi bằng tư liệu chính thức.
Từ cựu sinh viên Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh...
Theo một số tài liệu, Chu Vĩnh Khang sinh tháng 11/1942. Lý lịch đăng tải trên truyền thông chính thức của Trung Quốc cho hay cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bí thư Chính pháp Trung ương này là người Vô Tích, Giang Tô, vào đảng tháng 11/1964, tham gia công tác từ tháng 9/1966, tốt nghiệp chuyên ngành thăm dò vật lý địa cầu, Khoa Thăm dò, Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, xuất thân gia đình của Chu Vĩnh Khang luôn là một bí ẩn. Trong dân gian tồn tại một số phiên bản tin đồn về xuất thân gia đình của Chu Vĩnh Khang, gồm cả tin đồn rằng bố của Chu Vĩnh Khang là nguyên Phó Chính ủy Ủy ban Khoa học Kĩ thuật Quốc phòng. Tin đồn này lan truyền rất rộng, nhưng cuối cùng vẫn không có tài liệu chính thức để chứng thực. Còn theo Caixin, trong ấn tượng của bà con láng giềng, bố mẹ của Chu, ông Chu Nghĩa Sinh và bà Chu Tú Kim, đều là người tốt. Bà Chu Tú Kim còn từng làm chủ nhiệm đội sản xuất nữ của thôn.
Tháng 11/2007, "Nhật báo Tinh Đảo" của Hong Kong đã phát bài giới thiệu giới thiệu về nhân vật này, cho biết: Chu Vĩnh Khang là người thôn Đãng Khẩu, thị trấn Nga Hồ, thành phố Vô Tích, là học sinh khóa 1958 của trường trung học Đãng Khẩu.
Nhưng cũng giống như xuất thân gia đình, thời kỳ thanh thiếu niên của Chu Vĩnh Khang cũng rất bí ẩn, chưa từng được giới thiệu bằng tư liệu chính thức. Có nguồn khác lại cho rằng Chu sinh ra tại thôn Tây Tiền Đầu, thị trấn Hậu Kiều, huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô.
Cho dù sau này Chu Vĩnh Khang thi đỗ vào Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh và học chuyên ngành thăm dò vật lý địa cầu thuộc Khoa Thăm dò trong 5 năm, nhưng sơ yếu lí lịch công khai của nhân vật này cũng chỉ điểm qua một dòng.
Tháng 9/1961, Chu Vĩnh Khang khi đó 17 tuổi, đã thi đỗ vào Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh. So với một số trường đại học nổi danh ở Bắc Kinh, Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh mới thành lập chưa có tiếng tăm là bao. Nhưng chính ngôi trường chưa có nhiều tiếng tăm vào những năm 1950 -1960 đó đã đào tạo ra một loạt cán bộ cấp cao tới bây giờ vẫn nắm trong tay huyết mạch năng lượng của Trung Quốc.
Khi Chu Vĩnh Khang nhập học, Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh đã trở thành một trong những học viện nhà trường trọng điểm của cả nước. Sử ký của trường này ghi lại rằng: Từ khi được thành lập vào năm 1953 tới đêm trước của "Đại Cách mạng Văn hóa" năm 1966, Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh đã trải qua gần 13 năm phát triển và đạt được quy mô tương đối. Ngành học mà Chu Vĩnh Khang theo đuổi là "thăm dò vật lý địa cầu", được các chuyên gia trong ngành phổ biến gọi tắt là "vật thám".
So với cách ngành khác, "thăm dò vật lý địa cầu" là ngành truyền thống "vừa cũ kĩ vừa bụi bặm". Đó là do đa phần thời gian của những người theo đuổi ngành này phải ở ngoài trời, một năm bốn mùa ăn gió nằm sương đã trở thành chuyện thường nhật. Khi Chu Vĩnh Khang bước sang năm cuối cùng của bậc đại học, "Đại Cách mạng Văn hóa" bùng nổ. Có một chi tiết đáng chú ý là sơ yếu lí lịch của Chu Vĩnh Khang ghi "năm 1966-1967, lưu lại trường đợi phân công".
Điều này có nghĩa vốn đã tốt nghiệp, nhưng vào năm 1966, Chu Vĩnh Khang vẫn phải chờ đợi ở Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh, tận mắt chứng kiến tình trạng tê liệt hoàn toàn của các trường học. Nhưng vào mùa Thu năm 1967, khi cuộc đấu tranh phe phái ở Trung Quốc phát triển tới thời điểm nghiêm trọng nhất, Chu Vĩnh Khang và một số sinh viên tốt nghiệp khác đã được phân về công tác ở giếng dầu Đại Khánh. Nơi Chu Vĩnh Khang tới là đội địa chất, xưởng 673.
Đến niềm tự hào vì là người Đại Khánh, người của ngành dầu
Từ khi bắt đầu đi làm vào năm 1967, Chu Vĩnh Khang lăn lộn trên mặt trận dầu mỏ trong khoảng thời gian rất dài. Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng Chu Vĩnh Khang lại gắn bó với vùng đất băng tuyết ở khu vực Đông Bắc, bắt đầu từ vai trò của thực tập viên, kĩ thuật viên đội địa chất xưởng 673 thuộc giếng dầu Đại Khánh, sau này chuyển tới công tác ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Thăm dò Dầu mỏ Liêu Hà.
Chu Vĩnh Khang đi lên từng cấp, cũng kiêm nhiệm qua chức vụ quản lý tại địa phương khi làm lãnh đạo một số doanh nghiệp dầu mỏ. Năm 1983, khi làm Cục trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Thăm dò Dầu mỏ Liêu Hà, Chu Vĩnh Khang kiêm nhiệm chức Phó Bí thư Thị ủy, Thị trưởng Bàn Cẩm thuộc tỉnh Liêu Ninh. Những năm tháng làm việc ở giếng dầu Đại Khánh đã làm rạng rỡ cho Chu Vĩnh Khang, nhân vật tự nhận mình là "người Đại Khánh".
Ngày 26/9/2009, khi đã trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chu Vĩnh Khang đã viết bài "Phát huy tinh thần Đại Khánh, tạo dựng huy hoàng mới" đăng trên tờ "Nhân dân Nhật báo" nói về thời kỳ công tác ở giếng dầu Đại Khánh và từng bước đi lên của mình sau khi tốt nghiệp Học viện Dầu mỏ Bắc Kinh.
Chu Vĩnh Khang viết: "Vào đúng ngày này 50 năm trước, ngày 26/9/1959, giếng thăm dò dầu mỏ tiêu chuẩn số 3 ở bình nguyên Tùng Liêu đã phun dầu, do vào đúng dịp trước thềm kỉ niệm 10 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, cho nên, sau đó đã được đặt tên là giếng dầu Đại Khánh. Trong ngày đặc biệt đáng nhớ này, là một người từng công tác ở ngành dầu mỏ, hồi tưởng lại lịch trình 50 năm phấn đấu của giếng dầu Đại Khánh, tôi lại nhớ đến những gian khó và huy hoàng của ngành công nghiệp dầu mỏ 60 năm qua, bồi hồi và cảm khái muôn phần".
Chu Vĩnh Khang còn viết: "Sau khi lên Trung ương công tác, tôi cũng nhiều lần về Đại Khánh khảo sát, thăm các bạn cũ ở sở chỉ huy thăm dò dầu mỏ, thăm các Anh hùng lao động, công nhân, chuyên gia, lãnh đạo trước đây. Mấy chục năm nay, tôi luôn cảm thấy vinh quang và tự hào vì mình là người Đại Khánh, là người của ngành dầu mỏ, Tình cảm nồng hậu của ngành dầu mỏ đã gắn tôi với sự nghiệp dầu mỏ, gắn tôi với hàng triệu công nhân dầu mỏ, khích lệ tôi phấn đấu không ngừng vì nghiệp của Đảng và của nhân dân".
Sau đó, Chu Vĩnh Khang tiếp tục giãi bày: "...Mấy năm nay, trước mắt tôi thường xuyên hiện ra hình ảnh "người sắt" Vương Tiến Hi chẳng quản thân mình lao vào bùn khoan, cảnh người công nhân vai trần vác máy khoan, tai tôi thường xuyên văng vẳng lời nói 'nguyện sống ít đi 20 năm, có hi sinh cũng phải tìm được mỏ dầu lớn'. Những sự tích anh hùng kinh thiên địa, khấp quỷ thần ở giếng dầu Đại Khánh, khí khái anh hùng và tinh thần làm việc quên mình của đội ngũ công nhân viên chức Đại Khánh làm tôi dâng tràn cảm xúc, không bao giờ quên".
Theo thống kê trên trang web chính thức của giếng dầu Đại Khánh, sau khi rời giếng dầu Đại Khánh, Chu Vĩnh Khang, người luôn cảm thấy vinh quang và tự hào vì mình là người Đại Khánh, là người của ngành dầu mỏ, đã trở lại đây 20 lần.
Một điều đáng chú ý khác là tấm biển tên "Nhà trưng bày lịch sử giếng dầu Đại Khánh" chính là bút tích khi xưa của Chu Vĩnh Khang...
(Còn nữa)