Dân Việt

Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng: Xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi xanh, an toàn

Minh Huệ (Thực hiện) 02/11/2024 13:08 GMT+7
Từ một chủ trang trại nuôi gà lạnh, ông Vũ Mạnh Hùng đã mạnh dạn liên kết với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) tham gia chuỗi chăn nuôi gà xuất khẩu. Rất nhanh, cú bắt tay này đã phát triển thành chuỗi chăn nuôi công nghệ cao điển hình của Việt Nam, với hàng loạt dự án trị giá hàng nghìn tỷ đồng đang triển khai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết, với sự quyết đoán, ham học hỏi và dám thay đổi, đương đầu với chông gai cũng như tiên phong áp dụng công nghệ cao, các dự án chăn nuôi của Hùng Nhơn đã gặt hái được một số thành công nhất định.

Ông có thể cho biết một số dự án chăn nuôi lớn Tập đoàn Hùng Nhơn đang triển khai?

- Chúng tôi xuất phát từ một trang trại gà quy mô nhỏ những năm 2000, trải qua nhiều chông gai, đến nay Hùng Nhơn đã trở thành doanh nghiệp đa ngành, đặc biệt có thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao theo quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn ISO, GlobalGAP và các tiêu chuẩn chuyên ngành quốc tế.

Hiện nay chúng tôi đang sở hữu 17 công ty thành viên và chuỗi Tổ hợp DHN, với khoảng 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tập đoàn còn có các trang trại nuôi heo giống cụ, kỵ, ông bà, bố mẹ và heo thương phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế với tổng sản lượng 14.000 con heo giống (bố mẹ) và 375.000 con heo thương phẩm mỗi năm.

Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng: Xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi xanh, an toàn- Ảnh 1.

Ông Vũ Mạnh Hùng, - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.

Làm thế nào mà từ một trang trại nhỏ, ông có thể triển khai được những dự án tầm cỡ đáng nể như vậy?

- Ngay ban đầu thì không ai có đủ năng lực và tiền bạc để làm những dự án như tôi vừa nói. Sau khi học xong trường chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình), tôi vào Bình Phước làm thuê đủ nghề. Sau khi lập gia đình thì tôi có thêm nghề chăn nuôi gà. Chỉ nuôi mấy trăm con thôi nhưng gà cứ bị chết liên tục. Năm 2001, tôi vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô chăn nuôi lớn hơn. Nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng phát khiến gà chết hàng loạt, không tiêu thụ được, toàn bộ vốn liếng mất trắng.

Sau nhiều đêm không ngủ, tôi nghiệm ra rằng, không thể làm giàu với cách làm tủn mủn đó được nên đánh liều bỏ tiền đi nước ngoài học hỏi các mô hình chăn nuôi tiên tiến. Tôi đi sang Thái Lan, đến tham quan các trang trại nuôi gà và nhận thấy, mình thất bại là do nuôi gà bằng chuồng hở, lại nuôi số lượng lớn, không đủ kỹ thuật chăm sóc nên gà chậm lớn, dễ bị dịch bệnh.

Sau đó, năm 2007, tôi dồn hết vốn liếng, cộng thêm tiền vay ngân hàng đầu tư 80 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi gà lạnh trên diện tích đất 20ha. Thời điểm đó, đây cũng là trại gà lạnh đầu tiên ở Bình Phước, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến của Đức, tự động hóa 100%. Với quy trình này, chúng tôi liên tục có nhiều lứa gà thành công, mỗi năm trại gà cung cấp cho thị trường hơn 5.000 tấn thịt gà sạch.

Bản thân tôi đi lên từ một người chăn nuôi nhỏ, tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết. Nhưng tôi không sợ khó sợ khổ, không e ngại khi gặp người nước ngoài. Ngược lại, tôi rất thích tìm tòi, thử thách mình trong những dự án lớn, mạnh dạn áp dụng công nghệ kỹ thuật mới, tiêu chuẩn GlobalGAP tại trang trại.

Chính điều này đã tạo cơ hội cho tôi gặp gỡ với lãnh đạo Công ty TNHH De Heus Việt Nam, lúc đó là anh Gabor Fluit. De Heus là công ty lớn trong mảng thức ăn chăn nuôi, có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng động vật. Từ đây, chúng tôi có ý tưởng hợp tác về một chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín từ đầu vào tới đầu ra.

Và như các bạn thấy bây giờ, chúng tôi đang xây dựng chuỗi tổ hợp các dự án chăn nuôi công nghệ cao ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Ninh... Trong đó, dự án DHN quy mô vốn 1.500 tỷ đồng tại Đắk Lắk đã đi vào hoạt động năm 2021; dự án tại Gia Lai quy mô vốn hơn 1.000 tỷ đồng dự kiến khánh thành cuối năm nay. 

Đặc biệt, Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh có tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng cũng đã đưa vào hoạt động một số dự án thành phần như khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng: Xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi xanh, an toàn- Ảnh 2.

Dự án chăn nuôi công nghệ cao DHN Đắk Lắk đã đi vào hoạt động ổn định tại huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk.

Đó là kết quả của một quá trình học hỏi, nhanh nhạy và quyết đoán trong việc nắm bắt cơ hội. Một mình Hùng Nhơn không thể làm được những dự án "khủng" như vậy. Phải liên kết, hợp tác, sánh vai với các tập đoàn lớn, từ đó tạo ra sức mạnh theo cấp số nhân. Minh chứng là sản phẩm trong chuỗi của chúng tôi hiện nay không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn vươn ra xuất khẩu.

Nói về chuyện học hỏi, tại Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói do Hội NDVN và Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, tôi rất tâm đắc với gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ông nói, phải tri thức hoá người nông dân, chỉ có hiểu biết mới giúp nông dân bớt mong manh. Điều đó rất đúng với bản thân tôi, nông dân phải đi học để nâng cao sự hiểu biết, mở rộng tầm nhìn, từ đó lựa chọn những cách làm phù hợp và đi đúng hướng, nông sản làm ra bền vững hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, người nông dân phải thay đổi suy nghĩ "'àm ngày nào ăn ngày đó", "thích thì làm không thích thì nghỉ" và hoàn thiện chính mình. 

Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng: Xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi xanh, an toàn- Ảnh 3.

Ông Vũ Mạnh Hùng trao đổi với PV Dân Việt. Ảnh: Viết Niệm

Tôi luôn thắc mắc với các dự án chăn nuôi quy mô lớn như vậy, ông làm thế nào để quản lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh?

- Trước kia chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu tận dụng nên các trang trại thường được xây dựng bên cạnh nhà ở, trong khu dân cư, dẫn đến khó tránh được gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống gần đó. Nhưng bây giờ chăn nuôi phải theo luật, cách xa khu dân cư, phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí về khoảng cách, mật độ chăn nuôi, xử lý chất thải cũng như các giải pháp quản lý dịch bệnh.

Thuận lợi là tại các dự án chúng tôi đang thực hiện đều có diện tích lớn, cách xa khu dân cư, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên đất đai còn rất mênh mông. Nhờ đó, chúng tôi có thể tạo một "hàng rào" 2-3km ngăn cách với bên ngoài để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chúng tôi trồng nhiều cây xanh, hồ nước rộng hàng hecta, sau đó mới đến khu chăn nuôi.

Để xử lý chất thải từ chăn nuôi, toàn bộ các dự án hiện nay đều áp dụng dây chuyền, máy móc hiện đại của thế giới vào xử lý, đáp ứng nước thải sau khi đã xử lý đạt loại A, theo tiêu chuẩn QCVN 62 - MT: 2016/BTNMT về nước thải chăn nuôi. Phân gà, phân heo thải ra chúng tôi đều thu gom, xử lý làm phân bón hữu cơ.

Chăn nuôi là lĩnh vực luôn phải đối mặt với dịch bệnh, vì thế đầu tư cho chăn nuôi là phải đầu tư cho phòng chống dịch bệnh trước tiên, điều đó gần như quyết định toàn bộ số phận trang trại.

Và để chủ động giúp đàn vật nuôi mạnh khoẻ, an toàn trước các loại dịch bệnh, đầu năm 2024 Tập đoàn Hùng Nhơn đã thực hiện thương vụ mua bán, sáp nhập nhà máy vaccine, chế phẩm sinh học Vikasan. Hiện nhà máy có trên 200 sản phẩm được cấp phép lưu hành trên thị trường nội địa. Với sự gia nhập của Vikasan, chúng tôi đã có một hệ sinh thái chăn nuôi theo mô hình xanh, an toàn và bền vững.

Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng: Xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi xanh, an toàn- Ảnh 4.

Các trang trại của Tập đoàn Hùng Nhơn có tỷ lệ tự động hoá cao, với nhiều thiết bị hiện đại nhập khẩu từ châu Âu.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về chiến lược chăn nuôi xanh này?

- Đây là chiến lược phát triển đang được các tập đoàn lớn trên thế giới theo đuổi, đó là mô hình "từ trang trại đến bàn ăn". Cụ thể, trong chuỗi của chúng tôi, Bel Gà cung ứng con giống; De Heus là các giải pháp dinh dưỡng động vật, thức ăn chăn nuôi; Hùng Nhơn cung cấp giải pháp nhà máy và chuồng trại; DHN chăn nuôi công nghệ cao; Visakan cung cấp giải pháp thuốc thú y và Green Chicken giết mổ, chế biến...

Hệ sinh thái này sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn khi chúng tôi chuẩn bị kí kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Olmic (Pháp). Theo đó, chúng tôi sẽ được cung cấp các giải pháp tối ưu về vaccine công nghệ cao, thuốc sát trùng, tẩy trùng, dịch vụ chủng ngừa vaccine… để kiểm soát dịch bệnh trong trang trại chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ, chăm sóc sức khỏe vật nuôi tốt nhất.

Việt Nam đang có chủ trương cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi cũng như giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đó cũng là xu hướng tất yếu của Việt Nam và toàn cầu nhằm xây dựng các thế hệ tương lai khoẻ mạnh. Do đó tại các dự án của Hùng Nhơn, De Heus, chúng tôi sẽ chủ động, tiên phong giảm kháng sinh mà tập trung phòng ngừa dịch bệnh.

Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng: Xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi xanh, an toàn- Ảnh 5.

Hệ thống máng ăn, máng uống tự động tại các trang trại chăn nuôi heo của Tập đoàn Hùng Nhơn giúp giảm tối đa nhân công, hạn chế sự ra vào của con người, nhờ đó luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Trong quá trình triển khai các dự án, ông có gặp khó khăn gì không?

- Ngược lại, với các chiến lược chúng tôi đang theo đuổi, Hùng Nhơn luôn được Bộ NN&PTNT, các địa phương ủng hộ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi. 

Điển hình như năm 2023, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y và đại diện Sở NN&PTNT của 7 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã cùng chúng tôi ký kết Thoả thuận hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm hướng tới xuất khẩu giai đoạn 2023 - 2028.

Theo thoả thuận, chúng tôi đặt ra mục tiêu xây dựng thành công chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà và các vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Cụ thể là an toàn với các bệnh cúm gia cầm, Newcastle, Salmonella và an toàn thực phẩm, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng được các yêu cầu quốc tế để xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Tầm nhìn đến năm 2030, chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 37.500 heo giống, heo nái thương phẩm tại khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ; cung cấp 83 triệu con gà giống và gà thịt tại Tây Ninh. Tổng mức doanh thu tại các dự án đạt khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.