Trước dự báo mưa lớn kéo dài gây lũ lớn trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 3/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành lệnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hương.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, mực nước hồ Bình Điền lúc 7h ngày 3/11/2024 ở mức +77,41m, lưu lượng đến hồ 230m3/s, lưu lượng về hạ du 514m3/s.
Để hạ nhanh mực nước hồ tạo dung tích phòng lũ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du những đợt thiên tai trong thời gian tới, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tiếp tục điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 650 - 900m3/s. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng điều tiết nước trên 650m3/s là lúc 8h30 ngày 3/11.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Bình Điền tổ chức thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long và thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có sự chỉ đạo.
Các địa phương thuộc hạ du hồ chứa thủy điện Bình Điền được giao nghiêm cấm các hoạt động thuyền bè, vớt củi, câu cá… trên sông, hói, thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức trực ban vận hành hệ thống cửa đập, cống đảm bảo khả năng thoát lũ cho vùng hạ du thủy điện Bình Điền.
Theo dự báo, từ chiều tối ngày 3 đến ngày 9/11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 500-850mm, có nơi trên 1.000mm. Đây là đợt mưa rất phức tạp, kéo dài nhiều ngày, mưa tập trung mạnh nhất từ ngày 5 đến ngày 8/11.
Dự báo lượng mưa này sẽ gây ra lũ lớn, ngập úng ở vùng thấp trũng, đồng thời có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồi núi, ven sông, suối trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Các cơ quan, đơn vị liên quan được giao kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, vùng ven biển, cửa sông, ven phá...