Dân Việt

Lừa đảo đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc): Lao động cần đặc biệt cảnh giác điều này

Thùy Anh 03/11/2024 13:16 GMT+7
Hàng chục lao động bị lừa đảo đóng tiền qua mạng khi đăng ký đi làm việc ở Đài Loan đã rơi vào cảnh khốn khó. Trước sự việc này, PV Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐTBXH).

Gia tăng số vụ lừa đảo đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)

Thưa ông, gần đây hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có dấu hiệu khởi sắc, số lao động mong đi làm việc ở nước ngoài tăng lên. Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo có chiều hướng nghiêm trọng hơn?

- Tôi không nghĩ cứ thị trường khởi sắc thì sẽ gia tăng tình trạng lừa đảo lao động. Thực ra từ trước tới giờ, tình trạng lừa đảo vẫn diễn ra, đặc biệt với các thị trường có việc làm tốt, thu nhập cao, nơi người lao động mong muốn đi nhiều. Đây mới chính là lý do khiến các cá nhân, tổ chức bất hợp pháp gia tăng lừa đảo lao động.

Do đó, lao động càng phải tìm hiểu kỹ thông tin. Ví dụ chọn thị trường nào phù hợp?, đi theo doanh nghiệp nào đảm bảo an toàn?...

Mới đây, một số công ty đưa lao động đi làm việc ở Đài Loan cho biết, họ bị các đối tượng xấu nhân danh công ty, làm giả giấy tờ, con dấu lừa đảo thu tiền lao động. Cục đã nắm được thông tin này chưa, thưa ông?

- Như tôi đã nói trên, gần như ở tất cả các thị trường lao động đều có hiện tượng lừa đảo. Không chỉ thị trường Đài Loan (Trung Quốc), các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc,... nơi có đông lao động đăng ký đi làm việc cũng xảy ra tình trạng lừa đảo. Cục đã tiếp nhận công văn báo cáo của một số công ty về việc lao động bị lừa đảo khi mong muốn đi làm việc ở nước ngoài.

Lừa đảo đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc): Lao động cần cảnh giác khi nộp tiền  - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn Pixabay

Hiện nay, lợi dụng công nghệ thông tin, đối tượng lừa đảo có nhiều cách thức rất tinh vi. Nhiều lĩnh vực được cho là có bảo mật tốt như ngân hàng, sàn thương mại điện tử... cũng đã bị những kẻ lừa đảo tấn công.

Ông có cảnh báo nào cụ thể gửi tới người lao động?

- Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi sẽ đánh giá tình hình và có văn bản gửi lao động, địa phương và tổ chức cá nhân có liên quan để cảnh báo về tình trạng nhiều tổ chức cá nhân không có giấy phép lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2024 là 113.896 lao động, đạt 91,11% kế hoạch năm. Trong số đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 56.566 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc): 43.690 lao động, Hàn Quốc: 6.276 lao động, Trung Quốc: 1.704 lao động, Singapore: 1.040 lao động, Romania: 670 lao động, Hungary: 449 lao động và các thị trường khác.

Chúng tôi cũng khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường mình đi, điều kiện về thu nhập, doanh nghiệp có được cấp phép không, với những thị trường đặc thù cần giới thiệu thì thế nào...

Hoặc khi làm việc với các cộng tác viên của doanh nghiệp thì cũng cần phải kiểm tra lại có đúng không. Đặc biệt, lao động phải lưu ý trong việc đóng tiền.

Lao động chỉ đóng tiền khi đã ký hợp đồng với công ty được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo quy định của luật, doanh nghiệp chỉ được thu tiền của người lao động khi đã ký hợp đồng. Riêng tiền ký quỹ, thì chỉ được thu khi chủ sử dụng đã đồng ý tiếp nhận lao động và có visa lao động.

Lao động chỉ nộp tiền tại trụ sở chính của công ty, khi nộp tiền phải lấy hóa đơn chứng từ. Hóa đơn, chứng từ phải thể hiện rõ đóng tiền gì, đóng bao nhiêu... để sau này còn có thông tin đối chứng nếu cần.

Tuyệt đối không đóng tiền cho các tổ chức, cá nhân không biết rõ nguồn gốc, hay chuyển tiền qua mạng. Kể cả các chi nhánh của công ty cũng không được phép thu tiền của lao động và không được ký hợp đồng đưa lao động đi.

Cũng liên quan tới vấn đề này, một số công ty cho biết việc Luật yêu cầu công khai thông tin doanh nghiệp trên mạng có thể là con dao 2 lưỡi khiến những kẻ lừa đảo làm giả giấy tờ có thông tin để lừa đảo. Ông nghĩ sao về điều này?

Chúng ta không thể phủ nhận tác dụng của công nghệ. Tương tự vậy, việc công khai minh bạch thông tin bao giờ cũng tốt hơn là không. Đương nhiên, bên cạnh những cái tốt cũng có những mặt trái. Không phải chỉ các doanh nghiệp, ngay cả tổ chức nhà nước cũng bị mạo danh con dấu, chữ ký.

Lừa đảo đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc): Lao động cần cảnh giác khi nộp tiền  - Ảnh 2.

Ông Phạm Viết Hương chia sẻ với PV Báo Dân Việt về giải pháp để ứng phó với nạn lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: BLĐTBXH

Luật quy định các doanh nghiệp công khai thông tin nhưng ngược lại doanh nghiệp cũng cần cung cấp những thông tin đầy đủ hơn hoặc điện thoại liên hệ để xử lý trong những tình huống cấp bách. Bản thân doanh nghiệp cũng theo dõi kịp thời phản ánh khi có vấn đề của người lao động cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

Cụ thể với vụ việc hàng chục lao động bị lừa đảo khi đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc) mà Báo Dân Việt đã nêu, Cục đã có giải pháp gì?

 - Trước mắt, Cục sẽ gửi thông tin cảnh báo tới người lao động và chính quyền địa phương về quy trình thủ tục đi làm việc ở nước ngoài; thông tin thị trường; thông tin về các doanh nghiệp được phép hay không được phép; quy trình nộp tiền...

Tiếp đó, chúng tôi sẽ căn cứ vào báo cáo từ phía các doanh nghiệp để xác minh và báo cáo cơ quan công an đề nghị phối hợp xử lý.

Chúng tôi đã nghĩ tới việc nếu có thể thì gửi tin nhắn đồng loại cảnh báo cho người dân thông qua tổng đài quốc gia như tin nhắn phòng chống bão lụt; hay tin nhắn nhân đạo; ủng hộ giảm nghèo... Tuy nhiên kinh phí thế nào, nguồn từ đâu thì phải đợi nghiên cứu, xem xét.

Xin cảm ơn ông!