Lừa đảo đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc): Những tiếng khóc nghẹn từ nơi thôn quê

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 02/11/2024 14:06 PM (GMT+7)
Hàng chục lao động dính bẫy lừa đảo khi bị các đối tượng làm giả giấy tờ, con dấu của một số công ty xuất khẩu lao động. Trong số này có nhiều nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo… phải vay mượn, cầm cố nhà cửa để có tiền đóng.
Bình luận 0

Đoạn ghi âm hội thoại của nạn nhân với những kẻ lừa đảo. VD: N.T

Vay tiền đi xuất khẩu lao động Đài Loan không thành 

Mặc dù đã được giới thiệu trước nhưng phải khó khăn lắm, phóng viên Dân Việt mới liên lạc để phỏng vấn được với chị N.T.H. Chị H (Quảng Nam) là một trong số hơn 20 nạn nhân vừa mới biết mình bị lừa đảo đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc).

Chia sẻ với PV, chị H ngậm ngùi kể, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị và chồng đã ly hôn được 5 tháng. Con còn nhỏ nên hai mẹ con về ở ké nhà ông bà ngoại, chị lại không có việc làm, chỉ bám vào mấy sào ruộng của mẹ. "Tôi định bụng gửi con gái hơn 1 tuổi cho mẹ chăm để đi làm việc ở nước ngoài kiếm chút vốn sau này về làm ăn, mua nhà nhưng ai ngờ đâu đi chưa được lại bị lừa", chị H chia sẻ.

Cũng như các nạn nhân khác, chị H từng được 1 người bạn thân đang làm việc tại Đài Loan giới thiệu có kênh đi sang Đài Loan nhanh, công việc tốt, tăng ca nhiều, thu nhập có tháng hơn 30 triệu đồng. Quan trọng hơn, đóng tiền nhanh còn được đi sớm và chi phí đi rẻ hơn (chỉ 4.800 USD) nhiều bên khác. Chị H nghĩ bạn mình đi được thành công, thì mình đi theo kênh này cũng được, ai ngờ chưa đi chị H đã sập bẫy lừa đảo.

Lừa đảo đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc): Tiếng khóc từ những làng quê! - Ảnh 1.

Nhiều nạn nhân cho biết mình bị lừa nộp tiền đi Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Ảnh: NVCC

"Ban đầu kẻ môi giới giới thiệu tôi qua 1- 2 mối, sau đó tôi lại được giới thiệu sang Facebook có tên là Nguyễn Thị Minh Huệ, tại đây người này đã trao đổi công việc mức lương, mức tiền phí phải đóng. Tôi có xin số điện thoại, nhưng chị ta nói chỉ làm việc bằng Facebook và Zalo cho nhanh tiết kiệm", chị H kể.

Ngoài những Facebook có tên là Trần Phước Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Huệ, những kẻ lừa đảo còn tạo ra nhiều Facebook có khác để lừa đảo.

Sau 3 ngày trò chuyện thông tin qua lại, kẻ lừa đảo đã chuyển cho chị H rất nhiều giấy tờ từ giấy phép xuất khẩu của công ty đến đơn hàng, hợp đồng... Khi thấy chị H đã tin tưởng thì đối tượng gạ chị nộp tiền. Vì không có tiền nên chị H phải vay mượn tứ tung.

Chị H vay mượn của anh em họ hàng 30 triệu để đóng tiền làm hồ sơ bay, vay ngân hàng 60 triệu đồng để đóng tiền ký quỹ... Tổng cộng chị đã chuyển cho kẻ lừa đảo 2 đợt với tổng số tiền là 85 triệu đồng.

Chuyển xong tiền mãi mà chưa thấy lịch gọi đi, chị H mới đi kiểm tra lại thông tin của công ty được môi giới giới thiệu. Khi gọi qua số điện thoại đường dây nóng của công ty thì chị mới biết mình bị lừa, chị gọi lại thì môi giới chặn Facebook, không nghe máy.

Trong câu chuyện, nước mắt chị H liên tục chảy dài, có những phút chị ngẹn ngào không nói thành lời, câu chuyện phải dừng lại. Chị liên tục nhắc đi nhắc lại với phóng viên rằng "mình không muốn lên báo vì sợ anh em, họ hàng, hàng xóm biết chuyện".

"Họ biết họ lại chửi mình tham, mình ngu. Sợ nhất là nếu biết tôi bị lừa họ lại tới đòi nợ thì không biết lấy tiền đâu mà trả", chị H kể.

Cũng như chị H, hầu hết các nạn nhân bị lừa đả đều đến từ các vùng quê, ít thông tin, hoặc nếu có thì chỉ có thông tin không đầy đủ. Khi bị kẻ lừa đảo dùng nhiều chiêu bài thuyết phục, họ nhanh chóng tin theo, nộp tiền qua chuyển khoản.

Thống kê sơ bộ, đến thời điểm này đã có hơn 20 lao động thông tin bị lừa đảo nhân danh đi theo kênh Công ty Toàn Đài. Một số lao động ngại nêu tên nên không công bố thông tin, nhưng số nạn nhân tới kiểm tra thông tin, khai báo vẫn liên tục tăng. Có trường hợp chuyển 5-10 triệu đồng, có những trường hợp đã chuyển lên tới 75-85 triệu đồng.

Đại diện cơ quan quản lý cảnh báo, lao động có ý định đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có thị trường Đài Loan (Trung Quốc) cần nghiên cứu, xác minh rõ thông tin. Có thể đến trực tiếp công ty làm việc để được tư vấn cụ thể. Không làm việc, chuyển tiền giao dịch qua mạng khi chưa nắm chắc thông tin. Chỉ có công ty, trụ sở chính mới được phép thu tiền của người lao động khi đã ký hợp đồng lao động.

Nghi ngờ về việc có đường dây lừa đảo lao động đi Đài Loan

Qua tìm hiểu từ lao động và phía công ty bị nhân danh để lừa đảo, PV Dân Việt nhận thấy hầu hết các nạn nhân đều gặp phải một mô típ lừa đảo đó là được người nhà, người quen đang làm việc ở Đài Loan giới thiệu người môi giới. Tất cả đều làm việc với kẻ môi giới qua mạng xã hội, không liên lạc qua số điện thoại. Tiếp đó kẻ môi giới gửi giấy tờ liên quan và thuyết phục lao động chuyển tiền để đi nhanh.

Ông Nguyễn Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực Toàn Đài cho biết, sau khi kiểm tra thông tin ở công ty và biết mình bị lừa thì hầu hết nạn nhân đã mất liên lạc. "Chúng tôi có liên hệ lại để lấy con số thống kê báo với cơ quan công an nhưng hầu hết các nạn nhân đã cắt liên lạc. Nhiều nạn nhân cho biết có khi không đòi lại tiền được nên đành xem như 'của đi thay người', không trình báo với cơ quan công an luôn", ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, những kẻ lừa đảo còn lấy giấy phép đăng ký kinh doanh giả để đăng ký mở tài khoản ngân hàng đứng tên công ty. Ngoài tài khoản này chúng còn có rất nhiều số tài khoản khác, mỗi lần chúng lại yêu cầu lao động chuyển vào một tài khoản. Khi bị lao động phát hiện là lừa đảo chúng ngay lập tức chặn tin nhắn cuộc gọi từ các nạn nhân, nhưng Facebook vẫn hoạt động bình thường và tiếp tục đi lừa đảo những đối tượng khác.

Lừa đảo đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc): Tiếng khóc từ những làng quê! - Ảnh 2.

Không riêng gì Công ty Cổ phần Nhân lực Toàn Đài, một số công ty khác cũng bắt đầu ghi nhận thông tin có lao động gọi qua phản ánh bị kẻ xấu nhân danh công ty lừa đảo. Ảnh một nạn nhân cho biết bị kẻ xấu nói làm Công ty Sona lừa đóng tiền. Ảnh: Công ty Sona cung cấp.

Nghi ngờ về việc có đường dây lừa đảo, hoạt động ở Đài Loan (Trung Quốc) về tới Việt Nam, PV Dân Việt đã liên lạc với người làm trong Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan. Vị này cho biết, tại Văn Phòng ban quản lý chưa có thông tin nào cho thấy việc xuất hiện một đường dây lừa đảo lao động đi làm việc ở Đài Loan.

"Để quản lý lao động tốt hơn, nhằm tìm kiếm những lao động trung thành, chống chạy trốn, một số công ty ở Đài Loan có nhờ lao động đang làm việc (lao động trung thành - PV) tại công ty giới thiệu lao động ở quê nhà. Dù giới thiệu theo kênh này lao động cũng bắt buộc phải đi theo đúng kênh công ty có người lao động đang làm việc ở Đài. Còn các kênh khác thì chúng tôi chưa nắm được thông tin", vị này nói.

Vị này cũng cho biết thêm, tình hình về đời sống, sinh hoạt của lao động Việt ở Đài Loan cũng khá phức tạp. Không ít lao động Việt khi sang làm việc tại Đài Loan bị dụ dỗ, sa vào tệ nạn cờ bạc, mại dâm... "Thậm chí có những cá nhân sau đó bỏ trốn, hoạt động và có những hành vi phi pháp, vi phạm pháp luật, tham gia đường dây lừa đảo. Có khi họ còn lừa chính anh em, bạn bè, người thân để có tiền tiêu xài. Vì thế không ngoại trừ họ sẽ được cho một khoản tiền khi giới thiệu, môi giới lao động đi theo đường dây lừa đảo", vị này chia sẻ thêm.

PV Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này và làm việc với Cục Quản lý lao động (Bộ LĐTBXH).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem