Theo ông Hoàng Văn Giang, phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam, thì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội.
Livestream bán hàng trên các ứng dụng OTT, mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử bị lợi dụng triệt để để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vấn đề này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, và gây ra cả nguy cơ thất thu ngân sách về thuế.
Có thể ví dụ như vụ việc Công an thành phố Hà Nội mới đây vừa khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường (38 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) để điều tra về tội trốn thuế. Trước đó, Phòng cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Thuế thành phố Hà Nội phát hiện Đỗ Mạnh Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… để bán điện thoại, phụ kiện.
Dẫn chứng một số chiêu trốn thuế, Tổng cục Thuế cho biết người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại. Bên cạnh đó, sau khi livestream, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, nhiều người bán hàng trực tuyến hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa để tránh bị truy vết. Không ít luồng livestream bị xoá, hoặc tạm ẩn sau khi kết thúc.
Ngoài ra, khi chuyển gửi hàng hóa thông qua đơn vị vận chuyển, người bán hàng ghi địa chỉ nơi gửi mập mờ nhằm gây khó khăn cho quá trình xác minh kho hàng, địa điểm bán hàng của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, số lượng vụ phát hiện vi phạm ngày càng nhiều cho thấy sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo với những người có ý định trốn tránh nghĩa vụ khi kinh doanh trên môi trường TMĐT.
Mặt khác, không ít người hiện đang kinh doanh trên môi trường TMĐT nhưng chưa hiểu hết trách nhiệm đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế, hoặc không nắm được quy định về mốc phải đóng thuế khi phát sinh doanh thu khi bán hàng dẫn đến vô tình phát sinh vi phạm.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, đại diện Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) giải đáp, theo quy định hiện hành tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 40/2021/TT-BTC, hộ, cá nhân kinh doanh (không phân biệt kinh doanh truyền thống hay qua TMĐT) đều thuộc diện chịu thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Thông tư số 40 cũng quy định, doanh thu để kê khai thuế, nộp thuế là doanh thu bán hàng hàng hoá, dịch vụ của người bán thông qua sàn chưa trừ các khoản chi phí trả cho sàn.
Với trường hợp doanh thu trong năm dưới 100 triệu đồng, căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 40, thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN.
Mức thuế suất áp dụng đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo lĩnh vực ngành nghề quy định tại biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 40 (bán hàng online nộp thuế TNCN với thuế suất 0,5%, thuế GTGT với thuế suất 1%; phát sinh thu nhập từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nộp thuế TNCN với thuế suất 2%, thuế GTGT với thuế suất 5%;…).
Hộ, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế. Hộ, cá nhân có thể lựa chọn kê khai, nộp thuế theo một trong các phương pháp khoán, kê khai, hoặc nộp thuế từng lần phát sinh.
Về thực hiện đăng ký thuế kinh doanh thương mại điện tử, các hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT có thể đăng ký hộ kinh doanh có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, hoặc trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Nếu gặp khó khăn, người dân cũng có thể liên hệ với Đội Tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thuộc Chi cục tại địa phương để được hướng dẫn.