Dân Việt

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất "sơn kỳ thủy tú" này

Kiều Anh (tổng hợp) 04/11/2024 14:32 GMT+7
Món bánh độc lạ sở hữu vị cay ngọt, hăng hắc đầy lôi cuốn cùng hương thơm nồng nàn “mời gọi” các tín đồ ẩm thực đến “oanh tạc” vùng đất "sơn kỳ thủy tú".

An Giang là một địa điểm du lịch nổi tiếng với phong cảnh sông nước hữu tình, nổi bật với những cánh đồng với hàng trăm cây thốt nốt chạy dài, hay nổi tiếng với ngọn núi Thất Sơn bí ẩn với những câu chuyện tâm linh, và không thể thiếu nét đặc trưng vùng đất miền Tây với cây trái sai quả, mùa nước nổi hàng năm,... Không chỉ dừng lại ở đó các món ngon đặc sản, An Giang chính là một điểm sáng giúp du khách nhớ mãi về vùng đất này.

Là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Chăm, Khmer,... bởi thế nền văn hoá và ẩm thực vùng này mang đặc trưng đa dạng, phong phú, với nhiều món ngon bình dị, dân dã nhưng vô cùng cuốn hút.

Món ăn đặc sản ở An Giang: Bánh hẹ Tân Châu là món bánh hấp dẫn được người dân địa phương lựa chọn để ăn sáng

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất sơn kỳ thủy tú này - Ảnh 1.

Bánh hẹ Tân Châu thơm ngon là thế nhưng chỉ có giá từ 20.000 VND. (Ảnh: MiA)

Nhắc đến đặc sản An Giang chắc chắn không thể thiếu món Bánh hẹ Tân Châu nổi tiếng. Món ăn này có nguồn gốc từ người Hoa và được bày bán nhiều ở thị xã Tân Châu. Trong khi đó, bánh hẹ của người Hoa có nguồn gốc từ người Triều Châu hay còn gọi là người Tiều. Món bánh này được làm từ bột gạo Tân Châu, lá hẹ kết hợp với thịt và tôm. Bánh hẹ Tân Châu còn được biến tấu thêm một lớp trứng gà bên ngoài tạo nên màu vàng vô cùng bắt mắt và lạ miệng.

Món bánh hẹ Tân Châu sẽ giữ được độ ngon và giòn khi còn nóng. Những chiếc bánh được chiên vừa tới để vỏ viền một lớp vàng ươm, giòn tan hòa lẫn cái dai dai của bột bên trong. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị bánh ngọt, vị hẹ bùi bùi và đừng quên chan thêm nước mắm chua ngọt nhé.

Lưu ý, thực khách nên thưởng thức món ăn này ngay sau khi vừa chiên xong để cảm nhận trọn vẹn vị thơm béo, bùi bùi đặc trưng của nó. Bên cạnh đó, bánh hẹ Tân Châu cũng sẽ ngon hơn khi được ăn kèm rau sống tươi như xà lách, cải bẹ, rau thơm. Vị bánh béo ngậy kết hợp với nước mắm chua chua, ngọt ngọt ngon khó cưỡng. Mùi thơm của trứng chiên hòa quyện với hương vị của rau sống làm xao xuyến biết bao tâm hồn yêu ẩm thực.

Món ăn đặc sản ở An Giang: Món bún kèn được nhiều người yêu thích bởi hương vị đậm đà, béo ngậy cực độc đáo

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất sơn kỳ thủy tú này - Ảnh 2.

Những bát bún kèn An Giang đầy ắp bún, thịt cá và nước lèo, tạo màu vàng ươm, đẹp mắt, thu hút mọi ánh nhìn. (Ảnh: MiA)

Bún kèn An Giang cũng là món ăn lâu đời và có tiếng tại vùng đất Châu Đốc. Món ngon này được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn của vùng sông nước miền Tây. Nhờ có bàn tay khéo léo cùng tính cách tỉ mỉ, cẩn thận, người dân An Giang đã sáng tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo. Bún kèn An Giang có nước dùng thanh ngọt của xương cá, vị béo ngậy của cốt dừa, cay nồng của ớt hòa quyện với vị bùi bùi của đậu phộng rang.

Cái tên bún kèn gọi tên theo tiếng của người đồng bào Khmer có nghĩa là nấu với nước cốt dừa. Đó là lý do tại sao mà có nơi gọi là bún nước kèn, bún kèn hoặc cũng có nơi lại gọi là bún kèn dừa.

Để có một phần Bún Kèn An Giang ngon đòi hỏi cá được chọn nấu bún là loại cá lóc đồng, thịt săn chắc, ít tanh. Sau khi làm sạch cá, người chế biến sẽ cho nó vào nước sôi để luộc chín, để nguội. Cá chín sẽ được lột sạch da, bỏ xương, rỉa thịt thành từng miếng vừa ăn, giữ lại nước luộc cá. Thịt cá sẽ được nêm nếm gia vị và cho vào phi thơm cùng với hành, tỏi, cà ri, đinh hương, quế, hồi cho thơm.

Tiếp theo, người đầu bếp sẽ cho nước luộc cá vào nồi, nêm thêm gia vị cho vừa ăn thì cho nước cốt dừa vào, rải thêm ớt bột để tạo màu. Trong khi chờ nước dùng sôi, người chế biến sẽ đi chuẩn bị rau muống bào, giá, rau thơm, dưa leo để ăn kèm với món bún kèn An Giang. Tô bún kèn An Giang hấp dẫn với những miếng thịt cá lóc đồng trắng phau kết hợp với nước lèo béo ngậy sẽ khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Món ăn đặc sản ở An Giang: Bánh ha nàm căn có màu vàng và hình tròn có chóp nhọn nhỏ thu hút khách thập phương

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất sơn kỳ thủy tú này - Ảnh 3.

Mời các "tín đồ xê dịch" cùng lật mở cẩm nang du lịch của mình ra và thêm vào cái tên "ha nàm căn", một đặc sản bánh Chăm An Giang khó bỏ qua. (Ảnh: MiA)

Nhắc đến các loại bánh đặc sản của An Giang, không thể không kể đến đặc sản bánh Chăm An Giang mang tên ha nàm căn, một món ăn khiến nhiều thực khách thích thú mỗi khi đến thăm vùng đất này. Bánh củ gừng (ginraong laya) là loại bánh truyền thống được biết đến trong những nghi lễ, dùng để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Còn trong các lễ hội quan trọng của đồng bào người Chăm An Giang thường có sự xuất hiện của món bánh ha nàm căn gần gũi, dân dã. Thực khách đến du lịch An Giang có thể dễ dàng tìm thấy và thưởng thức loại bánh này ở bất cứ đâu khi du lịch tại vùng đất Thất Sơn Bảy Núi.

Chiếc bánh ha nàm căn có kích cỡ bằng lòng bàn tay, hình tròn và có phần chóp nhọn nhờ hình dáng của chiếc nắp đậy bằng đất nung.

Món đặc sản bánh Chăm An Giang mới ra lò nóng hổi, giòn bên ngoài và xốp mềm, dai nhẹ bên trong. Hương vị ha nàm căn là sự kết hợp giữa độ ngọt thanh từ đường thốt nốt, bùi thơm của mè rang, mềm xốp của bột mì và một chút vị béo. Tất cả hòa quyện tạo nên chiếc bánh đặc sản của người Chăm An Giang dễ ăn, dễ tìm.

Đặc sản bánh Chăm An Giang ha nàm căn là những chiếc bánh không kén người ăn, không chỉ người Chăm An Giang mà rất nhiều tín đồ ẩm thực yêu thích món bánh này bởi sự dân dã, gần gũi và đặc biệt là phù hợp túi tiền của mọi bà con. Bánh có thể dễ dàng tìm thấy trên đường phố An Giang hay các điểm du lịch nổi tiếng như Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak, Nhà thờ Đức bà Cồn Trên, Thánh đường Cù Lao Giêng…

Bánh ha nàm căn có thể ăn vào bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Thực khách có thể thưởng thức vào buổi sáng, làm món tráng miệng sau bữa chính hay thậm chí là ăn chơi lúc xế chiều.

Món ăn đặc sản ở An Giang: Không cầu kỳ trong lối chế biến, song món lẩu mắm sở hữu hương thơm hấp dẫn, vị ngon đậm đà đã thử qua một lần liền nhớ mãi không thôi

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất sơn kỳ thủy tú này - Ảnh 4.

Món ăn chuẩn chỉnh sẽ bao gồm một nồi lẩu mắm đậm đà hòa quyện với các loại thịt và hải sản ngon ngọt, ăn cùng một rổ rau lớn đa dạng hương vị từ cay nồng, hăng hắc đến đăng đắng. (Ảnh: MiA)

Nồi lẩu mắm An Giang thường sẽ bao gồm chả cá thác lác nhồi ớt, các loại thịt, hải sản, khi ăn bỏ vào rau muống, bông bí, kèo nèo, bắp chuối... và xắt thêm ớt và hành lá dậy vị, thơm lừng. Nước dùng đậm đà hương vị của mắm cá kết hợp với topping đa dạng và bún dai dai mang đến người thưởng thức trải nghiệm ẩm thực đặc sắc, khó quên. Thực khách có thể pha thêm chút nước mắm me chua ngọt hay mắm ớt cay cay để gia tăng vị ngon của món ăn miền sông nước.

Không chỉ tốt cho sức khỏe, món ăn được làm từ các loại mắm cá kết hợp cùng thịt và hải sản này còn sở hữu hương thơm nồng đượm, vị ngon đậm đà cực kỳ hấp dẫn. Có thể nói, món lẩu là tinh hoa ẩm thực thể hiện rõ nhất nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất được thiên nhiên ban tặng tôm cá đầy sông, cây trái trĩu cành cùng con người miền Tây có bản tính phúc hậu, hiền lành này. Đã thưởng thức Lẩu mắm An Giang một lần, bạn chắc chắn sẽ yêu thích ngay hương vị độc đáo, khó cưỡng của món ăn miền sông nước.

Món ăn đặc sản ở An Giang: Thưởng thức bánh xèo Núi Cấm đơn sơ mà đặc biệt thơm ngon

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất sơn kỳ thủy tú này - Ảnh 5.

Bánh có lớp vỏ vàng ươm, giòn rụm, bên trong là đậu xanh và nhân tôm, thịt. (Ảnh: MiA)

Không ai rõ bánh xèo Núi Cấm An Giang có từ bao giờ, chỉ biết món ngon có hương vị rất khác lạ và độc đáo so với bánh xèo đồng bằng. Món ăn đặc sản là sự kết hợp giữa chiếc bánh làm bằng chảo nóng phát ra âm thanh xèo xèo và nhiều loại rau rừng như càng cua, cải trời, kim thất, đinh lăng, mã đề, lá lốt, hồng ngọc, cát lồi... Bột bánh xèo Núi Cấm được ngâm và xay từ gạo lúa Sóc nên không nhão hay bị khô, trái lại trộn với nước cốt dừa còn mang đến hỗn hợp thơm lừng.

Cùng với tay nghề nhiều năm kinh nghiệm của người bản địa, khi tráng bìa bánh màu vàng ươm có độ mỏng vô cùng hoàn hảo, bên trong là lớp nhân đậu xanh và mấy con tép tươi ngon được bắt từ sông Mekong. Chờ lửa vừa, đầu bếp sẽ gấp đôi bánh rồi để lửa đều các mặt tới khi giòn rụm. Nhờ vào nguồn nguyên liệu dân dã nhưng không kém phần chất lượng mà món ăn mộc mạc, bình dị này khiến du khách gần xa không khỏi xuýt xoa trước hương vị đặc biệt thơm ngon.

Nếu gạo lúa Sóc được ngâm và xay thành bột bằng cối đá rồi pha với nước cốt dừa để đổ bánh mang tới hương vị thơm ngon, béo ngậy thì rau xanh ăn kèm lại giúp món bánh sở hữu vị cay ngọt, hăng hắc đầy lôi cuốn cùng hương thơm nồng nàn. Xé miếng bánh để vào lòng bàn tay, cuộn tròn với các loại rau tùy thích rồi chấm cùng nước mắm pha chua ngọt và thưởng thức, thực khách chắc chắn sẽ cảm nhận được ngay tinh túy của món ăn đơn sơ, gần gũi này. Nào chất bột, chất đạm, chất xơ... tất cả hòa quyện đan xen mang tới hương vị hài hòa đặc biệt lôi cuốn.

Món ăn đặc sản ở An Giang: Lía Tân Châu xào tỏi dân dã, lạ miệng chiếm trọn trái tim các "tín đồ ẩm thực"

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất sơn kỳ thủy tú này - Ảnh 6.

Hương vị đồng quê dân dã của lía Tân Châu cộng hưởng với hương thơm phảng phất của rau quế khiến mọi người càng không thể cưỡng lại. (Ảnh: MiA)

Lía Tân Châu có hình dạng tương đối giống với con hến. Đây là loài hải sản thường sống ở các vùng nước lợ cửa sông. Lía có vỏ ngoài bao bọc cứng. Tuy nhiên, so với hến, lía có vỏ mỏng hơn. Kích thước của lía chỉ lớn hơn đầu ngón tay người trưởng thành một chút. Vỏ của lía đa phần là hình bầu dục. Tuy nhiên, một vài con đặc biệt hơn lại có hình tam giác, hình tròn.

Lía Tân Châu là đặc sản xuất phát từ đồng bào dân tộc Chăm. Tuy nhiên, cách chế biến của người dân xứ lụa Tân Châu lại khiến mọi người cảm giác gần gũi với hương vị Việt Nam hơn. Đặc biệt, món lía xào tỏi để lại ấn tượng sâu sắc từ học sinh, người lớn, các cụ ông cụ bà hay thậm chí là thực khách từ phương xa đến.

Để thưởng thức lía Tân Châu xào tỏi một cách trọn vị hơn chắc chắn không thể không nhắc đến nước chấm. Nước chấm để ăn với lía xào tỏi phải đặc kẹo một tí. Tất cả các nguyên liệu như đường, me chua, nước mắm, chanh phải hòa quyện với nhau một cách vừa phải. Nước mắm chấm phải đạt đến vị ngọt thanh, chua vừa phải của me và chanh. Tuy nhiên, dù là vị gì cũng phải được nêm vừa phải chứ không được át mùi của nước mắm.

Các thực khách cần lấy từng con lía đưa vào chén nước chấm rồi đưa vào miệng. Hương vị đồng quê dân dã cộng hưởng với hương thơm phảng phất của rau quế khiến mọi người càng không thể cưỡng lại. Đối với những ai đã từng đặt chân đến An Giang, dù là hương vị ngọt thanh, béo vừa phải của bánh bò thốt nốt có quyến rũ đến đâu thì đặc sản lía Tân Châu vẫn chưa một lần khiến mọi người phải thất vọng.

Món ăn đặc sản ở An Giang: Thử ngay bánh canh Khmer với hương vị độc đáo đầy cuốn hút

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất sơn kỳ thủy tú này - Ảnh 7.

Tô bánh canh Khmer nóng hôi hổi, đầy ắp nhân và trên hết là đặc biệt thơm ngon, khó cưỡng. (Ảnh: MiA)

Nhìn chung, bánh canh Khmer nổi tiếng xứ thốt nốt An Giang là sự kết hợp hoàn hảo giữa sợi bánh, nước dùng và thành phần nhân. Không giống sợi bánh tròn to thông thường, bánh canh Vĩnh Trung làm từ gạo Neang Nhen có sợi dẹt nhỏ, đầy lẳn và trắng nõn, khi thưởng thức dai mềm, trơn tuột rất lạ miệng. Nước lèo được ninh chắt từ các loại xương như xương heo, xương gà, ngoài ra còn có cá đồng và tôm nên chan vào tô bánh canh đặc biệt thanh ngọt, thơm ngon. Thành phần nhân của món ăn đặc sản thường bao gồm khoanh giò heo, bò viên, cá lóc, tôm... dùng kèm với rau giá. Hấp dẫn nhất phải kể đến viên bò lớn được cắt làm đôi, bên trong có màu nâu hồng của thịt vừa chín tới, ăn vào cảm giác như thịt bò xay nhuyễn chứ không xốp như viên thịt trộn phụ gia.

Sợi bánh trụng sơ qua nước sẽ được đầu bếp để trong tô, thêm vào trên mặt là giò heo, bò viên, miếng cá lóc rồi chan ngập nước dùng trong vắt ngon từ thịt, ngọt từ xương đã nêm nếm tròn vị. Tín đồ khám phá chỉ cần rắc thêm nhúm hành ngò phi thơm lừng tùy theo sở thích và pha chén nước mắm ớt chưng để chấm topping là đã có thể thưởng thức trọn vẹn món ăn. Vị ngon hòa quyện giữa sợi bánh lạ miệng, nước lèo thanh ngọt, đậm đà cùng đa dạng topping kèm theo rau chắc chắn sẽ mang đến trải nghiệm thưởng thức vô cùng đặc sắc.

Món ăn đặc sản ở An Giang: Xôi phồng ăn cùng với gà quay hứa hẹn sẽ khiến thực khách mê mẩn với hương vị đặc biệt lôi cuốn

Độc lạ món bánh có vị cay, ngọt, hăng hắc nhưng ngon thơm, bùi bùi ở vùng đất sơn kỳ thủy tú này - Ảnh 8.

Ngon nhất là ăn kèm xôi với gà quay thả vườn tạo nên trải nghiệm ẩm thực hòa quyện đan xen có hương thơm của nếp, bùi bùi của nước cốt dừa và đậm đà gia vị của gà quay dai ngon đã qua tẩm ướp. (Ảnh: MiA)

Nguyên liệu chính để chế biến món xôi phồng An Giang là gạo nếp thơm Chợ Mới và đậu xanh trồng trên đất rẫy thuộc vùng đất đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ.

Thành phẩm vừa chiên xong bày ra đĩa là món xôi có hình dáng như quả bóng tròn vàng ươm rất lạ mắt. Để dễ ăn, người bản địa sẽ cắt thành những miếng mỏng và chấm với tương ớt hoặc xì dầu. Xôi phồng An Giang khi thưởng thức có lớp vỏ giòn rụm, tan trên đầu lưỡi, hương thơm đậu xanh đặc trưng hòa quyện độc đáo cùng vị nước cốt dừa béo ngậy mang đến trải nghiệm ẩm thực đặc biệt hấp dẫn. Chuẩn bài nhất, mọi người nên dùng chung xôi với món gà quay thủ công được chế biến từ gà nuôi thả trong vườn. Còn gì bằng cắn một miếng xôi vàng giòn lại ăn thêm miếng thịt gà dai, ngon có mùi thơm và hương vị qua tẩm ướp đậm đà.

Có thể nói cùng với những món đặc sản như cơm Nị Cà Púa An Giang, bánh xèo Núi Cấm, bò cạp Bảy Núi,... xôi phồng chắc chắn sẽ để lại trong lòng các "tín đồ ẩm thực" bữa tiệc vị giác đặc biệt khó quên.