Dân Việt

Vì sao Ngô Tam Quế hạ lệnh thắt cổ hoàng đế người Hán cuối cùng của Trung Hoa?

Nhật Minh 06/11/2024 14:33 GMT+7
Kể từ khi mở cửa biên giới đón quân Thanh vào Trung Nguyên, Ngô Tam Quế luôn lo ngại triều đình không tin tưởng mình. Cơ hội thăng tiến đến khi Tam Quế bắt được hoàng đế nhà Nam Minh cuối cùng, người khi đó đang tị nạn ở Myanmar.

Vì sao Ngô Tam Quế hạ lệnh thắt cổ hoàng đế người Hán cuối cùng của Trung Hoa?

Vì sao Ngô Tam Quế hạ lệnh thắt cổ hoàng đế người Hán cuối cùng của Trung Hoa? - Ảnh 1.

Vĩnh Lịch Đế Chu Do Lang là hoàng đế người Hán cuối cùng ở Trung Hoa.

Sau khi giúp nhà Thanh kiểm soát miền bắc Trung Quốc, Ngô Tam Quế trở thành một trong những công thần đầu triều Thanh.

Ở phía nam, một bộ phận hoàng tộc nhà Minh cùng các quan lại trung thành với triều Minh lập ra nhà Nam Minh (1644 - 1662). Sự tồn tại của Nam Minh ít khi được nhắc đến trong lịch sử.

Nhà Nam Minh thành lập ngay sau khi kinh đô Bắc Kinh bị Lý Tự Thành chiếm năm 1644. Tàn quân Minh tập hợp ở Nam Kinh, kinh đô thứ hai nhà Minh nằm ở phía nam sông Hoài, một con sông chảy vào sông Dương Tử.

Ngọn cờ "phản Thanh phục Minh" được hưởng ứng khá mạnh mẽ ở miền nam Trung Quốc nhưng mâu thuẫn nội bộ khiến triều đình nhà Nam Minh không có đối sách hiệu quả chống quân Thanh.

Lần lượt Chu Do Tung - cháu nội của hoàng đế Minh Thần Tông, Chu Duật Kiện và Chu Dĩ Hải, hậu duệ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế nhưng đều bị quân Thanh đánh bại.

Chỉ có Minh Chiêu Tông Chu Do Lang là nắm quyền lâu nhất. Ông là hoàng đế nhà Nam Minh từ năm 1646 - 1662 và cũng là hoàng đế cuối cùng của triều đại.

Trong khi đó, Ngô Tam Quế sau khi giúp nhà Thanh kiểm soát Trung Nguyên, được phong làm Bình Tây Vương. Nhưng Ngô Tam Quế vẫn luôn lo ngại triều đình không tin tưởng mình.

Năm 1648, nhà Thanh vừa điều động binh lực giao tranh với quân Nam Minh, vừa vất vả đối phó các cuộc nổi loạn chống triều đình của tướng người Hán.

Cuộc nổi loạn của các tướng lĩnh người Hán đã gây chấn động, dẫn đến việc thúc đẩy chiến lược "dùng người Hán trị người Hán". Lúc này, Ngô Tam Quế lại được cất nhắc.

Triều đình nhà Thanh ra lệnh cho Ngô Tam Quế đưa quân về phía tây, đồn trú ở Hán Trung cùng lực lượng chủ lực của đội quân Bát Kỳ nổi tiếng.

Vì sao Ngô Tam Quế hạ lệnh thắt cổ hoàng đế người Hán cuối cùng của Trung Hoa? - Ảnh 2.

Ngô Tam Quế là một người cơ hội, luôn tìm cách để thâu tóm quyền lực.

Chỉ trong vòng một năm, Ngô Tam Quế đã đánh bại các cuộc nổi loạn ở Thiểm Tây, ổn định tình hình vùng tây bắc. Công lao này giúp Ngô Tam Quế thăng tiến nhanh chóng.

Năm 1652, quân phản loạn Đại Tây, kiểm soát phía tây Trung Hoa, trở thành lực lượng chính nổi loạn chống nhà Thanh. Lực lượng này cũng liên kết với nhà Nam Minh của hoàng đế Chu Do Lang.

Tình hình của quân Thanh trở nên khó khăn hơn sau cái chết của các tướng Khổng Hữu Đức và Ni Khảm. Quân Đại Tây của tướng Lý Định Quốc và Lưu Văn Tú nhân cơ hội này tiến vào tỉnh Tứ Xuyên.

Triều đình nhà Thanh sau đó điều Ngô Tam Quế đi đàn áp quân phản loạn Đại Tây. Ngô Tam Quế chống phản loạn nhưng bị tướng Lý Quốc Hàn, cố vấn của triều đình nhà Thanh giám sát chặt chẽ. Chỉ đến khi Lý Quốc Hàn qua đời, Ngô Tam Quế mới có thể tiếp tục xây dựng binh lực riêng.

Vào lúc Lý Định Quốc liên tiếp giết được 2 vương công nhà Thanh, chiếm lại ngàn dặm đất, chủ tướng của liên quân Nam Minh – Đại Tây là Tôn Khả Vọng thay vì thừa thắng xuất binh, đánh đuổi ngoại xâm, lại sinh lòng đố kỵ, lo sợ Định Quốc công cao lấn chủ. Ông ta tự ý phong Lý Định Quốc làm Tây Ninh vương. Định Quốc nói: "Phong thưởng là do thiên tử, nay là vương phong vương, nghĩa là sao?" rồi từ chối nhận phong. Tôn Khả Vọng tìm cách triệt hạ Lý Định Quốc.

Lý Định Quốc biết mưu đồ ám hại nên rất thất vọng, rút quân về giữ Quảng Tây, để mặc Tôn Khả Vọng chống quân Thanh. Định Quốc lui quân không lâu, quân Thanh phản công, Khả Vọng thảm bại.

Năm 1656, Lý Định Quốc đến đón Minh Chiêu Tông Chu Do Lang về Côn Minh, sau khi các cuộc kháng chiến chống quân Thanh liên tiếp thất bại. Nhờ có công hộ giá, ông được phong làm Tấn Vương.

Trong khi đó, Tôn Khả Vọng đem quân đánh Côn Minh nhằm đòi lại hoàng đế nhưng thất bại, quay sang đầu hàng triều Thanh, được phong làm Nghĩa vương, được đãi ngộ rất trọng hậu nên đem hết thông tin địa hình sông núi, quân sự của hai tỉnh Quý Châu và Vân Nam, hai địa bàn mà nhà Nam Minh còn kiểm soát, cho triều Thanh.

Năm 1657, quân Thanh công kích dữ dội, lợi dụng địa vị và ảnh hưởng của Khả Vọng, khiến cho quân Nam Minh ở Quý Châu thất bại.

Vì sao Ngô Tam Quế hạ lệnh thắt cổ hoàng đế người Hán cuối cùng của Trung Hoa? - Ảnh 3.

Vĩnh Lịch Đế chống đỡ quân Thanh rồi chạy sang Myanmar.

3 năm sau, quân Thanh mở chiến dịch quyết định kiểm soát Vân Nam và cơ bản đã thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, triều đình nhà Thanh vẫn phải đối mặt với một số mối đe dọa quân sự và chính trị nghiêm trọng. Hoàng đế Nam Minh là Chu Do Lang và tướng Lý Định Quốc đã chạy sang Myanmar lánh nạn, qua đó vẫn duy trì ảnh hưởng xuyên biên giới.

Quân đội Bát Kỳ hùng mạnh của nhà Thanh không thuận tiện để đồn trú ở vùng biên cương như Vân Nam, nơi cách xa kinh đô ngàn dặm. Nhà Thanh miễn cưỡng đồng ý để Ngô Tam Quế phụ trách ổn định tình hình vùng Tây Nam vì dùng "người Hán trị người Hán" sẽ tốt hơn.

Phóng đại mối đe dọa từ Vĩnh Lịch Đế Chu Do Lang và Lý Định Quốc, Ngô Tam Quế đề nghị triều Thanh cho phép đưa quân sang Myanmar. Triều đình sau đó tán thành với điều kiện chỉ dùng binh lực địa phương.

Ở Myanmar, vua Pindale Min bày tỏ sự hoan nghênh, cho phép Chu Do Lang và đoàn tùy tùng tị nạn trong lãnh thổ. Điều này khiến một bộ phận quý tộc ở Myanmar không đồng tình vì lo ngại leo thang căng thẳng với triều Thanh.

Tháng 6/1661, em trai vua Pindale, Pye Min phát động cuộc đảo chính giành chính quyền. Không lâu sau, Pye Min mời Chu Do Lang và tùy tùng tới dự tiệc ở thành phố Sagaing. Chu Do Lang nghĩ Pye Min tìm cách giết mình nên đã phát động binh biến. Quân Myanmar khi đó đã sở hữu pháo nhập khẩu từ Bồ Đào Nha, đánh tan lực lượng của Chu Do Lang.

Chu Do Lang bị người Myanmar giam lỏng, đành sai người tìm Lý Định Quốc để đưa mình rời khỏi quốc gia này. Định Quốc xem chiếu mà đau xót, than rằng: "Đại Minh hết rồi". Lý Định Quốc sau đó không làm theo mà vẫn án binh bất động ở sát biên giới. Định Quốc hiểu rằng, nếu quay về Vân Nam thì sớm muộn hoàng đế cũng bị Ngô Tam Quế bắt.

Vì sao Ngô Tam Quế hạ lệnh thắt cổ hoàng đế người Hán cuối cùng của Trung Hoa? - Ảnh 4.

Bia tưởng niệm nơi Vĩnh Lịch Đế bị Ngô Tam Quế hạ lệnh thắt cổ chết.

Tháng 12/1661, đại quân của Ngô Tam Quế toan vượt biên giới tấn công Myanmar. Sau nhiều tháng đàm phán, vua Pye Min đồng ý giao nộp Chu Do Lang. Tất cả những tùy tùng khác của Vĩnh Lịch Đế đều bị giết.

Minh sử chép, Chu Do Lang khi đó vẫn nghĩ mình được gặp lại tướng Lý Định Quốc. Chỉ khi đến nơi mới biết người mình sắp gặp là Ngô Tam Quế.

Ngô Tam Quế đưa Chu Do Lang tới thành Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Tại đây, vị vua người Hán cuối cùng của Trung Hoa bị thắt cổ chết tại một ngôi miếu nhỏ. Lý Định Quốc biết tin thì vô cùng đau lòng, cuối cùng sinh bệnh mà mất vào ngày 21/7/1662.

Theo trang mạng Trung Quốc Sohu, nguyên nhân tại sao Ngô Tam Quế lại làm như vậy rất đơn giản.

Ngô Tam Quế dù được triều Thanh phong vương nhưng hiểu rõ triều đình vẫn luôn nghi ngờ mình. Bằng chứng là ông luôn là sự lựa chọn bất đắc dĩ để giải quyết các cuộc nổi loạn. Khi thống lĩnh đại quân dẹp loạn, Ngô Tam Quế vẫn bị tướng nhà Thanh giám sát chặt chẽ. Việc bắt được Vĩnh Lịch Đế Chu Do Lang đã trở thành cơ hội để Ngô Tam Quế chứng tỏ lòng trung thành.

Chu Do Lang không chỉ là hoàng đế cuối cùng của nhà Nam Minh mà còn là hoàng đế người Hán cuối cùng. Vào thời điểm đó, triều đình nhà Thanh thực hiện chính sách cạo đầu và thay y phục theo kiểu người Mãn. Chính sách này không được lòng dân còn Chu Do Lang lại là niềm hi vọng cuối cùng của người dân.

Nóng lòng muốn lập công, Ngô Tam Quế toan chém đầu Chu Do Lang nhưng bị ngăn cản. "Dù gì người đó cũng là hoàng đế, không nên sỉ nhục như vậy. Hãy để người ta được chết toàn thây", một tướng Mãn Thanh nói với Ngô Tam Quế.

Theo dân gian truyền lại, Chu Do Lang đã có thái độ khinh thường Ngô Tam Quế trong những phút cuối đời, nói rằng Ngô Tam Quế đã phản bội người dân và triều đình nhà Minh. Chu Do Lang còn nói muốn được chết nhanh chóng để "không phải nhìn thấy khuôn mặt của kẻ phản bội".

Nhờ công chấm dứt cơ nghiệp nhà Minh, Ngô Tam Quế được triều đình nhà Thanh cho phép tự quản lý tỉnh Vân Nam, Quý Châu và các khu vực lân cận.

Đối với Ngô Tam Quế, sát hại hoàng đế nhà Nam Minh cuối cùng giống như mũi tên trúng hai đích. Lần đầu tiên Ngô Tam Quế được phép cai quản lãnh thổ riêng và tạm thời không còn phải lo lắng chuyện triều đình không tin tưởng mình nữa.