Dân Việt

Cả người "lột da" sau khi uống thuốc chữa nhiệt miệng

Diệu Linh 05/11/2024 06:06 GMT+7
Chỉ 2 ngày sau khi uống thuốc nhiệt miệng, bệnh nhân bị sốt cao, cơ thể nhiều chỗ phồng rộp, trợt loét từng mảng da lớn.

Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết, gần đây, khoa Da liễu – Miễn dịch dị ứng lâm sàng của bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng thuốc sau dùng các loại thuốc điều trị bệnh. 

Trong đó, có 2 trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc nặng thể Steven Johnson/ TEN hay còn gọi là Hoại tử thượng bì nhiễm độc sau dùng thuốc. Đây là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, đặc trưng bởi tinh trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.

Bệnh nhân thứ nhất là ông N.V.Đ, 60 tuổi, quê quán huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Trước đó, bệnh nhân bị nhiệt miệng và có mua thuốc điều trị nhiệt miệng tại hiệu thuốc. Sau 2 ngày uống thuốc, bệnh nhân vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh cấp cứu trong tình trạng sốt cao, kèm xuất hiện bọng nước lớn lòng bàn chân 2 bên, trợt loét, hoá mủ niêm mạc miệng sinh dục, đau rát nhiều. Sau khi các bọng nước vỡ, cơ thể bị trợt loét, da bong chóc từng mảng lớn. 

Sau khi nhập viện khoa Da liễu – Miễn dịch dị ứng lâm sàng, được các y, bác sĩ điều trị tích cực, bệnh nhân tiến triển tốt, các tổn thương khô, hết chảy dịch, bong vảy lên da non, ăn ngủ tốt, bệnh nhân có thể ra viện sau gần 20 ngày điều trị.

Cả người "lột da" sau khi uống thuốc chữa dị ứng - Ảnh 1.

Hình ảnh da bị tổn thương và bong chóc toàn thân do dị ứng thuốc chữa dị ứng của bệnh nhân N.V.Đ. Ảnh BVCC

Bệnh nhân thứ 2 là ông N.V.V, 61 tuổi, quê quán huyện Quế Võ, sau khi bệnh nhân thăm khám phòng khám tư nhân được chẩn đoán đái tháo đường và gout. Sau dùng thuốc được 2, 3 ngày thì bệnh nhân xuất hiện tổn thương da là các dát đỏ vùng cổ ngực, kèm theo trợt loét niêm mạc miệng, sinh dục. Bệnh nhân ngay lập tức dừng thuốc và đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh thăm khám. 

Nhận định đây là trường hợp dị ứng thuốc nặng, bệnh nhân được nhập viện điều trị tại khoa Da liễu – Miễn dịch dị ứng lâm sàng. Một ngày sau khi nhập viện, bệnh tiến triển nặng hơn, xuất hiện các bọng nước bàn chân, bàn tay kèm mụn mủ và trợt da, rỉ dịch vùng ngực, lưng.

Sau hơn 20 ngày điều trị tích cực tại khoa, thương tổn da bệnh nhân hết chảy rỉ dịch, khô và lên da non, tổn thương niêm mạc lành, tình trạng ổn định.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Túy Tình, Trưởng khoa Da liễu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh), các thuốc thường gây ra dị ứng thể hoại tử thượng bì nhiễm độc bao gồm: allopurrinol (thuốc điều trị bệnh Gout), thuốc chống co giật nhân thơm, các loại thuốc kháng sinh, lamotrigine (thuốc chống động kinh), thuốc hạ sốt giảm đau không steroid nhóm dẫn xuất oxicam. 

"Các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc. 

Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng", bác sĩ Tình nhấn mạnh. 

Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, bác sĩ Tình cũng khuyến cáo, người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. 

Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như: Khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước ....nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.