Bầu cử Mỹ 2024 với hai ứng cử viên là bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang "nóng chưa từng có" khi bước vào cuộc bỏ phiếu lịch sử ngày 5/11, trước khi kết quả chính thức được công bố tại phiên họp Quốc hội vào ngày 6/1/2025. Đây là sự kiện quan trọng diễn ra 4 năm một lần để chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kết quả bầu cử có thể mang đến những thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng không chỉ tới nền kinh tế Mỹ mà còn lan tỏa ra toàn cầu.
Tổng thống và đội ngũ của họ có thể đưa ra các chính sách mới liên quan đến thuế, chi tiêu công, quy định kinh doanh, thương mại,... Những quyết định này có thể tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động, lạm phát, diễn biến thị trường tài chính thế giới, cũng như ảnh hưởng một phần đến chính sách điều hành tại nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, chia sẻ với Dân Việt rằng, theo cá nhân ông nếu bà Harris đắc cử, kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và hưởng lợi hơn, vì các chính sách kinh tế của ông Trump có thể gây xáo trộn và bất ổn cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Chính sách của Đảng Dân chủ đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, giúp Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn so với các chính sách của ông Trump, khi ông ít quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Việt Nam," ông Ngọc nhận xét.
Về ngoại giao, bà Harris ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế. Trong thương mại, bà cam kết không dung thứ cho các hoạt động thương mại không công bằng. Trong khi đó, ông Trump đã đề cập đến việc áp thuế nhập khẩu 60% hoặc cao hơn với hàng hóa từ Trung Quốc và 10-20% với hàng từ các quốc gia khác. Đặc biệt, về chính sách tiền tệ, ông Trump có quan điểm sử dụng thuế nhập khẩu để yêu cầu các quốc gia duy trì dự trữ USD và cũng có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đồng tình, các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank nhận định, chính sách của bà Kamala Harris có xu hướng ôn hòa hơn, duy trì hợp tác quốc tế và ưu tiên cho tầng lớp trung lưu. Nhờ đó, các ngành xuất khẩu của Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự ủng hộ của Đảng Dân chủ đối với thương mại đa phương.
Ngược lại, ông Trump chú trọng bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước và khuyến khích đầu tư vào sản xuất nội địa. Điều này có thể bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu và giảm thuế doanh nghiệp để thu hút FDI về Mỹ, đồng thời có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ của Fed, ảnh hưởng đến các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, FDI, và tỷ giá của Việt Nam.
Về xuất khẩu, Việt Nam chịu tác động hai chiều từ chính sách của ông Trump. Chính sách tăng thuế nhập khẩu 10-20% đối với tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Bên cạnh đó, các cuộc điều tra về nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ gia tăng, gây áp lực chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoảng trống thị phần do hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ và giành thị phần.
Về dòng vốn đầu tư, chính sách của ông Trump có thể thúc đẩy dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong khi đó, lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh đồng USD và chính sách tiền tệ của Mỹ.
Trong tháng 10, khi tỷ lệ dự báo ông Trump đắc cử tăng lên, chỉ số DXY – đại diện cho sức mạnh USD – đã tăng 3,3%, trong khi giá vàng tương lai tăng 5,5%, đạt nhiều đỉnh mới. Đây là tín hiệu cho thấy nhà đầu tư có thể điều chỉnh kỳ vọng về lãi suất, đồng thời các dự báo về lộ trình cắt giảm lãi suất năm 2025 cũng có thể thay đổi.
Dù không khẳng định rằng việc ông Trump hay bà Harris thắng cử sẽ có lợi hơn cho Việt Nam, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu MBS, chia sẻ với Dân Việt rằng thống kê của MBS cho thấy, dù ông Trump có xu hướng bảo hộ thương mại và ưu tiên nước Mỹ trên hết, một số chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam trong nhiệm kỳ của ông vẫn đạt kết quả tích cực. Đơn cử như: Xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng trung bình trên 15% mỗi năm, có những năm đạt tới 20% hoặc cao hơn. Các vụ kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam vẫn diễn ra nhưng ít hơn so với các nhiệm kỳ của các Tổng thống khác.
Thống kê cũng cho thấy từ năm 2018, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm đáng kể, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, và Hàn Quốc tăng mạnh. Điều này cho thấy, mặc dù ông Trump ưu tiên bảo hộ thương mại, Việt Nam vẫn hưởng lợi từ chính sách cứng rắn của ông đối với hàng hóa Trung Quốc. Hiện nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, chỉ cần tăng một vài phần trăm thị phần đã giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cải thiện đáng kể.
"Nếu ông Trump tiếp tục thắng cử và Mỹ áp đặt thuế 60% đối với Trung Quốc, Việt Nam có thể gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ, nhờ lợi thế về các mặt hàng mà Mỹ đã áp thuế với Trung Quốc, dựa trên chiến lược ''Trung Quốc +1" của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản khu Công nghiệp có thể hưởng lợi nhờ làn sóng chuyển nhà máy tiếp tục tăng mạnh theo dòng vốn FDI. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác có mức thuế thấp hơn hoặc không có thuế nhập khẩu như các nước Đông Á hoặc Đông Nam Á để xử lý hàng tồn kho. Đây là động thái sẽ tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ lên các nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể chuẩn bị một kịch bản phá giá đồng Nhân dân tệ, điều đó có thể gây bất lợi khi tạo áp lực và thúc đẩy tỷ giá của Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD có thể tăng giá", theo VPBanks.
Về chính sách tiền tệ, dẫn nghiên cứu của MBS, bà Hiền cho biết, thời điểm ông Trump nắm quyền, đồng USD duy trì sức mạnh ổn định. Lãi suất điều hành của Fed khi đó khoảng 2,5-3%, trong khi chỉ số USD Index dao động quanh mức 90 điểm, cho thấy đồng USD ở vị thế rất mạnh. Tỷ giá VND của Việt Nam giai đoạn đó giảm trung bình khoảng 3% mỗi năm.
"Hiện tại, khi Mỹ đang trong xu hướng cắt giảm lãi suất, giá trị đồng USD có thể giảm nhẹ, nhưng không đáng kể. Nếu ông Trump tái đắc cử, VND vẫn sẽ giảm so với USD, nhưng ở mức ổn định hơn. Việc tỷ giá ổn định, sẽ dễ dự báo cho doanh nghiệp đi vay, cho vay và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, sự mất giá đột biến như năm 2024 có thể tạo áp lực lớn và vượt ngoài tầm kiểm soát của các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Đó cũng là một tín hiệu tích cực", bà Hiền nói.
Đối với thị trường chứng khoán, các nhà phân tích cho biết dữ liệu từ 6 kỳ bầu cử Mỹ gần nhất cho thấy VN-Index tăng trung bình 28,62% sau 6 tháng, với 5/6 lần tăng điểm. Hiệu suất bình quân của VN-Index sau 6 tháng qua các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ là +28,62%. Nếu loại bỏ năm 2000 khi thị trường còn sơ khai, tỷ suất bình quân là +11,92%.