"Đội chống cát tặc" thôn Trung Yên
Những đêm đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để cùng tham gia với "Đội chống cát tặc".
Khúc sông chúng tôi đứng rộng chừng 200m, nằm giữa cầu phao và cầu Thạch Hãn đang xây dựng. Ánh điện từ 2 cây cầu giúp chúng tôi lờ mờ nhìn thấy những con tàu nổ máy trong đêm. Cách chỗ chúng tôi đứng khoảng 1km là ngã ba Gia Độ, tiếng máy của những con tàu hút cát vang lên ầm ầm giữa đêm khuya. Những con tàu lớn chạy qua, một vài phút sau, sóng nước đánh vào bờ rào rào như ở biển.
Người dân cho biết, có thời điểm, chỉ trên một khúc sông ngắn 700m qua thôn Trung Yên có đến 17 tàu khai thác cát trái phép hoạt động rầm rộ. Chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ thấy khủng cảnh huyên náo đến nhường nào.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Khiên (SN 1975, trú thôn Trung Yên) cho biết, bản thân anh làm nghề cơ điện của một công ty gạch ngói ở Quảng Trị.
Trước tình trạng cát tặc hoành hành, đầu tháng 10/2024, thôn Trung Yên họp, thống nhất thành lập Đội trật tự thôn Trung Yên, anh Khiên được bầu làm đội trưởng.
Trên tinh thần tự nguyện, hơn 20 thành viên của Đội trật tự thôn Trung Yên có nhiệm vụ chính là cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai, bão lũ và bảo vệ an ninh trật tự thôn. Vấn đề nổi cộm được người dân thôn quan tâm nhất là chống cát tặc trên sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Trung Yên.
Chính vì vậy, Đội trật tự thôn Trung Yên còn được nhiều người biết đến với cái tên "Đội chống cát tặc" thôn Trung Yên.
Anh Khiên cho biết, sông Thạch Hãn qua thôn Trung Yên rộng và sâu thẳm, nguy hiểm như hiện nay nguyên nhân chính do cát tặc gây ra. Hậu quả cát tặc khiến sạt lở đất nghiêm trọng, có nơi sạt lở hàng chục mét đất, nhiều gia đình phải chuyển nhà đi nơi khác sinh sống. Để chống sạt lở đất, chính quyền địa phương xây dựng tuyến kè đá qua thôn Trung Yên. Thế nhưng, nếu cát tặc vẫn hoạt động thì tuyến kè có nguy cơ sụp đổ xuống sông.
Những thành viên trong "Đội chống cát tặc" thôn Trung Yên có người mới 23 tuổi, có người đã ngoài 60. Họ làm nhiều nghề, từ cơ khí, thợ xây, bán hàng… nhưng đều có điểm chung là con nhà nông chính hiệu. Họ chia làm 2 nhóm để trực ngày chẵn, lẻ, từ 22h đến 4h hôm sau. Khi phát hiện cát tặc, họ pha đèn pin và phát loa cầm tay để xua đuổi. Đa số cát tặc bị xua đuổi sẽ rời đi, nhưng cũng có đối tượng thách thức, doạ dẫm. Tuy nhiên, nhờ có số đông thành viên, "Đội chống cát tặc" thôn Trung Yên vẫn đứng vững, không nao núng.
Cần lực lượng chức năng
Anh Khiên cho biết, sau khi đội hoạt động, tình hình cát tặc có giảm nhưng vẫn rất đáng lo. Chỉ cần sơ hở, cát tặc ngay lập tức hoạt động. Với những cỗ máy và vòi hút cỡ lớn, chỉ khoảng 20 phút, cát tặc có thể đưa lên tàu từ 10m3 đến 20m3 cát và "biến đi" nhanh chóng.
Cũng theo anh Khiên, tàu của cát tặc "biến đi" đâu không khó để phát hiện nếu có tàu, thuyền bám theo, hoặc chỉ cần theo dõi tại các bãi thu mua cát dọc bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu.
Ông Nguyễn Văn Huân (SN 1970, trú thôn Trung Yên, làm thuê đóng cọc pha) tâm sự, ban ngày phải làm việc nặng nhọc, tối đến đi trực chống cát tặc nên rất vất vả, ảnh hưởng giấc ngủ, sức khoẻ. Thế nhưng vì bảo vệ quê hương, đất đai hương hoả, ông Huân sẵn sàng. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai" – ông Huân nói.
Yêu và quyết tâm bảo vệ quê hương là vậy, nhưng với chút sức mọn cùng trang thiết bị thô sơ, "Đội chống cát tặc" thôn Trung Yên rất khó để "chiến đấu" lâu dài, đặc biệt vào mùa mưa lạnh. "Đội chống cát tặc" thôn Trung Yên hi vọng họ sẽ không đơn độc trong cuộc chiến chống cát tặc để bảo vệ dòng sông thiêng – Thạch Hãn.
Bà Trương Thị Kim Cúc – Chủ tịch UBND xã Triệu Độ đánh giá cao hoạt động của Đội trật tự thôn Trung Yên, trong đó có việc chống cát tặc trên sông Thạch Hãn.
Bà Cúc cho biết, những chiếc tàu hút cát cỡ lớn không biết từ nơi nào, cứ đêm khuya lại nổ máy hoạt động rầm rộ trên sông Thạch Hãn, đoạn qua xã Triệu Độ.
Khi lực lượng chức năng có mặt, cát tặc nhanh chóng chạy sang bên kia sông, thuộc địa bàn thành phố Đông Hà, khiến lực lượng chức năng huyện Triệu Phong không thể xử lý.
Cũng theo bà Cúc, khu vực ngã ba Gia Độ là nơi cát tặc hoành hành nhiều nhất. Đây là nơi giao nhau giữa sông Hiếu và sông Thạch Hãn, tiếp giáp giữa huyện Triệu Phong, Gio Linh và thành phố Đông Hà. Khi "có biến" ở huyện này, cát tặc sẽ di chuyển tàu sang địa giới hành chính huyện kia để lảnh tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng.
Có trường hợp tinh vi hơn sẽ neo đậu tàu ở khu vực xã Gio Mai, huyện Gio Linh, nhưng thả vòi hút cát ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, hoặc ngược lại. Hậu quả cát tặc gây ra sạt lở các tuyến đê, kè, đất đai, nhà cửa của người dân.
Tại các kỳ họp HĐND huyện Triệu Phong, bà Cúc đã kiến nghị giải quyết dứt điểm nạn cát tặc trên sông Thạch Hãn, nhưng mọi việc không có gì thay đổi, cát tặc vẫn hoành hành rất nhiều.
Theo bà Cúc, để ngăn chặn nạn cát tặc, ngoài sự nỗ lực của người dân, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng, trong đó có công an tỉnh Quảng Trị.