Ngày 15/11 tới, Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói sẽ được tổ chức tại Hà Nội nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp về Luật Đất đai 2024 và chính sách về đất.
Sau hơn 3 tháng Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, dư luận đang hướng sự quan tâm đến việc triển khai các quy định mới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đất đai.
Nông dân, hợp tác xã, chuyên gia và doanh nghiệp đang có nhiều kỳ vọng và mong muốn có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
Trước thềm diễn đàn, đại diện từ các doanh nghiệp như Tập đoàn Bcons, Đất Xanh, Bất động sản EZ, Tập đoàn G6 đã chia sẻ mong muốn của mình, kỳ vọng về những thay đổi trong Luật Đất đai để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Đất đai 2024 là bỏ khung giá đất và thay vào đó sẽ căn cứ trên mục đích, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào, các yếu tố khác ảnh hưởng... để xác định giá.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property) chia sẻ: Một trong những thách thức lớn hiện nay là vấn đề thu hồi và đền bù đất.
Theo điều 127 Luật Đất đai 2024, trường hợp không do Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư lấy đất để sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ trực tiếp thỏa thuận với người dân về giá chuyển nhượng và hình thức chuyển quyền sử dụng đất.
"Giá đất thực tế trên thị trường luôn cao hơn nhiều so với bảng giá đất của Nhà nước, khiến doanh nghiệp khó lòng đáp ứng mức đền bù mong muốn của người dân. Điều này không chỉ cản trở tiến độ triển khai dự án mà còn gây ra nhiều xung đột tiềm ẩn”, ông Toản cho biết.
Đồng quan điểm, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc cũng ghi nhận việc đền bù giải phóng mặt bằng theo cơ chế tự thỏa thuận rất dễ dồn chủ đầu tư vào thế khó. "Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa giá cao, người dân có thể đòi giá cao hơn nữa. Vì vậy, dù chấp nhận đưa ra giá cao nhưng việc tự thỏa thuận e là vẫn rất khó khăn", ông Quyết nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Quyết, điểm lợi khi 3 luật mới này có hiệu lực là khi doanh nghiệp đền bù giá cao sẽ được ghi nhận phần chi phí thực tế này chứ không còn cảnh không được khấu trừ chi phí như trước.
Chính vì điều này, ông Nguyễn Anh Quê, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn G6 nhận định rằng, thị trường bất động sản thời gian tới chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thực sự.
Không chỉ dừng lại ở việc xác định giá đất, giải phóng mặt bằng, đại diện của Tập đoàn Bcons, Chủ tịch Lê Như Thạch cho biết: “Sự biến động của giá đất gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi lập kế hoạch đầu tư, đồng thời khiến chi phí dự án tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận sản phẩm bất động sản của người dân".
Chính vì vậy, không chỉ doanh nghiệp của ông Thạch mà phần lớn các doanh nghiệp khác cũng mong rằng chính sách đất đai mới sẽ giúp ổn định giá đất để giảm bớt áp lực tài chính.
Doanh nghiệp kỳ vọng rằng các thủ tục tài chính như thuế đất, tiền thuê đất sẽ được đơn giản hóa, giúp giảm thiểu gánh nặng và tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, tập trung vào phát triển sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng.
Luật Đất đai đã có hiệu lực sớm từ 1/8 tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp vẫn thấy rằng Luật chưa hoàn toàn đi vào thực tiễn. Đứng trên cương vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, ông Thạch cho rằng khung Luật Đất đai 2024 căn bản đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, ngoài luật ra thì cần phải thực hiện linh hoạt và quyết liệt từ cơ quan chính quyền địa phương.
Như ông Thạch dẫn chứng, dù đã có Luật Đất đai mới nhưng không ít địa phương vẫn đang dò từng bước để tìm xem luật đang như thế nào chứ chưa mạnh dạn áp dụng luật mạnh mẽ. Việc "dò đường" này cũng từ "bệnh sợ sai" của cơ quan chức năng, bộ máy nhà nước khiến việc hướng dẫn và thực thi luật còn "ậm ờ".
Đứng trên cả cương vị của người nông dân ít có cơ hội được đưa ý kiến trực tiếp tới những lãnh đạo lớn, ông Thạch kỳ vọng luật sẽ sớm được đi vào cuộc sống, chữa được bệnh sợ sai của cơ quan nhà nước để giải nghẽn "ách tắc" về đất đai mà người dân đang gặp phải.