Dân Việt

Quảng Ninh điều chuyển gần 1.200 tỷ đồng từ dự án giải ngân “ì ạch” sang dự án đang thiếu vốn

Thu Lê 06/11/2024 14:10 GMT+7
Vốn giải ngân đầu tư công của Quảng Ninh đến 28/10/2024 mới đạt được gần 5.000 tỷ đồng, tương đương với 35% kế hoạch vốn Hội đồng nhân dân giao đầu năm (hơn 14.280 tỷ đồng), thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (44,6%).

Tiến độ "ì ạch"

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 22 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh đang rất chậm. Tính đến ngày 28/10/2024, tổng Kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh sau điều chỉnh là gần 16.152 tỷ đồng; tăng hơn 1.871 tỷ đồng so với Kế HĐND tỉnh giao đầu năm (hơn 14.280 tỷ đồng).

Trong đó, số vốn đã phân khai chi tiết là gần 16.053 tỷ đồng; vốn chưa phân khai chi tiết chỉ còn hơn 99 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân đến ngày 28/10 mới chỉ đạt 35%, tương đương gần 5.000 tỷ đồng. Tỷ lệ này so với cùng kỳ của năm 2023 là 44,6%.

Trong vòng 3 tháng kể từ 30/6-25/9 toàn tỉnh chỉ giải ngân được 1.046 tỷ đồng, bình quân 348 tỷ đồng/tháng. Trong đó, Chủ đầu tư cấp tỉnh giải ngân bình quân 62 tỷ đồng/tháng; UBND các địa phương là 286 tỷ đồng/tháng.

Quảng Ninh điều chuyển gần 1.200 tỷ đồng từ dự án giải ngân “ì ạch” sang dự án đang thiếu vốn - Ảnh 1.

Dự án tuyến đường ven sông kết nối đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều đoạn từ đường tỉnh 338 đến Đông Triều (Giai đoạn 1) vẫn đang rất chậm tiến độ so với kế hoạch. Ảnh chụp cuối tháng 9/2024. Ảnh: Thu Lê.

Một số chủ đầu tư có số giải ngân bình quân vốn ngân sách cấp tỉnh 3 tháng rất thấp, gồm: Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông 7,2 tỷ đồng/tháng; Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp & phát triển nông thôn 7,8 tỷ đồng/tháng; Công an tỉnh Quảng Ninh 3,6 tỷ đồng/tháng; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh 1,1 tỷ đồng/tháng; UBND TP Cẩm Phả 1,1 tỷ đồng/tháng,…

Một số dự án trọng điểm cũng đang có tiến độ rất chậm. Trọng đó, dự án tuyến đường ven sông kết nối đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều đoạn từ đường tỉnh 338 đến Đông Triều (Giai đoạn 1) có có kế hoạch vốn năm 2024 là trên 1.800 tỷ đồng. Dù là dự án chuyển tiếp có kế hoạch vốn lớn nhất, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 9/2024 mới đạt gần 20% kế hoạch.

Hay dự án cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn từ Km0+00 đến Km8+600 đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng thi công. Dự án có tổng diện tích GPMB 75,3ha liên quan đến 15 tổ chức, 146 hộ gia đình thuộc 2 địa phương là TP Hạ Long và TP Cẩm Phả (có 27,44ha đất rừng sản xuất). Hiện tại mới hoàn tất công tác kiểm đếm và lập phương án đền bù cho 1 tổ chức, còn lại chưa có phương án do còn vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, chậm phê duyệt đơn giá cây trồng và xác định nguồn gốc đất. Đến hết tháng 9/2024 dự án mới thực hiện giải ngân nguồn vốn năm 2024 đạt 0,5% kế hoạch.

"Quảng Ninh đã xác định đầu tư công là lĩnh vực bù đắp cho một số ngành, lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 trên 2 con số. Tuy nhiên, với tỷ lệ giải ngân thấp như hiện tại sẽ là thách thức lớn đặt ra cho tỉnh trong hai tháng còn lại của năm", ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Đối với kế hoạch giải nhân trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công đã phân bổ là gần 41.500 tỷ đồng, đạt 66,5% tổng kế hoạch trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 sau điều chỉnh (gần 62.400 tỷ đồng). Chỉ còn hơn 1 năm nữa để hoàn thành kế hoạch Đầu tư công trung hạn, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh thì việc này là khó khăn.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý điều chỉnh giảm vốn của 26 dự án không có khả năng giải ngân trong năm 2024 là hơn 1.193,8 tỷ đồng. Điều chỉnh toàn bộ số vốn này sang cho các dự án khác có khả năng giải ngân trong năm 2024.

Đồng thời, tranh thủ thời tiết nắng hanh kéo dài, cùng với đó là một loạt dự án khởi công mới đã hoàn thành xong các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, nên những tháng cuối năm này được xác định là thời điểm "vàng" để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Quảng Ninh điều chuyển gần 1.200 tỷ đồng từ dự án giải ngân “ì ạch” sang dự án đang thiếu vốn - Ảnh 2.

Dự án Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một trong những công trình đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: ĐVCC.

Dự án Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một trong những công trình đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Dự án Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh xây dựng tại phường Hồng Hải (TP Hạ Long) có tổng mức đầu tư gần 770 tỷ đồng, được xác định là một trọng những dự án động lực, trọng điểm của tỉnh.

Theo đại diện chủ đầu tư, dự án khởi công cách đây một năm gặp nhiều khó khăn do tầng địa chất phức tạp trong bối cảnh thời tiết mưa nhiều, dẫn đến chậm tiến độ so với mục tiêu ban đầu đề ra. Còn hiện tại, với thời tiết thuận lợi, trên công trường thi công luôn đảm bảo hơn 250 cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, công nhân lao động thi công các hạng mục phần thô của khối nhà.

Ông Phạm Thành Hưng - Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo đơn vị nhà thầu thi công xây dựng phương án, kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục dự án, có báo cáo tiến độ theo tuần, tháng, quý, đảm bảo làm sao các hạng mục được đầu tư đồng bộ, tránh xung đột làm gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đơn vị quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án vào quý II/2025 để bàn giao cho đơn vị quản lý, đưa vào sử dụng.

Để hỗ trợ công tác giải ngân của toàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường thực hiện tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục về đất đai, cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất... phục vụ các dự án đầu tư công. Sở Xây dựng có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật theo định kỳ, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu (xi măng, sắt, thép, cát, gạch, đá, sỏi…).

Trong trường hợp có sự biến động về giá vật liệu xây dựng cần thực hiện việc khảo sát, thu thập thông tin về giá vật liệu xây dựng để kịp thời thực hiện việc công bố giá vật liệu xây dựng cho phù hợp thị trường.

Quảng Ninh điều chuyển gần 1.200 tỷ đồng từ dự án giải ngân “ì ạch” sang dự án đang thiếu vốn - Ảnh 3.

Đơn vị nhà thầu bốc xúc đất đá ở những vị trí có mặt bằng sạch thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL279. Ảnh: ĐVCC.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần phải tập trung tháo gỡ. Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình trước các cơ quan có thẩm quyền về việc không làm tốt trách nhiệm giải phóng mặt bằng.

Đồng thời với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tranh thủ, tận dụng khoảng thời gian thời tiết hanh khô, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; kiên quyết chấm dứt hợp đồng, thay thế, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm hợp đồng, cố tình chậm tiến độ, vi phạm quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật trong quá trình thi công. Tuyệt đối không để xảy ra vi phạm về chất lượng công trình, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hoặc làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư.