Tỉnh Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp, du lịch và ứng dụng công nghệ cao. Nằm ở cửa ngõ thủ đô Hà Nội, vì vậy tỉnh Hòa Bình có nhiều thuận lợi để phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế. Đây vừa là lợi thế vừa là động lực để chính quyền và nhân dân nơi đây nắm lấy cơ hội phát triển.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính
Trong những năm gần đây, sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính quyền đã đưa tỉnh Hòa Bình không ngừng vươn lên trên mọi lĩnh vực. Tỉnh Hòa Bình cũng đã xác định được 5 bước đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.
Về quy hoạch, tỉnh tổ chức thành công hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục rà soát, hoàn thiện chỉ tiêu phân bổ đất trong Quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Thẩm định 9 nhiệm vụ quy hoạch, 8 đồ án điều chỉnh quy hoạch; tham gia ý kiến đối với 20 đồ án quy hoạch, 16 nhiệm vụ quy hoạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tại Hòa Bình đã tuyển sinh đào tạo 4.616 người (đạt 28,9%), trong đó trình độ sơ cấp là 3.240 người; dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 1.376 người.
Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch trên địa bàn các xã, huyện, thành phố; chỉ đạo thực hiện quy định phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên.
Về cải cách hành chính, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh. Thực hiện đánh giá kết quả chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2023 và đề ra các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục để cải thiện các chỉ số năm 2024. Duy trì hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện đảm bảo ổn định, hiệu quả, giúp cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi và tiết kiệm chi phí khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ban hành và tổ chức thực hiện đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 04/NQ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ. Triển khai sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện chính sách tinh giản biến chế theo kế hoạch, kết quả: Sắp xếp lại 2 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và 2 đơn vị sự nghiệp thuộc huyện. Sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy đối với 1 cơ quan hành chính thuộc Sở và 4 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở. Tinh giản 205 biên chế. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2023 – 2030…
Về phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tỉnh Hòa Bình xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 10/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch số 248-KH/TU, ngày 26/4/2024 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Tổ chức, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách, kế hoạch về đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục quan tâm công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy giá trị văn hóa
Về phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2025. Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1), đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6…; đôn đốc hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng các dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hoà Bình theo phương thức PPP; dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã thành lập; đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nhuận Trạch, Khu công nghiệp Bình Phú đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện khởi công.
Về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường và nền Văn hóa Hòa Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình", giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể: Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với 3 di tích và thực hiện tốt Đề án "Bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình".
Tỉnh cũng phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh, thành phố hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt đối với hang xóm Trại, Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn... Tổ chức thành công 2 lễ hội cấp tỉnh: Lễ khai hội Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy năm 2024; lễ hội khai hạ dân tộc Mường năm 2024.
Để tiếp tục thực hiện 5 đột phá chiến lược trong những tháng cuối năm 2024, Tỉnh ủy Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính quyền vào việc thực hiện tốt các kế hoạch đã đề ra. Tỉnh cũng đã khởi công đường Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn II, khởi công đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trong quý III/2024. Nhiều chương trình, dự án đã đang gấp rút về đích.