Dân Việt

Đặc sản “vàng trắng” của một hòn đảo vượt biển vào TP.HCM khẳng định vị thế

Quang Sung 07/11/2024 11:59 GMT+7
Từ lâu đặc sản tỏi Lý Sơn được xem là “vàng trắng” với giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên tỏi Lý Sơn đang đối diện với nhiều thách thức về thương hiệu, thị trường, chất lượng…

Hôm nay là ngày thứ 2 diễn ra Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024 tại TP.HCM. Tại đây không khí mua sắm vẫn diễn ra tấp nập. Nhiều người dân tranh thủ buổi sáng đi tập thể dục tại công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM) đã ghé vào các gian hàng.

Tại khu vực trưng bày vùng Duyên Hải Nam Trung bộ, có nhiều người tập trung tại gian hàng của tỉnh Quảng Ngãi, tại đây bày bán các đặc sản như: tỏi Lý Sơn, hành tím Lý Sơn, quế Trà Bồng…

“Vàng trắng” được người dân thành phố đón nhận

Trong đó, mặt hàng tỏi Lý Sơn được nhiều người hỏi mua hơn hết - đây là đặc sản nổi tiếng được ví như “vàng trắng” của huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc sản “vàng trắng” của một hòn đảo vượt biển vào TP.HCM khẳng định chính mình - Ảnh 1.

Gian hàng tỏi Lý Sơn tại Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024 tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Đang miệt mài tư vấn cho khách hàng về sản phẩm tỏi Lý Sơn, anh Nguyễn Văn Duy - Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phú Sinh (đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm từ tỏi Lý Sơn) cho biết, tỏi Lý Sơn có củ nhỏ, màu trắng ngà. Đặc biệt do hàm lượng tinh dầu cao nên tỏi Lý Sơn có vị cay nồng và mùi thơm đặc trưng.

“Riêng tỏi cô đơn (tỏi 1 tép - PV) có kích thước hình trụ, củ nhỏ, không tròn và vỏ hơi ngả vàng, khi ăn vào có vị cay nhưng lúc sau sẽ cảm giác ngọt ở cuống họng”, anh Duy cho biết.

Trưng bày trên kệ hàng tại Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024, ngoài sản phẩm tỏi khô nhiều tép và tỏi cô đơn khô đã được chứng nhận OCOP 4 sao, còn có các sản phẩm tỏi đã qua chế biến. Theo anh Duy, công ty anh đã làm thành công tỏi đen từ tỏi nhiều tép và tỏi cô đơn. Riêng rượu tỏi đen và cao tỏi đen đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

“Mục đích mình đưa các sản phẩm tỏi Lý Sơn vào TP.HCM là để quảng bá cho người tiêu dùng biết nhiều hơn về đặc sản này. Thông qua Tuần lễ OCOP lần này, mình mong người tiêu dùng biết nhiều thông tin hơn về tỏi Lý Sơn. Từ đó người dân mua đúng, mua được chuẩn tỏi Lý Sơn thay vì các sản phẩm tỏi giả mạo tỏi Lý Sơn trên thị trường”, anh Duy chia sẻ.

Đặc sản “vàng trắng” của một hòn đảo vượt biển vào TP.HCM khẳng định chính mình - Ảnh 2.

Tỏi Lý Sơn được ví là "vàng trắng" vì có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quang Sung

Lần đi này, anh Duy mang khoảng 200kg tỏi các loại để phục vụ thị trường TP.HCM. Ngay ngày đầu tiên, nhiều người đã đến mua mặc dù giá tỏi Lý Sơn khá cao so với mặt bằng chung.

“Mình thường xuyên đi chợ và thấy người ta bày bán tỏi Lý Sơn rất nhiều, nhưng giá lại rẻ. Mình cũng thắc mắc, nhưng không mua vì nghĩ rằng tỏi Lý Sơn làm gì rẻ như thế. Hôm nay đi dạo ở đây thấy gian hàng tỏi Lý Sơn, mình ghé vào và mới biết được tỏi Lý Sơn thật sự là như thế nào”, Chị An Ninh - ngụ quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ.

Đặc sản “vàng trắng” của một hòn đảo vượt biển vào TP.HCM khẳng định chính mình - Ảnh 3.

Những sản phẩm chế biến sau thu hoạch từ tỏi Lý Sơn. Ảnh: Quang Sung

Bà Như Hiền - ngụ quận 10, TP.HCM cho biết, bà thường xuyên sử dụng tỏi Lý Sơn để nấu ăn hằng ngày vì hương vị thơm ngon và đặc biệt tốt cho sức khỏe.

“Tôi vừa mua nửa kí tỏi Lý Sơn để về dùng. Mua ít, mình dùng hết lại mua tiếp để tỏi không bị cũ, bay mất hết mùi thơm và dược tính. Ở TP.HCM tìm mua tỏi Lý Sơn phải đúng nơi, không là dễ mua lầm hàng”, bà Hiền nói.

Tỏi Lý Sơn vẫn còn chông chênh trên thị trường

Giá tỏi Lý Sơn khô nhiều tép bán tại TP.HCM giao động từ 120.000-170.000 nghìn/kg tùy thời điểm và kích thước. Riêng tỏi cô đơn khô có giá trên 1.500.000 đồng/kg và số lượng hàng khá khiêm tốn.

Anh Duy chia sẻ thêm, thời điểm này tại đảo Lý Sơn người dân đang bắt đầu xuống giống mùa tỏi 2024-2025. Riêng công ty của anh đang canh tác khoảng 3ha tỏi hữu cơ, mô hình này sử dụng phân bón hữu cơ và hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc sản “vàng trắng” của một hòn đảo vượt biển vào TP.HCM khẳng định chính mình - Ảnh 4.

Có thể nhận biết tỏi Lý Sơn qua màu sắc, kích thước và đặc biệt là hương vị. Ảnh: Quang Sung

Được biết, diện tích trồng tỏi ở Lý Sơn khoảng hơn 300ha, mỗi năm có khoảng 2.000 tấn tỏi khô được thu hoạch. Năm 2009, tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là thương hiệu Quốc gia.

Tuy nhiên hiện nay, thương hiệu tỏi Lý Sơn đối mặt với nhiều bất lợi. Thị trường tiêu thụ không ổn định khiến người nông dân thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá".

Đặc sản “vàng trắng” của một hòn đảo vượt biển vào TP.HCM khẳng định chính mình - Ảnh 5.

Tỏi là cây trồng truyền thống của ngành nông nghiệp đảo Lý Sơn. Ảnh: Đ.L.S

Việc thu lợi bất chính cùng với quản lý hoạt động sản xuất, bảo hộ thương mại bằng nhãn hiệu tập thể chưa giải quyết được thực trạng mạo danh tỏi Lý Sơn. Từ đó dẫn đến tỏi chính hiệu Lý Sơn đã và đang bị các sản phẩm tỏi sản xuất nơi khác giả mạo thương hiệu, làm giảm uy tín, danh tiếng và giá trị thương mại nghiêm trọng.

Việc tìm ra giải pháp để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn, làm tăng giá trị thương mại của tỏi Lý Sơn; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân trồng tỏi trên huyện đảo trở thành yêu cầu bức thiết đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan tại đây.