Dân Việt

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực phẩm nông sản: 9 tháng xử phạt 14,5 tỷ đồng

P.V 08/11/2024 12:36 GMT+7
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh thực phẩm, nông sản an toàn là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm được thực hiện đúng quy định, có hệ thống.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực phẩm nông sản: 9 tháng xử phạt 14,5 tỷ đồng- Ảnh 1.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 9 tháng năm 2024, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra và xử phạt 1.212 cơ sở/13.212 cơ sở (chiếm 9,1%) với tổng số tiền phạt là 14,512 tỷ đồng (tăng 0,6% so với 9 tháng đầu năm 2023).

Cũng trong 9 tháng đầu năm, ngành đã tổ chức gần 4.500 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn phổ biến quy định về đảm bảo chất lượng, ATTP; xây dựng và phát hơn 11.400 lượt bản tin, phóng sự trên đài phát thanh, truyền hình, loa đài địa phương, tin, bài viết trên báo điện tử và báo giấy; hơn 261.500 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, sổ tay, ấn phẩm truyền thông.

Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu 98,1%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP đạt 98,8%, giảm 0,5%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đạt 93%, tăng 4%.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực phẩm nông sản: 9 tháng xử phạt 14,5 tỷ đồng- Ảnh 2.

Cán bộ Chi cục QLCLNL và TS Bình Thuận lấy mẫu kiểm tra, giám sát ATTP tại siêu thị Lotte Mart. Ảnh: P.My

Về phía địa phương, thực hiện Thông tư 08/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, trong nửa đầu năm 2024, Chi cục thủy sản – Quản lý chất lượng tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lập kế hoạch lấy mẫu giám sát nông lâm thủy sản tại các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Tổng số mẫu được lấy 55 mẫu (trong đó thịt và các sản phẩm từ thịt 40 mẫu; thủy sản khô 09 mẫu; các sản phẩm từ thủy sản 02 mẫu; rau củ quả 03 mẫu và sản phẩm trà 01 mẫu) được gửi đến Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh để tiến hành kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm như: hóa chất, kháng sinh, các chất bảo quản thực phẩm, các chất tăng trọng, các chỉ tiêu về vi sinh, kim loại nặng...

Theo kết quả phân tích của Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh có 51/55 mẫu đạt yêu cầu theo chỉ tiêu phân tích; 04/55 mẫu gồm 02 mẫu thịt bò và 02 mẫu lòng bò phát hiện có chất Salbutamol không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiếm tỉ lệ 7,27%.

Trong trường hợp kết quả phân tích mẫu không đạt theo quy định, Chi cục Thuỷ sản – Quản lý chất lượng sẽ tiến hành truy xuất nguyên nhân mẫu nhiễm theo quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thông báo đến các địa phương phối hợp giám sát cơ sở có mẫu nhiễm, yêu cầu cơ sở thực hiện báo cáo nguyên nhân sai lỗi, báo cáo kết quả khắc phục các lỗi sai phạm, cam kết khắc phục các sai lỗi và không tái phạm; đồng thời thông báo kết quả phân tích mẫu trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực phẩm nông sản: 9 tháng xử phạt 14,5 tỷ đồng- Ảnh 3.

Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Trong tháng 10/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã kiểm tra 110 vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 10, xử lý 5 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt 27,5 triệu đồng.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Sở cũng đã tập trung kiểm tra kỹ lưỡng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản và vật tư nông nghiệp. Đối tượng kiểm tra chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm động vật, thủy hải sản, và các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, và thuốc thú y.

Theo đại diện của Sở Nông nghiệp và PTNT, việc thanh tra và xử lý các vi phạm không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh có vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Điều này không chỉ mang tính răn đe mà còn đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Nói về tầm quan trọng của việc thanh, kiểm tra ATTP trong chế biến, kinh doanh nông sản, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: "Đây là hành động cần thiết, nhằm ngăn chặn từ sớm từ xa những sản phẩm kém chất lượng, đặc biệt là những sản phẩm nông sản xuất khẩu".

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực phẩm nông sản: 9 tháng xử phạt 14,5 tỷ đồng- Ảnh 4.

Tăng cường kiểm tra các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ông Nam cho hay, trong 6 tháng năm 2024 số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản từ EU tăng bất thường, tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam.

Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thường số lượng cảnh báo, ông Nam cho rằng có cả lý do chủ quan lẫn khách quan.

Khách quan là xu thế các quốc gia, vùng lãnh thổ gia tăng các biện pháp SPS đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu. Xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh...

Về phía chủ quan, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.

Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Đơn cử như khảo sát tại Thừa Thiên - Huế năm 2020 cho thấy, 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh.

Bên cạnh đó, trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng. Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói.

Trong khi đó, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

"Không cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu", ông Nam nhấn mạnh.

CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN