Mỗi loại thuốc có ưu và nhược điểm khác nhau
Tại toạ đàm: "Nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật" do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Hiệp hội Croplife Việt Nam, VIPA và báo NTNN phối hợp tổ chức ngày 8/11, trả lời câu hỏi của bạn đọc: Có nhiều ý kiến cho rằng thuốc BVTV sinh học thường an toàn cho sức khoẻ con người hơn so với thuốc BVTV hóa học?, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho biết, thuốc BVTV hóa học và thuốc BVTV sinh học đều có ưu và nhược điểm khác nhau.
Đối với thuốc BVTV hóa học có những những ưu điểm như: Có thể diệt sinh vật gây hại nhanh, triệt để, đồng loại trên diện rộng, chặn đứng trận dịch trong thời gian ngắn mà các biện pháp khác không thể thực hiện được.
Đem lại hiệu quả phòng trừ rõ rệt, bảo vệ năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản, giúp giảm diện tích canh tác, giảm công lao động, góp phần khắc phục tình trạng thiếu lao động ở nông thôn hiện nay, mang lại hiệu quả kinh tế.
Một số loại thuốc BVTV hóa học thế hệ mới có hiệu lực phòng trừ cao đối với sinh vật gây hại, an toàn cho sức khỏe con người và môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, do nhận thấy ưu điểm của thuốc BVTV, người nông dân đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua các biện pháp BVTV khác. Họ tin, thuốc BVTV có thể giải quyết mọi vấn đề của cây trồng.
"Do lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai kỹ thuật, nhiều mặt tiêu cực của thuốc BVTV đã bộc lộ như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên, làm suy giảm tính đa dạng của sinh quần, gây xuất hiện các loài sinh vật gây hại mới, tạo ra các sinh vật gây hạị chống thuốc, gây đảo lộn các mối quan hệ phong phú giữa các loài sinh vật trong hệ sinh thái, gây bùng phát và tái phát dịch hại.
Qua đó dẫn đến hiệu lực phòng trừ của thuốc BVTV bị giảm sút", ông Sơn nêu thực trạng và cho rằng: Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học thường an toàn và ít độc đối với sức khỏe người, sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản nên rất thích hợp sử dụng cho các nông sản sạch như rau, chè, cây ăn quả...; rất thân thiện với môi trường.
Hơn thế nữa, nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã nêu ra các nguyên nhân chính được nêu ở dưới đây dẫn đến việc sử dụng thuốc BVTV sinh học ngày càng nhiều hơn: Do yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Sản xuất nông nghiệp vừa phải quan tâm đến việc tăng năng suất, sản lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực vừa phải giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để đáp ứng yêu cầu này, sử dụng thuốc BVTV sinh học là một lựa chọn thích hợp nhất.
Cần sử dụng hài hòa
Ông Sơn cho biết thêm, hiện nay, xu hướng của thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm hữu cơ, an toàn, không bị ô nhiễm các chất độc hại, do đó sử dụng thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp là biện pháp phù hợp.
Nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thị trường thực phẩm của thế giới đang có hướng kinh doanh các sản phẩm nông sản sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của các quốc gia trên thế giới khuyến khích người sản xuất sử dụng thuốc BVTV.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, nhiều loại thuốc BVTV sinh học cũng c̣òn bộc lộ một số nhược điểm như: Giá thành cao, hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn các thuốc BVTV hóa học. Thời gian bảo quản của nhiều loại thuốc BVTV sinh học ngắn hơn thuốc BVTV hóa học.
Hiện nay, tỷ trọng thuốc BVTV sinh học được sử dụng chỉ chiếm khoảng 10 % so với tổng lượng thuốc BVTV hàng năm do các nguyên nhân sau: Không có đủ các loại thuốc BVTV sinh học để phòng trừ các loại sinh vật gây hại trên đồng ruộng.
Tuy đặc tính kỹ thuật của các sản phẩm sinh học là rất cao; nhưng hiểu biết của người dân về loại sản phẩm này còn hạn chế, nên cản trở đến việc sử dụng chúng. Theo đó, chúng ta cần phải đào tạo tập huấn nhiều hơn để người dân có thể nhận biết và biết cách sử dụng thuốc BVTV sinh học hiệu quả hơn.
Do quy trình tách chiết, lên men và sản xuất thuốc BVTV vi sinh vật tại Việt Nam chưa thật ổn định, nên chất lượng sản phẩm thường chưa ổn định, hàm lượng độc tố thường bị giảm sau một số lần sản xuất.
Nhiều sản phẩm sinh học thường có tính chuyên tính cao, phổ tác động hẹp, phát huy hiệu lực chậm và hiệu lực không ổn định (do ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh (do ánh sáng mặt trời, độ PH, độ ẩm... và điều kiện sử dụng), nên chưa được nông dân ưa dùng như thuốc BVTV hóa học.
Giá thành sử dụng một số thuốc BVTV sinh học còn cao so với thuốc hóa học. Như vậy, theo ông Sơn, không phải tất cả các sản phẩm thuốc BVTV sinh học đều tốt tuyệt đối và không phải tất cả các sản phẩm hóa chất đều hoàn toàn có hại. Có những loại thuốc BVTV sinh học sản xuất ra có hại cho người như thuốc từ lá ngón... Mỗi loại thuốc đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng và đòi hỏi những cách thức sử dụng đặc thù riêng.
Việc lựa chọn loại thuốc nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sâu bệnh, điều kiện môi trường và khả năng tài chính của nông dân.
Theo đó, ông Sơn khuyến cáo người dân cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
"Người sử dụng thuốc BVTV cần phải đọc kỹ và sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên nhãn thuốc, tuân thủ nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc, đúng cách) và đảm bảo thời gian cách ly. Đồng thời tăng cường các biện pháp canh tác bền vững như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) sẽ mang lại sự an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
Ví dụ như chúng ta có thể sử dụng thuốc hóa học đầu vụ, cuối vụ lại sử dụng thuốc sinh học đảm bảo thời gian cách ly sẽ giúp sản phẩm an toàn cho người và môi trường lại vừa đảm bảo yếu tố kinh tế", Chủ tịch Hiệp hội VIPA lưu ý thêm.