GS Hà Tôn Vinh là người Mỹ gốc Việt, hiện ông sinh sống và đi về liên tục giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam. Ông là người từng nhiều năm nghiên cứu về chính trường Mỹ, từng được nhiều Thượng nghị sĩ, dân biểu và chính khách Hoa Kỳ đề cử làm trợ lý đặc biệt của Nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Reagan - Phó tổng thống Bush.
GS Hà Tôn Vinh là người ủng hộ, bắc cầu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là giới doanh nhân, học giả hai nước. Ông từng là Giám đốc Chương trình Đào tạo Đại học CaliFornia Miramar University (Hoa Kỳ).
Nhân sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, GS Hà Tôn Vinh đã chia sẻ với Dân Việt về chính sách dưới thời của Trump và dự đoán những tác động đến Việt Nam.
Thưa ông, nhiều người nghiên cứ ngay cả học giả quốc tế lo ngại chính sách của ông Trump sẽ xoay chuyển hoàn toàn chính sách so với Tổng thống Biden, điều này có thể sẽ tác động đến Việt Nam?
- Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Như vậy, xét về tính liên tục của chính sách lập pháp Mỹ, Tổng thống tái đắc cử Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ tiếp tục các nguyên tắc, các thỏa thuận với Việt Nam về các mặt kinh tế, chính trị và an ninh.
Còn về những thay đổi, sẽ có nhưng dựa trên những trao đổi, thoả thuận và đối thoại. Mỹ muốn Việt Nam trở thành đối tác lớn, đối tác tin tưởng ở châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực. Tổng thống Donald Trump là người khá quý mến Việt Nam, bằng chứng ông ấy đã sang Việt Nam và luôn tỏ rõ quan điểm ủng hộ Việt Nam. Đó là lý do chúng ta có quyền tin vào chính sách Mỹ với Việt Nam dưới thời Trump vẫn sẽ tốt đẹp, thậm chí có thể kỳ vọng hơn.
Nhiều người lo ngại về quan điểm “nước Mỹ trên hết”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” thông qua việc cụ thể hoá ở các đạo luật như siết chặt thuế quan với hàng nhập khẩu; gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại để khống chế hàng nhập từ các nước vào Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại; chọn lựa sự cân bằng thay vì để ích lợi thị trường vào tay nước khác, điều này liệu có ảnh hưởng tới hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ?
- Phải nói rằng, sự xích gần lại quan hệ giữa hai nước và việc khai thác tối đa lợi thế thị trường Mỹ đã thúc đẩy thương mại hai chiều tăng nhanh trong những năm qua. Hiện Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thương mại hai chiều thường trực ở mức 100 tỷ USD đến 120 tỷ USD/năm và càng ngày càng phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Sự bổ trợ của hai nền kinh tế giúp cho xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng, cùng với đó là sự lớn mạnh của kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp FDI khai thác tốt ưu đãi thuế ở các hiệp định song phương.
Tuy nhiên, vấn đề nhập siêu của Mỹ cũng là điều lo ngại. Nếu ông Trump đánh mạnh vào hàng nhập Trung Quốc khi áp thuế 60% hàng nhập khẩu từ nước này, các nước ngoài Trung Quốc sẽ có mặt hưởng lợi nhưng cũng đầy mặt hại cho các nước xuất hàng vào Mỹ, trong đó có hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, càng mua nhiều từ Việt Nam, Mỹ sẽ càng thâm hụt thương mại nặng hơn và điều này Việt Nam phải chủ động điều tiết để đạt cân bằng. Cách điều tiết thương mại chỉ có tăng mua hàng Mỹ, tăng kết nối chủ động để giảm thâm hụt.
Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hoá đất nước, mong muốn nhập khẩu thiết bị, công nghệ, phải chăng lựa chọn nhập các mặt hàng có giá trị cao từ Mỹ là biện pháp cân bằng?
- Dĩ nhiên, con số cân bằng ở đây là tương đối, không phải đã xuất 10, ta phải nhập về 10 mà họ sẽ xem xét rằng chúng ta có khai thác quá mức thị trường của họ mà đóng cửa thị trường của ta hay không? Điều này là rất quan trọng. Họ sẽ yêu cầu mở cửa thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh của Mỹ như ô tô, máy móc hay vật liệu…
Tổng thống Donald Trump muốn giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với các đối tác làm ăn với Hoa Kỳ, nên chúng ta cần thúc đẩy mua bán hàng hóa từ Mỹ nhiều hơn. Người Mỹ sẽ gây áp lực để phải nhập khẩu nhiều hơn, thậm chí nhạy cảm như công nghệ số, thiết bị an ninh cũng là một biện pháp được đưa ra.
Có một vấn đề đó là khả năng tiếp cận và thái độ chuyển giao công nghệ. Người Mỹ vốn cẩn trọng với công nghệ nguồn, thiết bị cốt lõi, dù đó đã là công nghệ đời thứ 2, thứ 3 rồi. Chúng ta cũng sẵn sàng mua những sản phẩm có giá trị gia tăng cao để phục vụ phát triển kinh tế, đất nước, nhưng còn rào cản về sở hữu trí tuệ, bảo mật và niềm tin đối tác đang cản trở?
- Đây là vấn đề thuộc về hai Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp. Câu chuyện còn ở công nghệ nào, máy móc nào và dùng mục đích làm gì?
Liên quan đến công nghệ cao. Tôi chắc chắn một điều, công nghệ cao vòng đời thay đổi nhanh nên phải có người vận hành, làm chủ công nghệ. Việt Nam chúng ta chưa có nhân lực đủ lớn để quản lý, sử dụng công nghệ cao, cốt lõi của Mỹ do đó trước mắt, vấn đề đặt ra về mua bán công nghệ giữa hai nước thì chưa thể ồ ạt được.
Ai cũng biết, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và trí tuệ AI khiến vòng đời sản phẩm công nghệ, thiết bị sẽ rút ngắn. Vì thế, cần quá trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn cho nhân sự của Việt Nam để đảm bảo chúng ta đủ khả năng hấp thụ và sử dụng hiệu quả công nghệ đó.
Về sở hữu trí tuệ, Mỹ là nước đặt vấn đề bản quyền lên hàng đầu. Chính vì vậy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần là tiêu chí đầu tiên khi cất nhắc chuyển giao về công nghệ. Nếu chúng ta cam kết được, thì lúc ấy chúng ta mới tiếp cận được các công nghệ cốt lõi, công nghệ nguồn.
Mỹ coi trọng sở hữu trí tuệ, bảo mật là cơ sở để phát triển; nhiều thiết bị, công nghệ của Mỹ có tính bảo mật, sở hữu trí tuệ cao có thể coi là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối cho nước Mỹ, an ninh quốc gia của Mỹ.
Chính vì thế, không phải doanh nghiệp Mỹ có quyền chuyển giao đơn thuần mà việc chuyển giao phải ở tầm đối tác tin cậy, chiến lược. Đó cũng là thách thức với chúng ta. Tuy nhiên, tôi có niềm tin giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được củng cố, mối quan hệ đã được nâng tầm, nên chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng vào điều tốt đẹp đến từ thái độ thiện chí và quyết tâm hiện thực hoá các cam kết.
Một vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm đó là đầu tư của Việt Nam vào Mỹ, trong đó có doanh nghiệp xe điện. Ông Trump từng không ủng hộ xe điện, nhưng trong chiến dịch tranh cử, tỷ phú xe điện Tesla, ông Elon Musk trở thành người đồng hành, sắm vai ủng hộ lớn cho ông Trump, liệu quan điểm về xe điện của ông Trump có đổi khác và cơ hội cho ngành xe điện, cho doanh nghiệp xe điện Việt Nam đang đầu tư vào Mỹ?
- Chắc chắn tương lai là xe điện. Vấn đề là hiện Mỹ vẫn cho phép công ty dầu khí do ích lợi doanh nghiệp năng lượng Mỹ quá lớn, do đó cần có thời gian.
Thứ 2 là Mỹ phải duy trì ngành công nghiệp dầu mỏ và ngành công nghiệp xe điện vì Mỹ không thích lệ thuộc vào dầu khí ở Trung Đông, dù đó là các nước vừa là đồng minh như các nước A Rập, UAE hay các nước tạm gọi là đối thủ như Iran, Iraq, Syria...
Giới quan sát cho rằng, việc đi cùng với Elon Musk là lựa chọn cho tương lai, cho cái mới hơn được ông Trump kỳ vọng, bởi họ đều là những người xuất thân kinh tế nên cùng chung ý tưởng. Vấn đề lớn nhất là đem lại công việc và giá trị cho nước Mỹ.
Tôi khẳng định lại, tương lai xe điện sẽ phát triển, nhưng xe điện từ các nước, trong đó có Việt Nam đang đầu tư ở đây cũng sẽ chịu thách thức và cạnh tranh lớn cần vượt qua.
Mỹ luôn muốn xoay trục ảnh hưởng sang châu Á - Thái Bình Dương, cùng kế hoạch tái cấu trúc chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị cung ứng của Mỹ. Cũng trùng với thời điểm Việt Nam muốn vươn lên, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu lớn hơn. Liệu chăng có “điểm gặp gỡ” chiến lược nào đó giữa Việt - Mỹ?
- Việt Nam là đối tác, là thị trường tiềm năng, với 100 triệu dân nhưng không phải là thị trường tiêu thụ. Việt Nam không thể thay thế một thị trường nào khác của doanh nghiệp Mỹ đang khai thác như Trung Quốc, như Ấn Độ, hay Úc, Singapore, Thái Lan nên Mỹ và doanh nghiệp Mỹ cũng không chọn Việt Nam theo phương pháp thay thế xoá bỏ.
Việt Nam trong mối tương quan với các nước khác thì chúng ta có nhiều lợi thế khác rất lớn với Mỹ. Đó là chúng ta là cửa ngõ vào ASEAN, chúng ta có lợi thế về chính trị ổn định, có quan hệ ở tầm cao lớn với Mỹ và đặc biệt vị thế chính trị - địa lý của chúng ta đặt chúng ta ở một tầm quan hệ lớn hơn, không thể thấp hơn và càng không thể như các nước.
Sự phát triển của Việt Nam, chúng ta cần các đối tác, bạn hàng lớn và Mỹ cũng vậy. Lợi ích của hai bên là tương đồng và việc hợp tác, vị thế hợp tác sẽ khác không chỉ về vấn đề thương mại mà còn là vấn đề chiến lược của hai đất nước.
Chúng ta đang có thế và lực, cùng cơ hội bên trong và bên ngoài cần phải nắm bắt. Nhìn vào những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hay cả Trung Quốc, họ cũng hợp tác và đi cùng với Mỹ trong các lợi ích chiến lược song hành để mỗi bên đều cùng thắng.
Chúng ta duy trì ngoại giao cân bằng, đa phương hóa với chiến lược làm bạn với tất cả các nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì an ninh, an toàn và không vì nước này, chống nước kia, đây là chủ trương xuyên suốt và lý tưởng. Do đó chúng ta cần lựa chọn đối sách để hợp tác với các nước.
Việt Nam có thể đề nghị Mỹ, cụ thể là tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành mà Mỹ và Việt Nam hợp tác và hiện nay việc này đã thực hiện.
Tôi nghĩ vẫn nên thúc đẩy nhiều hơn hợp tác đào tạo nhân lực là chính, trong đó đào tạo chuyên sâu kỹ sư trình độ cao về công nghệ, phối hợp để lưu học sinh, chuyên gia Việt Nam tham gia vào một số ngành, lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh, có thể chuyển giao cho Việt Nam.
Sau đó, chúng ta dùng những chuyên gia, kỹ sư được đào tạo bài bản về hướng dẫn cho nhân lực trong nước. Có như vậy, khi chuyển giao công nghệ, chúng ta mới nắm vững được nhanh hơn và tránh việc chúng ta mua, chuyển giao công nghệ mà công nghệ đó quá lạ so với thực tế tại Việt Nam hoặc quá lạc hậ trên thế giới. Thời gian qua, tôi chứng kiến, quá trình bắt tay hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực Mỹ và Việt Nam đã diễn ra, đặc biệt ở các lĩnh vực chất lượng cao, đó là tín hiệu tốt và cần thúc đẩy nhiều hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!