Sáng 9/11, thảo luận tại tổ của Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo, GS.TS Hoàng Văn Cường khẳng định: "Nghề giáo là một nghề đặc biệt, đối tượng tác động là con người, sản phẩm giáo dục là tri thức, tư chất của con người. Do vậy, thái độ và các hành vi của người làm thầy trong công việc cũng như trong xã hội cũng phải có tính đặc biệt, khác biệt".
Theo đó, ngoài 8 điểm quy định về nghĩa vụ của nhà giáo tại Điều 9, GS.TS Hoàng Văn Cường góp ý, cần bổ sung và nhấn mạnh việc nhà giáo không chỉ mẫu mực, nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp mà cần phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội.
Đặc biệt, nhà giáo không chỉ tôn trọng, đối xử công bằng, bảo vệ các quyền lợi của người học mà phải có trách nhiệm động viên, khuyến khích, khích lệ để người học phát triển tư duy sáng tạo của cá nhân. Cần phải tôn trọng các ý kiến khác biệt của học sinh, miễn là không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật của người học.
Ông Cường nhấn mạnh, về quyền của giáo viên, không phải là giáo viên được quyền nghỉ hè nhưng "nghỉ hè không phải để chơi" mà phải gắn với nhiệm vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của giáo viên, tham gia nghiên cứu khoa học hay tham gia các hoạt động cộng đồng phù hợp với chuyên môn của mình.
"Nhà giáo, đặc biệt là giảng viên đại học phải có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Có thể thấy, hầu hết các giải Nobel trên thế giới đều ở các trường Đại học", ông dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Cường, Việt Nam có 90% bài báo quốc tế là của giảng viên các trường ĐH trong khi các trường ĐH chỉ nhận có 6,7% kinh phí nghiên cứu khoa học. Do vậy, Điều 28 về Chính sách Nhà giáo cần phải được ưu tiên nhận các đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Nhà giáo phải được ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân.
Tiếp đó, nhà giáo phải có trách nhiệm tham gia đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ. Kiến thức phải luôn mới, luôn cập nhât để theo kịp sự phát triển của các thành tựu khoa học công nghệ mới, chứ không phải cứ dạy theo sách, thi theo sách. Đây là cơ sở để đào thải, thanh lọc.
"Từ đó, tôi đề nghị trách nhiệm của các cơ quan tổ chức đối với vấn đề đào toạ, bồi dưỡng giáo viên. Bắt buộc phải có quỹ đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Mỗi giáo viên sau tối thiểu 3-5 năm phải được đi bồi dưỡng", ông Cường đề xuất.
GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, ông đồng tình với 6 điểm nhà giáo không được làm và 3 điểm không được làm với Nhà giáo tại điều 11.
Tuy nhiên, ông bổ sung, nhà giáo không được tham gia hoặc trực tiếp kinh doanh một số hoạt động theo quy định của địa phương và nhà trường, nơi công tác. Bởi một số hoạt động kinh doanh rất phổ biến nhưng đối với nhà giáo thì không phù hợp như bán bảo hiểm cho phụ huynh, bán giải khát trước cổng trường…
Với quy định "cấm ép buộc người tham gia học thêm dưới mọi hình thức" là chưa phù hợp, thực hiện phương châm không để học sinh lưu ban, nhiều giáo viên có tinh thần trách nhiệm thườn phải yêu cầu học sinh có học lực yếu ở lại cuối giờ để kèm thêm với động cơ duy nhất là giúp học sinh nắm được kiến thức, theo kịp bạn bè. Theo ông Cường, đây không phải là động cơ kiếm tiền, không xấu và cần được khuyến khích. Do vậy, phải sửa điểm này thành "cấm ép buộc người học tham gia học thêm để vụ lợi dưới mọi hình thức".
Đồng tình với quy định "không được công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền", theo GS.TS Hoàng Văn Cường, còn phải thêm quy định cấm những hành vi không tôn trọng, xúc phạm nhà giáo.
"Ra ngoài xã hội nhà giáo nhiều khi cũng phải giữ tư cách của mình, nếu có ai đó nói cái gì không bao giờ dám tranh luận, dám cãi. Có những trường hợp không tranh luận lại thì là có vấn đề rồi nhưng đối với giáo viên mà tranh luận thì lại thành vấn đề", ông Cường nói.
Đại biểu cũng cho rằng, nhà giáo là đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, không phải chỉ có đối tượng thu nhập thấp, để đảm bảo có chỗ ở yên tâm công tác.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, GS.TS Hoàng Văn Cường đánh giá đây là quy định "rất tốt". Theo ông, nếu nhà trường không có quyền chủ động tuyển dụng, không được bố trí ai thì không phù hợp.
Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Luật cần quy định, nhà giáo khi được bổ nhiệm làm quản lý. Nếu tham gia giảng dạy đủ nghĩa vụ , vẫn được hưởng các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo. Khuyến khích giáo viên giỏi quản lý, đồng thời khuyến khích cán bộ quản lý trực tiếp giảng dạy, điều này nhằm giúp nắm bắt được hơi thở cuộc sống giáo viên và tâm tư người học.