Chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đại diện các Bộ, ngành, đại biểu các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo báo cáo về tiến độ giải ngân vốn trong giai đoạn 2021-2024, tính đến ngày 30/9/2024, 16 tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước. Cụ thể, tổng vốn đã giải ngân tại khu vực này đạt 12.900 tỷ đồng, tương đương hơn 60%.
Mặc dù tỷ lệ giải ngân chung của miền Trung và Tây Nguyên cao hơn mức bình quân, nhưng tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các dự án lại có sự chênh lệch đáng kể. Một số dự án vẫn có mức giải ngân rất thấp, điển hình là Dự án 3 với tỷ lệ chỉ đạt 29%, trong khi Dự án 9 cũng ở mức thấp với hơn 32%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.
Theo Ủy ban Dân tộc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện có 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II, 476 xã khu vực III và 3.243 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 24,53% tổng số thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi cả nước. Khu vực này có dân số trên 21 triệu người, trong đó hơn 3,6 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 17% dân số toàn vùng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng ngân sách dự kiến dành cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 22.560 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đóng góp hơn 20.500 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2024, 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã giải ngân hơn 12.900 tỷ đồng, đạt 60,6% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình đạt 74,3%, cao gấp 1,3 lần so với mức trung bình cả nước là 57,7%.
Với nỗ lực giải ngân nguồn vốn và triển khai các dự án phát triển hạ tầng, vùng miền Trung - Tây Nguyên đang từng bước cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây.
Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết tại Gia Lai từ năm 2022, chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực như giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3% mỗi năm và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong triển khai một số tiểu dự án, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp.
Ông Niên bày tỏ mong muốn hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo nhằm phát huy hơn nữa các kết quả đạt được và đặt ra những nội dung, biện pháp hiệu quả trong giai đoạn tới, để chương trình thực sự mang lại sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình đề ra.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đang đề xuất tăng định mức hỗ trợ cho các hạng mục về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, và nước sinh hoạt, đặc biệt hướng tới đối tượng là các hộ cận nghèo và dân tộc thiểu số. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị bổ sung thêm quy định rõ ràng về quyền sử dụng đất cho người dân.
Cùng với đó, Bình Thuận đề nghị nâng mức chi phí khoán bảo vệ rừng. Theo ông Minh, mức hiện tại là 400.000 đồng/ha vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thực tế, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng và sinh kế của người dân tham gia công tác này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong giai đoạn tới cần phải ưu tiên hàng đầu việc giải quyết sinh kế, hỗ trợ thoát nghèo bền vững cho người dân. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu Quốc gia vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do đây là chương trình mới nên những chính sách vẫn chưa sát với thực tế, chưa phù hợp và khó thực hiện.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực đã đề nghị các địa phương cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, kiến nghị điều chỉnh các quy định để phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu các tỉnh, thành rà soát toàn bộ các dự án đã và đang triển khai, từ đó chọn lọc những dự án có tiềm năng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững để ưu tiên đầu tư.
Theo Phó Thủ tướng thường trực, chỉ khi tập trung nguồn lực vào những dự án mang lại hiệu quả lâu dài, các địa phương mới có thể góp phần vào mục tiêu phát triển toàn diện của cả nước.