Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2024 tại Hà Nội chiều nay 9/11, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã nêu loạt lý do về giải ngân đầu công thấp và đưa ra các giải pháp để tiêu dòng vốn này từ nay đến hết năm và năm 2025.
Theo ông Trần Quốc Phương, số liệu cập nhật mới nhất về giải ngân đầu tư công 10 tháng qua ước đạt trên 52%, so với con số năm ngoái thấp hơn năm ngoái là 56,7%, hiện tỷ lệ giải ngân vẫn thấp hơn vài %.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT trần tình về những khó khăn, trong đó có nguyên nhân khó khăn từ năm 2023 kéo sang. Đặc biệt, năm 2024 khó khăn trực tiếp dẫn đến giải ngân thấp là thiếu hụt vật liệu, đặc biệt ở các công trình lớn, mà tiến trình giải quyết liên quan đến nhiều bộ ngành, nhiều luật khác nhau, thậm chí liên quan đến tài nguyên của đất nước.
Về mục tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công hết năm 2024 phải đạt 95% kế hoạch Thủ tướng giao, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: “Bộ đã tham mưu nhiều giải pháp cho Chính phủ, trong đó mới đây Thủ tướng cũng ban hành Công điện về chỉ đạo giải ngân đâu tư công.
Bên cạnh đó, cần “tiếp tục thực hiện các khuyến nghị Thủ tướng là ban hành, đôn đốc việc thực hiện giải ngân vốn, hoạt động của 7 tổ công tác giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành và địa phương, trong đó có vai trò tham gia của nhiều thành viên Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính
Về giải pháp triển khai, ông Phương nhấn mạnh khó nhất vẫn ở khâu thực hiện: “Phải làm sao có khối lượng giải ngân vốn đầu tư công làm sớm, làm nhanh để đạt mục tiêu đề ra”, ông Phương nêu.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, để tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công, ngoài gỡ khó vật liệu san nền, vật liệu xây dựng thì ở các địa phương còn có khó khăn về thủ tục điều chỉnh các dự án.
“Đến nay đã gần cuối năm rồi, có dự án nào cần điều chỉnh thì các điạ phương cần làm ngay”, ông Phương khuyến cáo
Liên quan đến việc sửa đổi các cơ chế, chính sách, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết đã trình Quốc hội sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để tháo gỡ điểm nghẽn chính sách, cơ chế.
Tuy nhiên, “các chính sách này không có hiệu lực trong năm nay, và kỳ vọng năm sau sẽ giải quyết được các vấn đề vướng mắc, tồn đọng”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ.
Sáng 9/11, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 điểm nổi lên trong bối cảnh tình hình quốc tế tháng 10 và 10 tháng: Cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi; giá vàng, xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải quốc tế biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, chưa vững chắc; thiên tai, biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế, cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những nước đang phát triển.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm nay tốt hơn năm ngoái, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; dự báo, nhận định về tình hình thời gian tới, trong đó có việc dự báo tác động từ kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ; đề xuất những những cơ chế, chính sách, giải pháp thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần luôn chủ động, tích cực, phản ứng chính sách kịp thời, có các kịch bản điều hành với mọi tình huống.
Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tất cả các mục tiêu của năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP, nếu quý IV đạt khoảng 7,5% thì cả năm sẽ đạt hơn 7%, gần gấp đôi so với mức trung bình của ASEAN và thế giới.
Bên cạnh đó, cần những cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng GDP là chỉ tiêu rất quan trọng, giúp tăng năng suất lao động.