Dân Việt

Vì sao Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói rất khó giảm lãi suất trong thời gian tới?

Linh Anh 10/11/2024 09:49 GMT+7
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, có nội dung lý giải nguyên nhân vì sao khó giảm lãi suất trong thời gian tới.

Theo chương trình các phiên chất vấn, từ sáng mai (11/11), Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các nhóm vấn đề bao gồm: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Vì sao Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói rất khó giảm lãi suất trong thời gian tới?- Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Media Quốc hội.

Tăng trưởng tín dụng tăng hơn 10% sau 10 tháng

Đối với điều hành lãi suất, tại báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc cho biết, năm 2023, nhà điều hành đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2 điểm %/năm. Từ việc điều chỉnh trên đã định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Đối với 10 tháng đầu năm 2024, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế. 

Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên trang thông tin điện tử của TCTD nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Đối với điều hành tăng trưởng tín dụng (TTTD), Thống đốc cho biết, năm 2022, tín dụng tăng trưởng 14,18%; năm 2023 tăng 13,78%.

Sang năm 2024, NHNN định hướng mức TTTD khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Kết quả, tín dụng tăng trưởng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đầu năm, đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế và phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023.

Thống đốc NHNN nêu những thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ

NHNN cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, NHNN đã báo cáo Quốc hội những khó khăn, thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ. 

"Tuy nhiên, những vấn đề này đến nay vẫn tiếp tục là áp lực", đại diện nhà điều hành nhận định.

Trong đó, NHNN đề cập đến vấn đề lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, thời tiết cực đoan;...

Đáng chú ý, NHNN đánh giá, việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn do: Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua; Nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất và sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất VND trong nước càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Không chỉ vậy, NHNN cho rằng, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn).

Cũng theo NHNN đánh giá, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Sau khi chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp;…

"Với những khó khăn thách thức này, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, AMRO đều nhận định dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng", báo cáo nêu rõ.