Dân Việt

Đây là các cây trồng, vật nuôi đang mang tiền tỷ về cho nông dân một huyện biên giới ở Kon Tum

Văn Tùng 12/11/2024 08:00 GMT+7
Thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum khuyến khích bà con nông dân phát triển mô hình trang trại tổng hợp để nâng cao thu nhập. Qua thực tế, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình này, mang lại thu nhập cao, thu tiền tỷ.

Nhận thấy tiềm năng về nguồn đất và nước phát triển nông nghiệp bền vững, năm 1998, gia đình ông Hoàng Thanh Luyến chuyển từ huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vào tổ dân phố 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi để lập nghiệp.

Nông dân huyện vùng biên thu tiền tỷ nhờ phát triển mô hình trang trại tổng hợp - Ảnh 1.

Ông Hoàng Thanh Luyến chăm sóc vườn sầu riêng.

Ban đầu, kinh tế còn hạn hẹp nên gia đình ông chỉ mua 1ha đất để trồng mì. Với sự cần cù, chịu khó trong lao động và tiết kiệm chi tiêu, thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông Luyến dần tích luỹ được kinh tế, chủ động vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để tạo tiền đề phát triển nông nghiệp.

Đất không phụ lòng người, sau 26 năm tích cực lao động, sản xuất ở vùng đất mới, gia đình ông đã trở thành hộ khá giàu; 3ha cao su, 3ha cà phê, 1ha bời lời, 2ha ao cá mang lại cho gia đình ông thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, ông Luyến chủ động trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, mắc ca, mít, cam, bưởi, măng cụt; nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn trong gia đình.

Nông dân huyện vùng biên thu tiền tỷ nhờ phát triển mô hình trang trại tổng hợp - Ảnh 2.

Gia đình ông Hoàng Thanh Luyến chăm sóc vườn cà phê.

Ông Luyến chia sẻ: So với trồng chuyên một loại cây với diện tích lớn, việc đa dạng hoá các loại cây trồng theo mô hình trang trại tổng hợp mang lại nhiều lợi ích và thu nhập bền vững hơn. Một số loại cây trồng được mùa, được giá sẽ bù đắp được chi phí cho các loại cây bị mất mùa, mất giá, đảm bảo được lợi nhuận hằng năm trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, việc triển khai mô hình vườn, ao, chuồng giúp gia đình ông giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn phân từ gia cầm được gia đình ông ủ trộn với vỏ cà phê, men vi sinh để làm phân bón cho cây trồng. Các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp được sử dụng để làm thức ăn cho cá và gia cầm.

Nông dân huyện vùng biên thu tiền tỷ nhờ phát triển mô hình trang trại tổng hợp - Ảnh 3.

Ông Đặng Văn Vang chăm sóc đàn heo nái.

Tương tự, ông Đặng Văn Vang ở thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú cũng áp dụng mô hình trang trại tổng hợp và mang lại lợi nhuận hằng năm trên 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn thu ổn định từ 4ha cà phê, 1ha cây ăn quả, gia đình ông Vang còn làm trang trại heo với quy mô 30 con heo nái và khoảng 100 con heo thịt. Nhờ áp dụng tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, đàn heo của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, cung ứng ổn định nguồn heo giống và heo thịt chất lượng ra thị trường.

Bên cạnh đó, chuồng trại được gia đình ông Vang chăn nuôi cách xa khu dân cư, có hệ thống biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống. Nguồn phân heo thải ra được gia đình ông Vang tận dụng để bón cho cây trồng.

Nông dân huyện vùng biên thu tiền tỷ nhờ phát triển mô hình trang trại tổng hợp - Ảnh 4.

Ông Vang bộc bạch: Việc kết hợp giữa cây trồng và vật nuôi đang là mô hình rất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là việc tiết kiệm đáng kể chi phí phân bón và đa dạng nguồn thu nhập từ các loại cây trồng, vật nuôi. Thời gian đến, gia đình dự kiến sẽ tăng quy mô, số lượng đàn heo để nâng cao hơn nữa nguồn thu nhập, làm động lực đẻ bà con nhân dân học hỏi và làm theo.

Cùng ở thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú, ông Nguyễn Văn Thành cũng có thu nhập cao từ mô hình trang trại tổng hợp. Tham quan trang trại rộng hơn 10,5ha của ông Nguyễn Văn Thành (63 tuổi, thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú) chúng tôi ấn tượng bởi quy mô trang trại, mô hình sản xuất, chăn nuôi theo phương thức khép kín tuần hoàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nông dân huyện vùng biên thu tiền tỷ nhờ phát triển mô hình trang trại tổng hợp - Ảnh 5.

Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Thành rộng hơn 10,5ha, mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ: Gia đình tôi hiện nay chủ yếu chăn nuôi giống heo siêu nạc Greenfeed Việt Nam (cả heo thịt và heo giống); ngoài ra còn trồng các loại cây như cà phê, tiêu, cau, trồng sen và nuôi ốc nhồi, cá, ba ba…; tổng lợi nhuận hàng năm gia đình khoảng từ 1- 1,2 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Út - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: Thấy được hiệu quả của mô hình trang trại tổng hợp, rất nhiều hộ nông dân tại huyện Ngọc Hồi đang chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng các loại cây và kết hợp chăn nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Ngọc Hồi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả, trong đó chú trọng phát triển mô hình hình trang trại tổng hợp.