Nghề trồng mai kiểng, kinh doanh mai kiểng đã mang về thu nhập cho gia đình anh Dương Tấn Lợi, nông dân ấp Phú Mỹ, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) hơn 900 triệu đồng/năm.
Trên 4.000m2 đất, anh Tấn Lợi sử dụng 1.000m2 trồng gốc nguyên liệu như: cam, mít, sầu riêng để bán cho người dân sản xuất cây giống.
Diện tích đất còn lại, anh chuyên sản xuất và kinh doanh mai kiểng theo thị hiếu khách hàng. Trung bình mỗi năm, anh sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 40.000 chậu mai kiểng nhỏ và 1 ngàn cây mai kiểng lớn.
Khoảng 2 năm gần đây, anh Tấn Lợi đẩy mạnh phương thức bán hàng trực tuyến như: livestream TikTok, Zalo, Facebook...
Trung bình mỗi ngày, anh có được từ 10 - 20 đơn hàng tiêu thụ sản phẩm mai kiểng các loại. Theo anh Lợi, bản thân luôn tuyển chọn và nhân giống mai kiểng giống mới để đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng.
“Lúc đầu, tôi gặp khó khăn khi mới tiếp cận và bán sản phẩm trên không gian mạng. Tôi đã tìm tòi học hỏi và tích góp kinh nghiệm để theo kịp cùng phương thức bán hàng qua mạng xã hội.
Hiện tại, tôi đã bán được sản phẩm cây gốc nguyên liệu và mai kiểng của gia đình tốt hơn so với kiểu bán truyền thống thông qua việc áp dụng công nghệ chuyển đổi số”, anh Tấn Lợi tâm sự.
Anh Dương Tấn Lợi, nông dân trồng mai kiểng (mai vàng), kinh doanh mai kiểng ở ấp Phú Mỹ, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) đang tạo tán mai kiểng.
Anh Tấn Lợi đầu tư hơn 15 triệu đồng để trang bị giàn lưới che cho cây. Ngoài ra, anh còn đầu tư hơn 20 triệu đồng xây dựng ao chứa nước ngọt (hơn 70m3 nước) phục vụ tưới cho cây gốc nguyên liệu và mai kiểng.
Hệ thống nước tự động được kết nối ao chứa để tưới gián tiếp theo biến động thời tiết cho những chậu mai kiểng được trồng trên đất và dùng ống nước để tưới trực tiếp cho những chậu mai kiểng được trồng trong chậu.
Phó bí thư Xã đoàn - Chủ tịch Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre)-Nguyễn Văn Sung cho biết: Thời gian qua, Xã đoàn và Ủy ban Hội rà soát về tiềm năng trong việc phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên địa phương.
Hội thường xuyên kết nối nguồn vốn hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế bền vững; phối hợp hướng dẫn kỹ thuật canh tác hay kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, thúc đẩy quá trình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên địa phương.
“Anh Dương Tấn Lợi là nông dân điển hình thời hiện đại, hội viên tiêu biểu trong Tổ hội nông dân nghề nghiệp hoa kiểng ấp Phú Mỹ. Anh Tấn Lợi đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho từ 5 - 11 lao động phổ thông nông thôn.
Ngoài ra, anh còn giúp đỡ 4 hộ nghèo và thường xuyên tổ chức tặng quà cho người dân nghèo, đóng góp kinh phí cho công tác an sinh xã hội tại địa phương. Anh vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam được 10 năm và đang sinh hoạt tại Chi bộ ấp Phú Mỹ. Anh đã được lãnh đạo các cấp trao tặng nhiều phần thưởng cao quý”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) Khấu Hoàng Vĩnh nói.