17 giờ 30 chiều hàng ngày, anh Nguyễn Hoàng Nam lại chen chân vào dòng người từ công ty trên đường Nguyễn Thị Minh Khai về nhà tại TP.Thủ Đức.
Đối với anh Nam, con đường khoảng 10km từ nơi làm việc đến nhà là nỗi ám ảnh trong nhiều năm qua, bởi không chỉ anh mà còn hàng nghìn người khác cùng chung tuyến đường này vào mỗi ngày.
Nhiều năm qua, các tuyến đường xung quanh khu vực ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trở thành nỗi khiếp sợ của người dân về ùn tắc giao thông.
Ghi nhận của PV Dân Việt, vào cuối giờ chiều, cửa ngõ TP.HCM - khu vực ngã tư Hàng Xanh luôn xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Dòng xe phủ kín mặt đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn một chiều từ nút giao Hàng Xanh đến ngã 5 Đài Liệt sĩ, quận Bình Thạnh. Xe máy, ô tô, xe buýt... chen chúc nhau nối thành hàng dài là cảnh thường xảy ra tại đoạn đường này.
Nếu buổi sáng kẹt xe ở đường Đinh Bộ Lĩnh thì chiều tối lại ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại ngã tư Hàng Xanh.
Đây là giao lộ của 2 trục đường lớn là Xô Viết Nghệ Tĩnh và Điện Biên Phủ, kết nối khu vực trung tâm thành phố với các địa bàn cửa ngõ. Người dân ở khu vực các quận trung tâm muốn đi về phía miền Đông và ngược lại, thường phải qua ngã tư Hàng Xanh.
"Con đường đi làm chưa bao giờ mệt mỏi đến thế. Buổi sáng kẹt, chiều về nhà cũng kẹt. Những hôm trời mưa, di chuyển ngoài đường hàng tiếng đồng hồ cũng chưa về đến nhà, khổ lắm", anh Nam than thở.
Tương tự, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng cũng diễn ra như cơm bữa trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4).
Dài khoảng 2km, đường Nguyễn Tất Thành bắt đầu từ cầu Khánh Hội, kết thúc ở cầu Tân Thuận. Mặt đường rộng 14m, 4 làn xe, một bên là khu dân cư dày đặc, trường học, cơ sở kinh doanh. Phía còn lại phần lớn diện tích thuộc cảng Sài Gòn. Ngoài là hướng chính kết nối quận 1 sang Nam Sài Gòn, các tuyến nhánh dẫn ra đường Nguyễn Tất Thành như Hoàng Diệu, Tôn Đản, Bến Vân Đồn...
Không chỉ vào giờ cao điểm mà ngay cả những khung giờ bình thường, người dân vẫn luôn phải chịu cảnh chen chúc, mệt mỏi khi lưu thông qua con đường này.
"Tôi luôn cố tránh đi vào tuyến đường này nhưng vì tính chất công việc nên không thể không đi. Kẹt xe khủng khiếp, đặc biệt là vào giờ cao điểm, phương tiện giao thông như chôn chân tại tuyến đường này", chị Thanh Hồng (trú quận 10) chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, khả năng thông hành của đường Nguyễn Tất Thành hiện đã vượt quá 140%. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tuyến đường này đã xảy ra 811 lần ùn tắc, dẫn đầu danh sách các điểm nóng về giao thông của TP.HCM.
Hai tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh và ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, cũng trong danh sách những điểm nóng kẹt xe ở TP.HCM nhiều năm nay.
Trong đó, cảnh ùn tắc nghiêm trọng nhất trên tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ nút giao Bạch Đằng tới ngã 5 Đài Liệt sĩ. Trong 9 tháng đầu năm nay, đoạn này được ghi nhận xảy ra đến 615 vụ ùn ứ.
Tương tự, đường Trường Chinh ở cửa ngõ phía Tây Bắc TP cũng quá tải nghiêm trọng. Đây là trục huyết mạch kết nối các quận Tân Phú, Tân Bình vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm TP nên mật độ xe luôn dày đặc. Trong đó, đoạn thường xuyên ùn ứ xảy ra từ đường Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý, dài gần 300m. Chín tháng đầu năm nay, đoạn này xảy ra 569 vụ kẹt xe.
Ngoài các khu vực trên, thống kê tại TP.HCM còn 20 điểm nguy cơ ùn tắc khác, đa phần ở các đường trục chính, cửa ngõ, nút giao.
Trong đó, một số điểm kẹt xe đã tồn tại nhiều năm chưa có dấu hiệu chuyển biến, như: nút giao An Phú, Nguyễn Thị Định đoạn gần cảng Cát Lái (TP Thủ Đức), Dương Bá Trạc (quận 8), nút giao Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (Bình Thạnh)...
Để giảm thiểu tình trạng kẹt xe tại các điểm nóng, Sở GTVT TP.HCM cho hay, đơn vị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, thông qua trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh. Trong đó, các đơn vị đang thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu 1.021 camera giám sát giao thông, 118 camera đo đếm lưu lượng xe chuyên dụng.
Dựa trên dữ liệu thu thập được, hệ thống sẽ tính toán tốc độ trung bình, mật độ xe, từ đó tự động đưa ra các cảnh báo. Thông qua hệ thống quan trắc và thu thập dữ liệu, các thông số như lưu lượng xe, vận tốc trung bình... cũng được phân tích và đưa ra phương án điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại 216 nút giao trọng điểm khu vực trung tâm TP, tương ứng với từng thời điểm và tình hình giao thông theo thời gian thực trong ngày.
Cạnh đó, ngành giao thông TP đang thực hiện các giải pháp cung cấp thông tin giao thông qua hệ thống website, ứng dụng và 73 bảng điện tử để người dân chọn lộ trình phù hợp tránh dồn đến khu vực kẹt xe.
Riêng một số điểm ùn tắc, Sở GTVT đã đề xuất TP ưu tiên đầu tư nhiều dự án lớn giai đoạn từ nay tới năm 2030, như mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh...
Ở khu Nam, dự án cầu - đường Nguyễn Khoái chuẩn bị được triển khai được kỳ vọng giảm áp lực giao thông cho tuyến Nguyễn Tất Thành.