Bạn đọc Quỳnh Hương (Hà Nội) hỏi:
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ tháng 1/2025. Vậy xin hỏi, trường hợp nào trường hợp nào cảnh sát giao thông được phép dừng phương tiện. Quy định mới này có gì khác so với các quy định hiện nay?
Luật sư Ma Văn Giang - Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm các quy định, Luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông xung quanh.
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định về các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra, kiểm soát mà giao cho Bộ trưởng Công an quy định chi tiết.
Cụ thể, Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ trưởng Công an quy định về các trường hợp Cảnh sát được dừng các phương tiện giao thông để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch, cụ thể như sau:
Phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Cảnh sát giao thông thực hiện mệnh lệnh kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
Thực hiện văn bản dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; Phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác của cơ quan chức năng; Khi cảnh sát nhận được tin báo phản ánh, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã quy định rõ cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau:
Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác; Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được;
Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh;
Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.
Như vậy theo luật sư Giang, so với quy định hiện hành tại Thông tư 32/2023/TT-BCA, quy định mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định chặt chẽ hơn và nêu rõ chỉ trường hợp phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được vi phạm thì mới phải dừng xe. Trường hợp không cần dừng phương tiện vẫn kiểm tra, kiểm soát được thì không phải dừng xe.
Ngoài ra Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng quy định các biện pháp phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bao gồm:
Vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Hệ thống camera trên tuyến giao thông, trong đô thị; công trình, hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe cơ giới.
Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông; Khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; Tiếp nhận dữ liệu thu thập từ công trình kiểm soát tải trọng xe.
Khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quan sát, kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu trực tiếp của người thực thi công vụ.
Tiếp nhận, xử lý tin báo, phản ánh, kiến nghị, dữ liệu thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân theo quy định của Chính phủ.