Ngày 11/11, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Linh (SN 1972, ngụ tỉnh Bến Tre) và Lý Thị Ngọc Bích (SN 1979, ngụ quận Gò Vấp) để điều tra nhiều dấu hiệu phạm tội, trong đó có việc lừa "chạy án".
Động thái này được cơ quan điều tra đưa ra trong quá trình mở rộng vụ án buôn lậu hơn 700 viên kim cương tự nhiên, trị giá hàng chục tỷ đồng, qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất gần 2 tuần trước. Trong đó, Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai (quốc tịch Ấn Độ) bị bắt về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gần 2 tuần trước.
Theo cảnh sát, quá trình mở rộng vụ án để điều tra, Công an TP.HCM đã triệu tập Linh lên làm việc, tuy nhiên, người phụ nữ đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Sau đó, Linh liên hệ với Lý Thị Ngọc Nga (SN 1977, ngụ quận Gò Vấp) để nhờ lo lót không bị xử lý hình sự. Được nhờ vả, Nga đã gọi điện thoại cho em ruột là Bích để thực hiện giúp Linh.
Bích có liên hệ với một số cá nhân quen biết ngoài xã hội, trao đổi về việc "chạy án" cho Linh và đối tượng Shaileshkumar (quốc tịch Ấn Độ). Bích gặp Linh, hứa hẹn sẽ kiếm người liên hệ với cán bộ thụ lý vụ án, lo cho nữ nghi phạm để không bị xử lý hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt, đồng thời kiếm luật sư để đi cùng với Linh đến trình diện cơ quan công an.
Để thực hiện việc này, Bích yêu cầu Linh chuẩn bị tiền để lo việc "chạy án". Linh đồng ý và mượn của người quen số tiền 1,2 tỷ đồng đưa cho Bích.
Sau khi nhận số tiền này, Bích có sử dụng 150 triệu đồng để trả phí thuê luật sư cho Linh, ngoài ra người này không thực hiện bất kỳ nội dung nào khác. Số tiền còn lại, Bích cất giữ tại nhà và bị cơ quan điều tra khám xét, thu giữ.
Tại cơ quan điều tra, Linh và Bích thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ, kim khí, đá quý qua biên giới phải khai báo hải quan, tuân thủ quy định về xuất nhập khẩu, về quản lý ngoại hối và quy định về vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không khai báo hải quan có thể bị xử lý hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng đã phát hiện bắt quả tang người nước ngoài vận chuyển hơn 700 viên kim cương qua biên giới, qua cửa khẩu hàng không, hành vi này có dấu hiệu tội phạm và bắt quả tang nên việc xử lý hình sự là không tránh khỏi.
Bởi vậy, một số đối tượng đưa ra thông tin là có thể dùng tiền để "chạy án" là gian dối với mục đích để chiếm đoạt tài sản. Pháp luật nghiêm cấm hành vi sử dụng tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để tác động với người có thẩm quyền nhằm bỏ lọt tội phạm.
Vì thế, nếu người cầm tiền đó thực hiện hành vi đưa hối lộ (mục đích là đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn để không bị xử lý hình sự) sẽ bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự.
Còn trường hợp cầm tiền chạy án mà không thực hiện hành vi đưa hối lộ để chạy án cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì họ không có thẩm quyền và việc hứa hẹn có thể chạy án trót lọt là gian dối.
Theo ông Cường, với hành vi khoe các mối quan hệ, nhận số tiền hơn 1 tỷ đồng để hứa hẹn cho một người không bị xử lý hình sự là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản nên có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chạy án không thành công đều bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có những trường hợp cả hai bên (người có nhu cầu chạy án và người giúp chạy án) đều có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt và số tiền đó sẽ bị tịch thu.
Hành vi chạy án và nhờ người chạy án chỉ xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu như cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ chứng minh trong vụ việc này có thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt tiền của người khác.
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, tùy tính chất, hành vi mà những người "chạy án" trong vụ việc này sẽ bị xử lý về những tội danh như đã nêu trên.