Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải. Cụ thể, 8 nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương thực hiện canh tác 71ha giống lúa Nhật (DS1) theo quy trình kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ (AWD) do Công ty CP Net Zero Carbon phối hợp với Công ty BSB Nanotech triển khai.
Nông dân Chung Tấn Em ở ấp Kiên Sơn, xã Kiên Bình (huyện Kiên Lương) là người nhận được số tiền thưởng cao nhất, lên đến hơn 43 triệu đồng. Theo ông Em, vụ hè thu 2024, ông liên kết với các doanh nghiệp trồng 29ha lúa theo quy trình canh tác lúa giảm phát thải. Toàn bộ quy trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa được sự hỗ trợ theo dõi, quản lý của nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp.
Khi tham gia mô hình, ông Em chú trọng thực hiện theo đúng khuyến cáo về lượng phân bón, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, nhất là quy trình rút nước trên đồng ruộng.
Từ đó, kết quả thu hoạch cuối vụ, ruộng lúa của ông đã giảm được lượng phát thải khoảng 116 tấn CO2. Ngoài thu được lợi nhuận từ cây lúa, ông còn nhận được một khoản tiền thưởng 43 triệu đồng từ doanh nghiệp liên kết.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Chung Tấn Em phấn khởi cho biết, đây là khoản tiền thưởng vô cùng bất ngờ mà bản thân ông lần đầu thực hiện được trên chính đồng ruộng của mình.
Thời điểm đầu vụ do mưa nhiều nên ông Em khá lo ngại lúa bị thất thoát, nhưng ông vẫn nhẫn nại thực hiện đúng các giải pháp kỹ thuật dự án đưa ra. Đến cuối vụ, năng suất đạt trung bình khoảng 7,6 tấn/ha, cao hơn mức bình quân trong vùng canh tác theo truyền thống (7,1 tấn/ha). Chi phí đầu tư theo mô hình khoảng 28,5 triệu đồng/ha, thấp hơn gần 10,4% so với chi phí trung bình trong vùng là 31,8 triệu đồng/ha.
Trước đó, 38 nông hộ ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) cũng lần đầu tiên nhận được tiền thưởng nhờ thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác "1 phải 5 giảm" và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, có 30 hộ dân nhận được 500.000 đồng/hộ; 8 hộ dân còn lại, mỗi hộ nhận được 1 triệu đồng.
Sở NNPTNT Cần Thơ cho biết, trong vụ lúa đông xuân (từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024), Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI phối hợp với Sở chọn ra 100 hộ nông dân thuộc HTX Khiết Tâm và HTX Quỳnh Phúc (cùng ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh) tham gia cuộc khảo sát về trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính.
Sơ kết cuộc khảo sát, Ban tổ chức đã chọn ra 38 hộ dân trồng lúa giảm phát thải nhiều nhất để trao thưởng. Trong đó, có 30 hộ dân trồng lúa giảm được dưới 1 tấn CO2e/ha và 8 hộ dân trồng lúa giảm trên 1 tấn CO2e/ha.
Đây là những hộ nông dân đều được hướng dẫn các kỹ thuật sản xuất lúa phát thải thấp, khuyến khích sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống và phân hóa học, áp dụng phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ và sử dụng máy gặt đập liên hợp. Ngoài ra, người dân còn được giới thiệu về công cụ số, phục vụ ghi chép số liệu, lưu dữ liệu và đánh giá kết quả canh tác lúa theo hướng phát thải thấp. Qua đó, nông dân sẽ hiểu rõ hơn về cách trồng lúa phát thải khí nhà kính theo từng mức độ khác nhau.
Kết quả giảm phát thải tại ruộng lúa của 38 hộ dân nói trên chủ yếu nhờ vào việc giảm sử dụng phân đạm, giảm đốt rơm và giảm lượng nước nhờ kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ.
Trong khi đó, tại vùng trồng lúa xã Bình Hoà (Krông Ana, Đắk Lắk), lần đầu tiên doanh nghiệp liên kết (Công ty Cổ phần Net Zero Carbon) đã mua gần 17 tấn khí CO2 từ mô hình trồng lúa giảm phát thải, với giá 20USD/tấn.
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk), hàng năm toàn tỉnh sản xuất lúa ổn định trên 100.000 ha, sản lượng ước đạt 800.000 tấn/năm. Việc bán thành công tín chỉ carbon từ mô hình canh tác lúa giảm phát thải tại xã Bình Hòa là cơ sở quan trọng để Đắk Lắk phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh. Từ đó, góp phần cùng ngành lúa gạo Việt Nam chuyển đổi sang con đường phát triển xanh, bền vững.
Mặc dù không được thưởng tiền như các nông dân trồng lúa ở Cần Thơ, Đắk Lắk, Kiên Giang, nhưng trong lĩnh vực chăn nuôi, rất nhiều chủ trang trại ví hầm biogas như là "cứu tinh" của họ trong việc xử lý chất thải chăn nuôi. Biện pháp này vừa hạn chế phát thải khí nhà kính, tạo ra điện phục vụ thắp sáng, sản xuất mà thậm chí nếu dư thừa còn có thể bán điện cho người có nhu cầu.
Ông Nguyễn Thành Viễn, chủ trang trại nuôi heo gia công cho Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh Bình Phước tại ấp 5, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) cho biết, hiện trang trại đang nuôi hơn 2.000 con heo thịt nên mỗi ngày, lượng chất thải trong quá trình chăn nuôi rất lớn.
Khu chăn nuôi của ông Viễn được xây dựng năm 2016, gần như biệt lập với bên ngoài, do đó ban đầu ông Viễn rất lo lắng việc thiếu điện để vận hành trang trại, nhất là khi trang trại áp dụng nhiều máy móc công nghệ cao, hệ thống quạt, hệ thống làm mát, hệ thống cho ăn, uống tự động... Nếu chẳng may mất điện thì mọi công đoạn đều bị đình trệ, ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng, thậm chí chết heo.
Qua thời gian tìm hiểu, ông Viễn quyết định đầu tư gần nửa tỷ đồng để lắp đặt hệ thống hầm xử lý chất thải từ chăn nuôi heo và tạo khí biogas. Theo đó, ông đào hố và lắp đặt túi khí lớn hơn, sâu hơn đồng thời đầu tư mua máy phát điện bằng khi gas, xây dựng lại hệ thống dẫn chất thải và lắp đặt hệ thống dẫn khí lớn hơn.
Từ khi lắp đặt hệ thống máy phát điện chạy bằng khí biogas, toàn bộ nguồn khí sản sinh được trong quá trình xử lý chất thải từ chăn nuôi heo đã được ông tận dụng triệt để. Với hệ thống điện này, ông Viễn lắp đặt trở lại để chiếu sáng, sưởi cho heo. Ngoài ra, ông còn dùng vào việc thắp sáng trang trại. Nhờ hệ thống điện biogas này mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm gần 100 triệu đồng tiền điện.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, một trang trại nuôi 100 con lợn, một ngày đêm tiêu thụ ít nhất 100kWh điện, nếu sử dụng máy phát điện biogas chi phí cho tiền điện giảm đáng kể. Bên cạnh đó, biogas còn giúp người chăn nuôi thoát khỏi cảnh sống chung với mùi hôi và những mầm bệnh tiềm ẩn từ các chất thải của vật nuôi.
Theo TS. Nguyễn Duy Điều, Phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), nông nghiệp là một trong những ngành phát thải khí nhà kính cao nhất tại Việt Nam, chiếm tới 30% tổng lượng phát thải của cả nước. Các nguồn phát thải chủ yếu tập trung trong ba lĩnh vực chính: trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc và gia cầm, quản lý đất và phân bón hóa học. Những yếu tố này đều góp phần vào việc thải ra khí metan (CH4), oxit nitơ (N2O), và CO2 - ba loại khí nhà kính có tác động rất mạnh đến biến đổi khí hậu.
Trong đó, trồng lúa nước là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm tới 50% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, tương đương với 49,7 triệu tấn CO2 mỗi năm. Do lúa thường được trồng trong điều kiện ngập nước, môi trường ruộng lúa trở thành nơi lý tưởng cho vi sinh vật kỵ khí phát triển mạnh, tạo ra khí metan trong quá trình phân hủy hữu cơ. Khí metan có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 28 lần so với CO2, do đó lượng metan phát sinh từ trồng lúa có tác động lớn tới biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tập quán canh tác truyền thống với việc ngập nước liên tục còn khiến cho quá trình phân hủy rơm rạ sau thu hoạch trở nên khó kiểm soát. Rơm rạ bị bỏ lại trên đồng ruộng thường bị đốt để chuẩn bị cho vụ tiếp theo, tạo ra một lượng lớn CO2 và làm gia tăng ô nhiễm không khí. Mặc dù việc đốt rơm rạ là phương pháp dễ dàng và tiết kiệm thời gian, nhưng lại gây tổn hại lớn cho môi trường và sức khỏe của cộng đồng xung quanh.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp, tương đương 18,5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Trong chăn nuôi, lượng khí thải metan chủ yếu phát sinh từ quá trình tiêu hóa của động vật nhai lại (như bò) và phân hủy chất thải.
Bò và các động vật nhai lại thải ra khí metan trong quá trình tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là khi được nuôi dưỡng bằng cỏ và thức ăn thô, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thường gặp khó khăn trong việc xử lý chất thải đúng cách, dẫn đến tình trạng phân hủy yếm khí không kiểm soát.
"Quản lý đất và sử dụng phân bón hóa học chiếm khoảng 13% tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp, tương đương với 13,2 triệu tấn CO2. Việc lạm dụng phân bón hóa học trong canh tác không chỉ gây ô nhiễm đất và nước, mà còn làm phát sinh khí N2O, một loại khí nhà kính mạnh hơn CO2 tới 265 lần. Khí N2O sinh ra từ phân bón hóa học khi không được cây trồng hấp thụ hết và chuyển hóa trong đất, đặc biệt là trong điều kiện ẩm ướt" - ông Điều thông tin.
Trong khi đó, chuyển đổi xanh, giảm phát thải đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường. Hoạt động này gồm nhiều hạng mục như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Bà Phạm Thị Vượng, Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam cho biết, một trong những giải pháp hiệu quả vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi đó là thu gom phụ phẩm, chất thải để xử lý làm phân bón hữu cơ và năng lượng sinh học thông qua hệ thống biogas.
"Nhiều cơ sở chăn nuôi lớn và các hợp tác xã đã đi đầu trong việc áp dụng hệ thống biogas, vừa xử lý chất thải hiệu quả, vừa sản xuất khí đốt phục vụ nhu cầu năng lượng của trang trại và hộ gia đình. Theo thống kê, việc sử dụng biogas có thể giảm tới 60% lượng khí thải metan, đồng thời giúp cắt giảm đáng kể chi phí năng lượng cho các hộ chăn nuôi. Đặc biệt, các sản phẩm phụ từ hệ thống biogas còn có thể được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, giúp cải tạo đất trồng, nâng cao năng suất cây trồng và giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học" - bà Vượng thông tin.
Cũng theo bà Vượng, với những trang trại quy mô lớn, hệ thống biogas hiện đại còn có khả năng cung cấp đủ điện và gas để duy trì hoạt động của toàn bộ cơ sở chăn nuôi, thậm chí còn có thể bán lượng khí dư thừa ra thị trường. Điều này giúp người chăn nuôi không chỉ giảm chi phí mà còn tạo thêm nguồn thu nhập ổn định.
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp, HTX cũng giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng lẫn đối tác. Việc phát triển sản xuất xanh, tạo ra sản phẩm xanh không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ môi trường của mỗi tác nhân tham gia sản xuất, mà còn là cơ hội "vàng" để các doanh nghiệp, HTX tăng cường tính nhận dạng thương hiệu, nhất là trong bối cảnh khách hàng đang ngày càng đánh giá cao và ưa chuộng các doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề bảo vệ môi trường và xã hội.