Dân Việt

Bà Trần Tố Nga: “Vụ kiện chống lại 14 tập đoàn hóa chất Mỹ đã mang tính toàn cầu"

Định Nguyễn - Yến Thanh 13/11/2024 12:54 GMT+7
Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Trần Tố Nga khẳng định vở kịch "Những thân thể nhiễm độc" không phải câu chuyện về cuộc đời bà, mà câu chuyện về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của toàn dân tộc.

Sau hai năm công diễn tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Pháp, vở kịch Những thân thể nhiễm độc đã về Việt Nam. Tác phẩm biểu diễn phục vụ khán giả vào ngày 5/11 tại Idecaf, TP Hồ Chí Minh, ngày 9/11 tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng và ngày 15/11 tới tại Hà Nội.

Những thân thể nhiễm độc nói về cuộc đời và những cuộc chiến đấu của bà Trần Tố Nga - người từng tham gia kháng chiến, bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong hơn 10 năm, bà một mình đứng lên khởi kiện chống lại 14 tập đoàn hóa chất Mỹ, tố cáo tội ác cung cấp 80 triệu lít chất khai quang trong đó có chứa một nồng độ lớn chất độc dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Vụ kiện của bà đã trở thành tiền đề cho nhiều cuộc đấu tranh vì môi trường, loạt bỏ các chất độc hủy hoại loài người. Những năm qua, bà Trần Tố Nga được mời tham dự nhiều vụ kiện liên quan tới môi trường trên thế giới, trở thành biểu tượng cho những khao khát về một thế giới công bằng, tốt đẹp.

Bà Trần Tố Nga: “Vụ kiện chống lại 14 tập đoàn hóa chất Mỹ đã mang tính toàn cầu"- Ảnh 1.

Bà Trần Tố Nga chia sẻ với PV Dân Việt. (Ảnh: Định Nguyễn)

Mới đây, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Tố Nga, trước khi vở kịch Những thân thể nhiễm độc được công diễn tại Hà Nội:

Sau hai năm công diễn tại hầu hết thành phố của nước Pháp và lay động trái tim hàng ngàn khán giả, lần đầu tiên vở kịch Những thân thể nhiễm độc được biểu diễn tại Việt Nam. Cảm xúc của bà thế nào khi chứng kiến sự đón nhận của khán giả tại TP.HCM và Đà Nẵng những ngày qua?

- Nhiều năm qua, người Việt Nam (đặc biệt là giới trẻ) ít được tiếp cận với những tác phẩm thuộc đề tài lịch sử. Dù nền giải trí ngày càng phát triển, dường như ít người làm nghệ thuật chú ý tới các thông điệp về lịch sử, văn hóa dân tộc, hay phản ánh tâm hồn, tính cách người Việt.

Những thân thể nhiễm độc về Việt Nam với một mong muốn như vậy. Vở kịch nói về cảm xúc và hành trình của một người, nhưng với tôi đó không phải là điều cốt yếu. Lớn lao và ý nghĩa hơn, tác phẩm nhắc lại một giai đoạn lịch sử khốc liệt của đất nước, khắc họa những thảm họa do chiến tranh mang lại.

Những ngày công diễn vừa qua, tôi hạnh phúc khi chứng kiến nhiều khán giả tới xem và đồng cảm. Trong số đó có nhiều người Pháp, người từng tham gia kháng chiến, cũng có các cháu nhỏ đang là học sinh, những người không hiểu tiếng Pháp. Họ xúc động khi theo dõi tác phẩm và rất nhiều người rơi nước mắt.

Đạo diễn của vở kịch Những thân thể nhiễm độc - Marine Bachelot Nguyễn đã tiếp xúc với câu chuyện về cuộc đời bà như thế nào?

- Chúng tôi không hề gặp nhau trước khi vở kịch này được công diễn. Sau khi đọc cuốn sách của tôi và tìm hiểu về chặng đường đấu tranh của tôi, Marine Bachelot Nguyễn đã tìm được cảm hứng và quyết định bắt tay vào xây dựng tác phẩm. Cô gửi mail tới tôi để xin phép và chia sẻ: “Ngoài việc kính trọng và thương mến Trần Tố Nga, tôi muốn gửi gắm vẻ đẹp, sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam thông qua vở kịch này”.

Ngày vở kịch ra mắt, tôi tới xem và rất cảm phục bởi tài năng và sự sâu sắc của Marine Bachelot Nguyễn (đạo diễn), khả năng diễn xuất của nữ diễn viên Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné. Cô độc thoại trong 90 phút, truyền tải trọn vẹn cảm xúc trong từng phân đoạn. Tuy không biết tiếng Việt nhưng Angelica cất tiếng hát đầy tự hào: “Ta vượt qua đỉnh núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn”...

Tôi mang ơn bởi tình yêu của họ dành cho Việt Nam. Thông qua tác phẩm, khán giả Pháp biết tới Việt Nam, đồng cảm với Việt Nam nhiều hơn. Họ cũng chia sẻ và ủng hộ với hành trình chiến đấu của tôi - vì công lý.

Bà Trần Tố Nga khẳng định vụ kiện của bà sẽ không dừng lại. (Clip: Định Nguyễn)

Ngày 22/8 vừa qua, Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) ra phán quyết bác đơn của bà trong vụ kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, như bà đã tuyên bố, hành trình này chắc chắn chưa dừng lại?

- Ngay từ khi bắt đầu vụ kiện, tôi đã hiểu rằng con đường của mình sẽ rất gian nan và không thể nhắc tới những từ như “đuối sức” hay “bỏ cuộc”. Đây là cuộc đấu tranh mang tên một người, nhưng lại là cuộc chiến của hàng triệu người bị chất độc da cam. Đó còn là cuộc chiến của nhân loại - của những người khao khát đứng lên về lẽ phải.

Cũng như vở kịch Những thân thể nhiễm độc, mỗi hành động, sự kiện, bài báo đều góp phần tích cực và quan trọng cho cuộc đấu tranh này. Tuy tòa đưa ra phán quyết bác đơn nhưng chúng tôi đã tạo ra những thắng lợi, dấu ấn tích cực về chính trị. Từ cuộc chiến của một người, vụ kiện trở nên mang tính toàn cầu, được người dân nhiều nước ủng hộ, trong đó có Bỉ, Pháp, Thuỵ Sĩ…

Hơn chục năm qua, chúng tôi đã đi một bước rất dài khi làm cho thảm họa chất độc da cam được biết đến rộng rãi trên thế giới. Trong phiên tòa phúc thẩm, luật sư của tôi - một người Pháp cũng khẳng định, ông ấy sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì Việt Nam, dù không nhận một đồng thù lao nào cả.

Những năm qua, bà đã đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Có câu chuyện nào khiến bà còn nhớ mãi?

- Tôi đi khắp nơi, gặp rất nhiều người, có rất nhiều câu chuyện khiến tôi xúc động. Bên cạnh các trường hợp bi thương như chúng ta vẫn thấy, không ít người nhiễm chất độc màu da cam rất giỏi, có thể tạo việc làm cho những người bị chất độc màu da cam khác, xuất khẩu hàng hóa ra cả nước ngoài… Tại các cuộc trò chuyện với công chúng quốc tế, tôi cũng không muốn chia sẻ nhiều về những nỗi đau. Thứ tôi muốn họ hiểu nhiều hơn là người Việt Nam rất kiên cường trước những nghịch cảnh, và trong bất kỳ tình huống nào chúng tôi sẽ không bỏ cuộc.

Là một người phải chiến đấu với căn bệnh ung thư và những di chứng của chất độc màu da cam, dường như bà cũng luôn mang trong mình tinh thần như vậy?

- Tôi không muốn nói tới những điều này, vì với tôi đó chỉ là câu chuyện riêng. Những năm qua, tôi luôn bền bỉ chặng đường của mình, đó đã là câu trả lời rõ ràng nhất.

Với thế hệ trẻ, bà muốn nhắn nhủ điều gì?

- Tôi năm nay đã 83 tuổi, cuộc chiến đấu vì công lý cho nạn nhân da cam sẽ còn đi tiếp và chưa biết bao giờ sẽ phải dừng lại. Từ cuộc chiến của một người, hiện nay tôi đã có hàng ngàn người ủng hộ, rất nhiều người trẻ đồng hành, hoạt động tích cực và bền bỉ. Tôi hay gọi họ là “đội quân trẻ của tôi”. Với họ, tôi luôn nhắc đi nhắc lại: “Khi tôi mất rồi, các bạn sẽ là người thay thế và đi tiếp”.

Những ngày tháng tới, tôi rất muốn người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ biết tới vụ kiện này nhiều hơn, biết tới những hậu quả khủng khiếp chiến tranh mang lại. 

Giới trẻ của chúng ta không vô cảm, chỉ là chúng ta chưa cho họ nhiều cơ hội để “chạm” vào những dấu tích của lịch sử dân tộc, “chạm” vào những câu chuyện chứa nhiều thông điệp ý nghĩa về đất nước này.

Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Vở kịch “Những thân thể nhiễm độc” sẽ được công diễn tại Long Biên (Hà Nội) vào ngày 15/11. Vé hiện đang được bán trên trang web Ticketbox.

Chia sẻ về tác phẩm, biên kịch, đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn cho biết: “Mục tiêu của tôi ở vở kịch này là tạo ra một màn độc thoại truyền cảm và độc đáo, tái hiện xuyên suốt các thời kỳ, tạo ra cầu nối và những điều bất ngờ. Điều khiến tôi quan tâm không phải là bộ phim tiểu sử được thần thánh hóa, mà là cách cơ thể và tâm hồn của người phụ nữ này kể câu chuyện cho khán giả. Làm thế nào để lịch sử và thế giới lại chảy trong cơ thể ấy, trong từng tế bào và cả trong trí tưởng tượng của bà...”.

Trong khi đó, là một trong những khán giả từng xem buổi công diễn vở kịch “Những thân thể nhiễm độc” tại Pháp, chị Jang Kều (Nguyễn Thị Hương Giang) viết: “Vở diễn kết thúc với những tràng pháo tay và tiếng hô vang không ngớt "Justice pour Trần Tố Nga!" (Công lý cho Trần Tố Nga). Rất nhiều khán giả bật khóc vì xúc động. Bà Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp quay sang ôm lấy tôi và bảo: "Tôi biết bạn đang xúc động và tự hào vì bác của bạn lắm! Hãy khóc nữa đi!", rồi bà đi lên phía trái sân khấu. Sau đó, ngài Thị trưởng Thành phố bước lên phát biểu, chia sẻ suy nghĩ của mình khi thành phố có người công dân danh dự tuyệt vời như bác Nga.

Tiếp theo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cũng có bài phát biểu đầy tự hào về sự kiện này và chúc mừng bác. Các thiếu nhi thành phố cũng lên tặng hoa và chia sẻ cảm nghĩ về việc các em được truyền cảm hứng và hạnh phúc như thế nào khi được biết câu chuyện cuộc đời của bác. Sau khi bác nói lời cảm ơn thì cả Nhà hát lại ào lên những tiếng vỗ tay và hô vang "Justice pour Tran To Nga" của các khán giả.