Xả lũ lấy phù sa là việc làm cần thiết trong mùa nước nổi sau mỗi vụ Thu Đông. Điều này càng quan trọng hơn trong mùa nước năm nay, bởi theo ngành chuyên môn, lượng phù sa từ thượng nguồn về các sông ĐBSCL nhiều hơn trung bình nhiều năm.
Tùy vào điều kiện thủy lợi và lịch thời vụ, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương điều hành cống, đập hỗ trợ nông dân thả nước vào đồng ruộng để cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, đồng thời cách ly các loại dịch hại trên đồng.
Như ở huyện Bình Tân, địa phương của tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện xả lũ khoảng 6.000ha trên các diện tích lúa và rau màu. Còn tại huyện Tam Bình, địa phương sản xuất lúa nhiều nhất tỉnh, ngành nông nghiệp cho biết sẽ xả lũ, ngâm đồng toàn bộ diện tích sau khi thu hoạch lúa Thu Đông với gần 11.000ha.
Ngành nông nghiệp các huyện cho biết các diện tích lúa sau khi thu hoạch xong nông dân xới đất, xả lũ và ngâm đồng, cho nước lũ tràn vào nhằm vệ sinh đồng ruộng, bồi tụ thêm phù sa.
Việc mở đồng đón nước lũ được thực hiện trong vòng 1 tháng, sau đó sẽ tiến hành sản xuất vụ Đông Xuân. Việc xả lũ lấy phù sa được nông dân thống nhất cao, bởi lợi ích cung cấp phù sa, cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt, giảm chi phí cải tạo đất trong vụ lúa sau.
Bà Trần Thị Mỹ (xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Tôi có 4 công ruộng, thu hoạch xong vụ 3 là tôi xả nước vào ruộng ngâm đồng trong khoảng 1,5 tháng.
Nhờ thực hiện nhiều năm nay mà vụ sau tôi giảm chi phí đầu tư phân bón khoảng 20%, thêm vào đó, đất cũng được tẩy rửa độc tố thuốc trừ sâu, tiêu diệt mầm bệnh, giúp cho mùa vụ tiếp theo càng bội thu”.
Việc xả lũ vào đồng ruộng đem lại nhiều lợi ích cho nông dân tỉnh Vĩnh Long.
Ông Trần Văn Lượm (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) cũng cho hay: “Thả nước vô ruộng, vụ sau sạ là có phù sa nhiều hơn, lúa trúng lắm, tôi cũng giảm khoảng 20-30% chi phí phân ure vì có phù sa”.
Bà Trần Thị Hồng Nga- Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thảnh (huyện Bình Tân) cho biết: “Nhiều năm nay, sau vụ lúa Thu Đông, địa phương vận động và người dân đồng tình xả lũ. Vì đem lại nhiều lợi ích cho nông dân.
Nhờ xả lũ đưa nước vào đồng ruộng mà đất được nghỉ ngơi, các độc tố tích tụ trong đất bị rửa trôi. Nước vào đồng còn mang theo lượng phù sa bồi đắp cho ruộng lúa, góp phần duy trì độ màu mỡ của đất, từ đó nông dân giảm lượng phân bón, thuốc BVTV, giảm suy thoái môi trường, đất, nước…
Đây còn là dịp để nông dân cho đất “nghỉ ngơi”. Về mặt xã hội, chủ trương này có sự đồng thuận của nông dân, thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ông Lê Văn Chiến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tam Bình, cũng cho biết: Đối với những diện tích không làm vụ 3 thì huyện vận động nông dân thực hiện xả nước lấy phù sa để cho rơm rạ hoai mục.
Những địa phương sản xuất lúa Thu Đông thu hoạch dứt điểm đến đâu thì vệ sinh đồng ruộng, xới đất để thả nước lấy phù sa chuẩn bị vụ tới.
Nước mang phù sa vào đồng ruộng và mang theo nguồn lợi thủy sản trong đó có cá đồng, lươn đồng, ốc đồng...giúp người dân vùng xả lũ của tỉnh Vĩnh Long có thêm sinh kế.
Theo đánh giá những năm trước, việc xả lũ, ngâm đồng bên cạnh tăng độ phì nhiêu cho đồng ruộng, giúp giảm đáng kể lượng phân bón trong vụ Đông Xuân tiếp theo thì cũng tạo nguồn lợi thủy sản trên đồng ruộng, nông dân đánh bắt trong thời gian này có thể làm thực phẩm hoặc bán tăng thêm thu nhập.
Theo nhiều nông dân, ngoài việc cho nước vào ruộng để lấy phù sa, nguồn lợi thủy sản từ đó cũng phát triển, người dân đánh bắt sử dụng và bán góp phần mang lại nguồn thu nhập khá cao. Các loại cá được đánh bắt thường là cá sặt, cá rô đồng, rô phi, cá trê trắng, cá lóc, lươn, giá bán từ 20.000-90.000 đ/kg, tùy loại.
Đang đi giở lưới, anh Võ Tuyết Linh (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) cho hay: “Từ đầu vụ xả lũ đến nay tôi giăng lưới, kéo côn được gần 1 tháng, cá các loại tôi bán bổ đồng 80.000 đ/kg, thu nhập chừng 500.000-600.000 đ/ngày”.
Vừa đẩy côn xong, anh Lê Văn Út (xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân) cho hay: “Mùa nước tràn bờ rất dễ kiếm cá, chỉ cần xách dây côn ra đồng một buổi là kiếm được vài trăm ngàn đồng hoặc có cá ăn cả tuần.
Người dân ở đây bắt cá cũng rất có ý thức. Gặp cá lớn mới bắt, còn cá nhỏ thì thả lại để tái tạo nguồn lợi. Mình bắt hết thì còn cá đâu mà sinh sản để mùa sau bắt nữa”.
Theo bà Trần Thị Hồng Nga, vào mùa nước nổi, khi xả lũ, bên cạnh lợi ích cho đồng ruộng cũng là lúc người dân khai thác đánh bắt cá (giăng lưới, giăng câu, đặt lọp…) cải thiện bữa ăn và đem bán kiếm thêm thu nhập. Khoảng 2 năm nay, lượng thủy sản vào đồng đã bắt đầu tăng nhiều hơn trước.
Ông Nguyễn Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long: Ghi nhận từ khi cơn bão số 3 mưa lũ ở miền Trung Việt Nam, miền Bắc, thượng Lào và Thái Lan nhiều thì tải về lượng phù sa cũng lớn hơn so với năm 2023. Qua kinh nghiệm quan trắc và lấy mẫu, tính toán số liệu thì chúng tôi nhận thấy năm nay lượng phù sa về đồng bằng rất nhiều. Khuyến cáo bà con trong đồng có điều kiện lấy nước vào đồng để tăng lượng phù sa. Bởi vì điều kiện lũ mỗi năm khác nhau, năm nay có điều kiện thì cố gắng mở lấy nước vào trong đồng để cải tạo đồng ruộng.